(HNM) - Tiếp nối thành công của Chương trình số 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Chương trình này với nhiều nét mới hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa "tam nông" - nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
3 mục tiêu lớn về “tam nông”
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giai đoạn 2016-2020 cùng những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình số 04-CTr/TU) đề ra 3 mục tiêu chính.
Thứ nhất, về xây dựng nông thôn mới, chương trình tiếp tục đặt ra mục tiêu này nhưng ở một tầm mức mới - đó là xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị với quan điểm, mục tiêu tổng quát là: Xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại...
Thứ hai, cùng với xây dựng nông thôn mới, Chương trình số 04-CTr/TU cũng đặt vấn đề về phát triển nông nghiệp nhưng so với Chương trình số 02-CTr/TU của giai đoạn trước, chương trình lần này có nhiều điểm mới, đặc biệt là việc tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
Trong đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể. Thành phố tập trung phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị...
Ngoài ra, Hà Nội sẽ củng cố hoạt động và thành lập mới các hợp tác xã; phát triển kinh tế trang trại bền vững. Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, trong đó ưu tiên những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.
Thứ ba, đối với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, Chương trình số 04-CTr/TU đặt ra mục tiêu khuyến khích phát triển các mô hình xử lý nước thải, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tái sử dụng chất thải nông nghiệp, làng nghề phục vụ nền kinh tế tuần hoàn; phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn.
Gắn với 3 mục tiêu, Chương trình số 04-CTr/TU đề ra 3 nhóm chỉ tiêu tương ứng cụ thể như: Đến năm 2025, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm đạt 2,5-3%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%; đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm...
Hệ thống giải pháp thực hiện đột phá
Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, đối với xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò then chốt, từ đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.
Hà Nội sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bảo đảm phù hợp với quy hoạch và bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị. Trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị, nhất là với các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phát triển lên quận giai đoạn 2021-2025... Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020)...
Đối với nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Thành ủy Hà Nội chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, việc cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất sẽ tập trung quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp...
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực chế biến sâu. Thành phố cũng sẽ đơn giản các thủ tục đăng ký cấp giấy phép kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công; tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, thuế, xúc tiến thương mại, đào tạo...
Về phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như: Mỗi năm thành lập mới từ 70 hợp tác xã trở lên, hỗ trợ ít nhất từ 50 hợp tác xã trở lên thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; triển khai chính sách thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, trên đại học về làm việc tại các hợp tác xã...
Mặt khác, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn thông qua việc hỗ trợ thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn; đồng thời đầu tư xây dựng mới và cải tạo các chợ đầu mối, chợ dân sinh nông thôn.
Về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, Hà Nội triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội, xây dựng miền quê đáng sống; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm xã hội...
Tin tưởng rằng, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025 sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ cho "tam nông" phát triển nhanh, bền vững, để nông thôn Hà Nội thực sự trở thành những miền quê đáng sống.
→ Xem toàn bộ nội dung Chương trình số 04-CTr/TU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.