Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững

Nguyễn Mai| 15/04/2017 07:08

(HNM) - Phương châm xây dựng nông thôn mới không phải là đô thị hóa nông thôn mà tạo ra những con người mới, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại trên nền cơ sở hạ tầng vững chắc...

Trong 5 năm qua, khu vực nông thôn của Hà Nội đã được đầu tư trọng điểm, tạo sự thay đổi lớn cho đời sống của người dân.


"Về đích" trước 4 năm

Nghị quyết số 11-NQ/TƯ đã đề ra mục tiêu cụ thể đối với phát triển nông nghiệp là hướng tới nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa sinh thái, sạch, công nghệ cao; đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu 2/3 số xã đạt tiêu chí vào năm 2020, mức tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn đạt khoảng 11,5 - 12%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 7.100 - 7.500 USD/năm...

Với đặc thù riêng là một trong ba địa phương có số xã lớn nhất cả nước (386 xã); địa bàn rộng, phức tạp gồm đồng bằng, đồi gò, miền núi và có đông thành phần dân tộc thiểu số sinh sống như Mường, Tày, Dao, Thái…; quỹ đất nông nghiệp lớn (chiếm 88,3%), dân số làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (63,1%), TP Hà Nội xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an ninh. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, Hà Nội đã chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, đến nay toàn thành phố đã làm được 78.823,4ha, vượt 3.334ha so với kế hoạch. Đồng thời đã hình thành 120 mô hình lúa chất lượng cao, gần 20 mô hình sản xuất hoa quy mô từ 5ha trở lên và nhiều trang trại nông nghiệp kiểu mẫu hiện đại...

Cùng với lợi thế chọn được hướng đột phá phù hợp, Hà Nội đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội trong triển khai xây dựng NTM. Ngoài vốn ngân sách nhà nước, thành phố đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa; tích cực chung tay hỗ trợ địa bàn nông thôn những công trình cụ thể với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Sự cộng hưởng sức mạnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020", hết năm 2016, toàn thành phố đã có 255/386 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 66,6% tổng số xã; có 2 huyện Đan Phượng và Đông Anh được công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, so với mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 2/3 số xã đạt tiêu chí NTM thì đến thời điểm này, Hà Nội đã "về đích" trước 4 năm.

Nâng cấp các tiêu chí

Tại Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ, trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020 về phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, thành phố tiếp tục huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển hạ tầng nông thôn. Đặc biệt là việc tổ chức đánh giá lại kết quả các tiêu chí NTM đối với địa phương đã đạt chuẩn để thực hiện nâng cấp các tiêu chí. Từ đó tập trung chỉ đạo các địa phương chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt song song với hoàn thành xây dựng NTM ở các xã còn lại.

Góp ý vào những nội dung này, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho hay, mặc dù đã hoàn thành xây dựng huyện NTM từ năm 2015 nhưng Đan Phượng vẫn đang phấn đấu xây dựng các xã NTM kiểu mẫu với tiêu chí cao hơn. Huyện đã chọn 2 xã Đan Phượng và Liên Trung để tập trung làm điểm. Tương tự, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết: Đối với 12 xã đã đạt chuẩn NTM, huyện xác định "về đích" không có nghĩa là dừng lại mà phải phấn đấu liên tục, kiên trì. Huyện yêu cầu các xã rà soát, giữ vững và nâng chất lượng các tiêu chí, trong đó chú trọng đến môi trường và an toàn thực phẩm...
Trong giai đoạn tới, bên cạnh lợi thế của thành tựu vừa đạt được, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Những nội dung này đã được thành phố xác định rõ trong lộ trình tiếp theo, trong đó tập trung xây dựng, quản lý và phát triển khu vực nông thôn theo hướng đô thị lớn đan xen với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Với đặc thù rất riêng, Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020" và Luật Thủ đô giúp Hà Nội huy động nguồn lực cho NTM thuận lợi hơn so với các địa phương khác. Đặc biệt, là nơi hội tụ các bộ, ngành và nhà khoa học hàng đầu, cùng với những cơ chế đặc thù, Hà Nội có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo đúng tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TƯ đề ra. Tuy nhiên, thành phố cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nông thôn và đô thị khi đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, việc xây dựng NTM ở cấp xã cần tính đến tiêu chí phù hợp khi chuyển thành phường và huyện thành quận.

Định hướng trong giai đoạn tiếp theo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khi chỉ đạo triển khai Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy tại các địa phương đã nhấn mạnh: "Với các huyện có xu hướng phát triển đô thị như Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Oai... và các vùng được quy hoạch là đô thị vệ tinh, khi rà soát lại quy hoạch NTM cần tính đến phương án phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị để tránh lãng phí tiền của, công sức trong lộ trình phát triển...".

Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội có 80% trở lên số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 huyện, thị xã trở lên đạt NTM; hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân; hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm... Với lợi thế cùng sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô trong thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Hà Nội kỳ vọng sẽ sớm đạt mục tiêu xây dựng NTM và tiếp tục "cán đích" nhanh hơn dự kiến.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.