Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Đoàn tàu đã chuyển bánh

Nguyễn Triều| 05/01/2011 06:44

(HNM) - Theo ngạn ngữ phương Tây, khi đoàn tàu đã chuyển bánh lên đường thì không gì có thể ngăn lại. 25 năm trước, sau Đại hội VI của Đảng, "con tàu" đổi mới của đất nước bắt đầu khởi động. Và cùng với nó là "con tàu" báo chí, một phương tiện chuyển tải thông điệp đổi mới, mở cửa, hội nhập của Việt Nam đến với toàn dân, cũng chuyển bánh và ngày càng tăng tốc.

Báo Hànộimới không ngừng đổi mới, bám sát đời sống xã hội, nâng cao chất lượng bài, tin. Ảnh: Linh Tâm

Cho tới năm 1988, tức là 22 năm trước, Báo Hànộimới một tuần vẫn chỉ có 6 số, mỗi số 4 trang. Năm 1989 (22 năm sau khi báo ra số đầu tiên), Hànộimới ra tờ Chủ nhật. Từ đó báo ra một tuần đủ 7 số, đúng nghĩa báo hằng ngày. Thời đó cả báo, từ TBT tới nhân viên bảo vệ, chừng 70 người. Mấy năm sau báo cho ra tiếp nguyệt san Hà Nội ngày nay, rồi Báo Hànộimới Chủ nhật như một ấn phẩm riêng, lần đầu trong báo chí Thủ đô ra 8 trang khổ lớn. Rồi tiếp đó là Văn phòng đại diện phía Nam được thành lập; rồi báo điện tử, Hànộimới Tin chiều. Vào những năm 90 của thế kỷ trước cả nước chưa được 7.000 người được cấp thẻ nhà báo. Những năm đó, Báo Hànộimới, cũng như báo chí cả nước nói chung, đã có những bước nhảy vọt cả về lượng và chất mà khởi đầu là những nghị quyết đổi mới, những bài viết Những việc cần làm ngay của N.V.L đăng trên Báo Nhân Dân.

Đúng là đã có những nóng vội, nhưng đó là những khát khao đổi mới, những đòi hỏi thay đổi cuộc sống qua cơ quan thông tin đại chúng. Có thiếu sót, nhưng cái được, phải nói thẳng, nhiều hơn. Nếu không chúng ta hôm nay đã không có một mạng lưới truyền thông rộng rãi, phổ thông và hết sức thời sự về mọi mặt cuộc sống của đất nước cũng như thế giới.

Cho đến năm 1988 Báo Hànộimới không cử phóng viên đi bất cứ đâu ngoài địa phận Thủ đô. Giờ đây phóng viên Hànộimới không chỉ có mặt hết sức mau chóng ở mọi nơi, từ Mù Căng Chải tới Trường Sa, để đưa tin, viết bài, giao lưu, trợ giúp đồng bào bị thiên tai, mà còn có điều kiện ra nước ngoài khi cần, tất nhiên không chỉ để đưa tin thể thao theo giấy mời, được tài trợ, mà chủ yếu là lấy từ nguồn kinh phí hoạt động nghiệp vụ của báo. Giờ đây một trong những yêu cầu nghề nghiệp đầu tiên và bắt buộc của Hànộimới là phóng viên phải có mặt ngay và đưa tin ngay về sự kiện bạn đọc quan tâm.

Giữa những năm 1990 để lại trong tôi hai dấu ấn về nghề. Cuối năm 1995 chúng tôi đi Chiềng Mai, Thái Lan, dự SEA Games. Đó là lần đầu tiên phóng viên báo được đi dự một sự kiện thể thao ở nước ngoài. Tại trung tâm báo chí tôi thực sự hoa mắt vì các phóng viên nước ngoài dùng máy tính cá nhân gửi bài, thậm chí cả ảnh. Còn chúng tôi, theo thường lệ, cứ viết tay (giấy sẵn) và fax về Hà Nội. Năm sau, 1996, có một đoàn nhà báo Pháp đến thăm Báo Hànộimới, khi thăm ban chúng tôi mấy người trong đoàn ngó ngang ngó dọc. Thấy rõ được sự kinh ngạc, thậm chí cảm phục qua ánh mắt họ, chúng tôi tự hào lắm. Họ nói:

- Các ông bà giỏi thật, đến giờ vẫn giữ được truyền thống làm báo với giấy và bút. Chúng tôi quên thói quen này đã lâu rồi...

