(HNM) - Sáp nhập chi bộ, tổ dân phố, thôn, xóm thống nhất mô hình tổ chức hệ thống chính trị cơ sở; thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước là những việc khó, phức tạp.
.
Đồng bộ hệ thống chính trị toàn thành phố
Để thấy hết sự cần thiết của Đề án 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội" cần phải xem xét bối cảnh thực tế. Theo Ban Tổ chức Thành ủy, cơ quan xây dựng và tham mưu cho Thành ủy về Đề án 06, phần lớn trong số 577 xã, phường, thị trấn (con số ở thời điểm năm 2013) đã có mô hình tổ chức tổ dân phố, thôn thống nhất, đồng bộ gồm một chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố, thôn (hoặc một khu dân cư). Tại các phường, thị trấn, số chi bộ được tổ chức đồng bộ như vậy chiếm 89,6%, tại các xã, số này chiếm 85,5%. Tuy nhiên, tại các phường, thị trấn, có 90 chi bộ hoạt động theo mô hình hai chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố hoặc một khu dân cư; 190 chi bộ theo mô hình từ ba chi bộ trở lên lãnh đạo một tổ dân phố hoặc một khu dân cư. Đối với các xã, tình trạng chưa thống nhất mô hình tổ chức cũng diễn ra ở nhiều nơi, liên quan đến gần 15% số chi bộ thôn trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, có 58 chi bộ theo mô hình hai chi bộ lãnh đạo một thôn; 368 chi bộ thực hiện mô hình ba chi bộ trở lên lãnh đạo một thôn. Cá biệt, tại thôn Kim Bôi, xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức có đến 9 chi bộ cùng lãnh đạo thôn. Đó là chưa kể ở các phường, thị trấn còn có 878 chi bộ không đồng bộ với các tổ chức đoàn thể; còn ở các xã số này là 346 chi bộ.
Những bất cập này gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư, nơi gắn bó mật thiết nhất với người dân. Đáng lo ngại nhất là tình trạng chồng chéo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xảy ra hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...
Sau khi Thành ủy ban hành Đề án 06, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện, đến nay đã cơ bản hoàn thành đề án. Trong quá trình đó, phải kể đến sự sâu sát, sáng tạo của thành phố khi kịp thời ban hành cơ chế duy trì chế độ đối với những cán bộ đương nhiệm tại các nơi thực hiện sắp xếp, nhưng không tiếp tục tham gia công tác. Giải pháp này đã giúp cho việc thực hiện đề án mà vẫn giữ ổn định tư tưởng, chính trị ở cơ sở. Sau sắp xếp, thành phố đã giảm gần 1/3 số tổ dân phố (2.239 tổ dân phố) và 6 thôn; chia tách, sáp nhập 1.008 chi bộ thôn, tổ dân phố để thành lập 503 chi bộ thôn, tổ dân phố và 24 đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn. Toàn thành phố đã đồng bộ hóa mô hình tổ chức hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, giờ đây chỉ còn một mô hình một chi bộ hoặc đảng bộ bộ phận lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, một hoặc nhiều tổ dân phố, thôn, khu dân cư. Đây thực sự là thành công, là dấu ấn ấn tượng của nhiệm kỳ XV Đảng bộ thành phố. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đào Văn Bình: "Việc thực hiện đề án này không những thống nhất được sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương qua đó đưa đến thành công trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết các điểm nóng... mà còn giảm được biên chế, đầu mối, giảm chi phụ cấp, tiết kiệm được ngân sách...".
Thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp
Ở Hà Nội, tại thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020", toàn thành phố có gần 150.000 DN ngoài khu vực nhà nước, đóng góp trên 60% tổng thu nội địa của thành phố. Mặc dù nhiều DN có đủ điều kiện để thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, nhưng số DN đã thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể vẫn ít, chủ yếu là ở các DN chuyển đổi từ DN nhà nước thành công ty cổ phần. Với mục tiêu "Tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và vai trò, vị trí của các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phải được đặt trong mục tiêu phát triển bền vững của DN; trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ DN, người lao động và thực hiện tốt chính sách xã hội", Nghị quyết số 09-NQ/TU đã được đông đảo các DN quan tâm, ủng hộ. Nhiều chủ DN hiểu mục đích cao đẹp, sự cần thiết của nghị quyết đã chủ động tham gia, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thành lập tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể. Tuy gặp một số khó khăn do kinh tế suy giảm, nhiều DN ngừng hoạt động, giải thể, nhưng kết quả thực hiện Nghị quyết 09 vẫn hết sức tích cực. Sau 3 năm, toàn thành phố đã thành lập mới 540 tổ chức Đảng, kết nạp mới 3.117 đảng viên; 1.082 tổ chức công đoàn cơ sở, kết nạp mới gần 110.000 công đoàn viên; 97 tổ chức phụ nữ, kết nạp mới trên 3.200 hội viên; 332 tổ chức thanh niên, kết nạp mới gần 13.000 thành viên trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Đây là bước đột phá trong việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TƯ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" trong tình hình mới.
Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Ngọc Lâm đã nhận định rằng: "Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội đã thay đổi nhận thức của một bộ phận không nhỏ các chủ DN. Đây là điều rất có ý nghĩa. Với nhiều biện pháp triển khai, tổ chức thực hiện bài bản, đồng bộ, thông qua Nghị quyết 09, Thành ủy Hà Nội đã góp phần hiệu quả "xóa trắng", "xóa trống" lực lượng của Đảng và các đoàn thể trong đội ngũ hùng hậu của giai cấp công nhân, người lao động tại các DN ngoài khu vực nhà nước".
Đề án 06-ĐA/TU và Nghị quyết 09-NQ/TU là giải pháp lớn có ý nghĩa quan trọng góp phần tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, năng lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân theo hướng tập trung về cơ sở, là dấu ấn nổi bật trong việc thực hiện Chương trình 01-CTr/TU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.