Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Cuộc chạy đua chưa rõ hồi kết

Hoàng Linh| 26/08/2022 06:29

(HNM) - Hơn một nửa dân số thế giới hiện sinh sống trong các đại đô thị, thường xuyên đối mặt thách thức từ ngập lụt. Tuy nhiên, mọi nỗ lực chống lại “thủy thần” vẫn luôn là cuộc chạy đua chưa rõ hồi kết trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục làm phát sinh những hình thái thời tiết phức tạp. Nhiều giải pháp, sáng kiến chống ngập đã được triển khai có thể là bài học quý đối với thành phố Hà Nội.

Mưa lớn tại Seoul (Hàn Quốc) giữa tháng 8-2022 đã gây ra nhiều thương vong và hàng nghìn công trình bị hư hại.

Từ giải pháp công trình ngầm…

Mới đây, mưa lớn kỷ lục ở Thủ đô Seoul và một số nơi khác ở miền Trung và Đông Hàn Quốc đã nhấn chìm nhiều ô tô, làm ngập lụt nhà ở tại những vùng đất thấp, khiến nhiều dịch vụ công cộng bị gián đoạn, tàu hỏa và tàu điện phải tạm ngừng hoạt động. Diễn biến này khiến chính quyền thành phố 10 triệu dân phải đề ra các biện pháp phòng, chống lũ lụt trung và dài hạn. Theo công bố, Seoul sẽ chi 1,15 tỷ USD trong 10 năm để xây dựng 6 hệ thống chứa và thoát nước mưa quy mô lớn, sâu dưới lòng đất, tại 6 khu vực có nguy cơ cao bị ngập lụt. Hệ thống ống thoát nước này có đường kính khoảng 10m được đặt ở độ sâu 40-50m.

Seoul không phải đô thị duy nhất tìm cách “cơi nới” các kênh thoát nước. Khác với nông thôn hoặc các khu vực tự nhiên, nơi nước mưa dễ dàng ngấm xuống đất, các đô thị với nền cứng khiến nước cần có hệ thống dẫn thoát hợp lý. Nhằm giải quyết bài toán khó này theo hướng bền vững, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) năm 2016 đã đưa vào vận hành “siêu kênh” xả nước ngầm khu vực đô thị (MAOUDC), với số tiền đầu tư tới 2 tỷ USD, hiện là công trình chống lũ lớn nhất thế giới. Hệ thống đường hầm dài 6,3km được xây dựng ở độ sâu 22m dưới lòng đất, với hệ thống bể cùng một số trụ chứa nước. Mỗi bể chứa nước cao 70m, đủ lớn để chứa một tàu con thoi. Hệ thống hầm ngầm sẽ hút nước từ những con sông nhỏ tại khu vực phía Bắc Tokyo, sau đó đổ về bể ngầm. Nước trong bể ngầm sau đó sẽ chảy qua hệ thống đường hầm dài 6,3km tới sông lớn Edo với lưu lượng gần 200m3/s. Nước đổ ra sông qua hệ thống 6 cửa xả. Kích thước mỗi cửa xả đủ để một chiếc tàu điện ngầm có thể chạy qua. Để bảo đảm công suất, MAOUDC được trang bị 4 máy bơm cao áp, mỗi máy trong vòng 1 giây có thể xả 50m3 nước.

 … đến những sáng kiến

Cùng với đầu tư xây dựng công trình chống ngập, chính quyền nhiều đô thị còn cố gắng đề ra những giải pháp tăng cường hiệu quả của các hệ thống thoát nước sẵn có bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trung Quốc có sáng kiến “thành phố xốp” độc đáo. Lượng nước mưa được hấp thụ rồi thải từ từ xuống sông và các hồ chứa thông qua việc sử dụng các khu vườn trên sân thượng, các công viên, vỉa hè thấm nước và các bể chứa ngầm. Đặc biệt, quốc gia đông dân nhất thế giới đặt mục tiêu hấp thụ hoặc tái sử dụng 70% lượng nước mưa rơi xuống 4/5 diện tích đất đô thị. Trong khi đó, Canada triển khai chương trình tái định cư, hỗ trợ tài chính để di dời cư dân có nhà nằm trong vùng ngập lụt.

Tại nước Mỹ, các đô thị khu vực Tây Nam đang cố gắng gia tăng cơ sở hạ tầng thu nước mưa và tái chế nước mưa. Chương trình nước tinh khiết của thành phố San Diego đặt mục tiêu sản xuất một phần ba nguồn cung cấp nước sạch của thành phố thông qua tái chế nước mưa vào năm 2035. Với những khu vực hạn chế không gian như Chicago, các dự án “mái nhà xanh” được khuyến khích, kỳ vọng làm giảm dòng chảy xói mòn từ nước mưa - tác nhân gây úng ngập cục bộ và ảnh hưởng đến hệ thống hạ tầng. Tại vùng ven biển của nước Mỹ, cơ sở hạ tầng tự nhiên bao gồm vùng đất ngập nước và cồn cát được chú trọng gìn giữ.

Các quốc gia như Brazil, Pakistan và Honduras khuyến khích người dân tự xây dựng hệ thống thoát nước đơn giản. Với kết cấu tương tự như hệ thống thoát nước thông thường, những hệ thống này có chi phí thấp, chỉ sử dụng các đường ống nhỏ hơn được đặt ở các khu vực nông hơn, nhưng góp phần không nhỏ vào hạ tầng thoát nước chung của cả khu vực.

Giới chuyên môn cũng cho rằng, các cộng đồng đô thị cần phải được thiết kế để sống cân bằng với khí hậu và môi trường địa phương. Để đạt được điều này, các ý kiến nhấn mạnh, việc quy hoạch thành phố và xây dựng khu dân cư cần lựa chọn nơi phù hợp với đời sống con người. Ngoài ra, các đô thị cần cân nhắc việc quản lý và xử lý nước thải cuối hệ thống thoát nước, bởi khi nước mưa chảy trên bề mặt đô thị, nó kéo theo vi khuẩn, kim loại nặng, chất dinh dưỡng và hạt mầm - có thể gây ra những tác động to lớn đối với cân bằng môi trường sống. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết của những kế hoạch mang tính dài hạn, bởi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, trạng thái biến đổi khí hậu trên toàn cầu sẽ ngày càng khốc liệt, nhiều bất thường, luôn khiến những giải pháp ứng phó với úng ngập đô thị của nhân loại, dù mạnh dạn nhất, cũng vẫn có thể có thiếu sót.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Cuộc chạy đua chưa rõ hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.