Phải mười mấy năm sau tôi mới hiểu được ý nghĩa câu nói đó khi Báo Hànộimới trang bị đầy đủ máy tính cho từng phóng viên và có mạng nội bộ riêng của mình, khi đúng là viết bài, thậm chí đang đi công tác, không cần giấy bút nữa. Hiểu rồi, nhìn lại, tôi cảm thấy thật tự hào - rõ ràng chúng ta đang tiến rất nhanh.

Bây giờ đội ngũ nhà báo đã rất hùng hậu. Bây giờ chúng ta đã có những tờ báo rất có uy tín ở trong nước và trên thế giới. Bây giờ chúng ta đã có cả một hệ thống báo mạng, cổng thông tin điện tử. Bây giờ rõ ràng thông tin nhanh hơn nhiều. Tất cả đều được phản ánh, rất mau chóng và kèm theo hình ảnh trên báo chí. Nhất là trên mạng.

Rõ ràng trong vài chục năm qua báo chí của chúng ta đã phát triển rất nhanh, cả về chất lượng lẫn số lượng và cho đến nay vẫn luôn là tiếng nói rất quan trọng trong sự chỉ đạo điều hành đất nước của lãnh đạo và trong định hướng suy nghĩ, hành động của người đọc. Cũng vì thế nên sai sót, lầm lỡ là không thể tránh khỏi. Đã có những nhà báo bị bắt giữ, bị khởi tố, bị giam giữ. Nhưng cũng đã có không ít những quan chức, kể cả cấp bộ trưởng, đã phải vào tù vì báo chí đã phanh phui những việc làm sai trái của họ...

“Quyền lực” của nhà báo gắn với lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, con người. Quyền lực đó thật lớn, thật dữ dội nếu thực hiện đúng, còn bỏ qua, chạy theo cái khác, nhà báo không còn là nhà báo nữa. Giữa “quyền lực” rất lớn ấy và vật chất, nhà báo chỉ có thể chọn một. Thật tuyệt là nhà báo nói chung chọn “quyền lực” xã hội trao.

Một tờ giấy, một cái bút có thể tạo ra tiền tỷ, thậm chí nhiều thứ hơn nữa. Nhưng đó không phải là giấy bút của nhà báo. Giấy bút của nhà báo chỉ có thể tạo nên một thứ không tiền bạc, quyền lực nào làm được - danh dự và danh tiếng khi góp phần quan trọng làm trong sạch xã hội. Đó là thứ mà những người cầm bút nói chung vươn tới.

Trách nhiệm chính của nhà báo không phải là chống tiêu cực. Xã hội, cuộc sống có rất nhiều chuyện cần nhà báo phản ánh hơn là chống tiêu cực. Đó là họ buộc phải làm theo yêu cầu của xã hội để xã hội chúng ta, cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Một người đặt cho mình mục tiêu vươn tới của cuộc sống là phấn đấu, bằng nghề nghiệp của mình, cho một xã hội tươi đẹp hơn, liệu có thể là một người chấp nhận, cúi đầu theo tiêu cực chỉ để cho gia đình mình sống tốt?

Báo chí có được như ngày nay, cũng là nhờ Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã khởi xướng công cuộc đổi mới. Báo chí đã là người truyền tải thông điệp đó một cách hữu hiệu, đặc biệt là từ năm 1988, từ khi có loạt bài Những việc cần làm ngay của N.V.L. Trên đà đổi mới, báo chí tiếp tục tiến xa, đồng thời phục vụ đắc lực nhất quá trình đổi mới của Đảng, của đất nước.

Và từ đó, báo chí của chúng ta, như đoàn tàu đổi mới đã chuyển bánh, chưa một lần dừng lại, cả về chất lẫn lượng, mà chỉ càng mỗi ngày một tăng tốc hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Đoàn tàu đã chuyển bánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.