(HNM) - Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh: Làm nên chiến thắng chống giặc ngoại xâm là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang (LLVT) đóng vai trò nòng cốt. Kế thừa kinh nghiệm quý báu đó, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Đảng ta chủ trương xây dựng
Giảng viên Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) hướng dẫn học viên kỹ thuật chiến đấu phòng không.Ảnh: Bá Hoạt |
Nghị quyết TƯ 8 (khóa XI) xác định cụ thể các nội dung chủ yếu trong xây dựng nền QPTD, đó là tăng cường tiềm lực quốc phòng, nhất là tiềm lực chính trị - tinh thần, "thế trận lòng dân"; xây dựng lực lượng và thế trận của nền QPTD; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh và đối ngoại; nâng cao khả năng huy động nguồn lực của đất nước cho nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng, TS Nguyễn Đức Hải - Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Quốc phòng) khẳng định: Xây dựng nền QPTD tức là để nhân dân coi sự nghiệp quốc phòng là công việc của toàn dân, là trách nhiệm của nhân dân, do toàn dân tiến hành và dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Sức mạnh không chỉ thể hiện về nhân lực, vật lực mà còn về trí tuệ, mưu lược. Để thực thi đầy đủ những nội dung đó, QPTD thực sự là "cái nền" của công cuộc giữ nước, tập hợp được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, buộc các thế lực thù địch phải đối phó không chỉ với quân đội mà với cả cộng đồng dân tộc. Theo Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hồi - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, nội dung xây dựng nền QPTD bao gồm: Xây dựng tiềm lực và thế trận. Thực hiện chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, trong 70 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng cả tiềm lực và thế trận của nền QPTD. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang diễn ra với nhiều thuận lợi to lớn bởi những thành tựu của gần 30 năm đổi mới đem lại nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức gay gắt, vì thế Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng nền QPTD.
Để xứng đáng là lực lượng nòng cốt xây dựng nền QPTD vững mạnh thì quân đội phải vững mạnh về chính trị, tạo tiền đề xây dựng sự vững mạnh về mọi mặt. Mặt khác, quân đội phải tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối, các giải pháp bảo vệ Tổ quốc; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng để giúp nhân dân nâng cao nhận thức, kiến thức và ý thức về nhiệm vụ xây dựng nền QPTD. Quân đội phải thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng đối với các bộ, ban, ngành và địa phương nhằm không ngừng tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng của đất nước; tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới với các hình thức đa dạng, hiệu quả nhằm tăng cường hơn nữa sự gắn bó máu thịt với nhân dân, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc là cách thiết thực nhất để xây dựng thế trận của nền QPTD. Quân đội cần tập trung nguồn lực để xây dựng khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn biên giới xung yếu và địa bàn chiến lược theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Bên cạnh đó là việc tiếp tục tập trung xây dựng Đảng bộ quân đội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho Đảng luôn giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội…
Hơn 10 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, toàn quốc đã có gần 4 triệu cán bộ thuộc các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh. Việc huy động các nguồn lực bảo đảm cho công tác giáo dục quốc phòng - an ninh được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm đúng mức, tạo nền tảng cơ sở vật chất bước đầu đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục quốc phòng-an ninh ở các cấp. Bộ Tổng Tham mưu đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Do đó, tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ được tăng cường, khả năng bảo vệ địa bàn, ứng phó với các tình huống quốc phòng - an ninh được nâng cao; việc vận hành cơ chế lãnh đạo, điều hành hoạt động khu vực phòng thủ từng bước được hoàn thiện…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.