(HNM) - Để văn hóa truyền thống Việt Nam vững vàng trước những
Để văn hóa truyền thống Việt Nam vững vàng trước những "va chạm", "xung đột" văn hóa của thời đại hội nhập, để xây dựng hệ giá trị người Việt Nam làm nền tảng, động lực đưa đất nước vươn ra "biển lớn", không ít vấn đề cần được đặt ra, cần được triển khai thực hiện với quyết tâm mới.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long luôn thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Ảnh: Viết Thành |
1. Đổi mới và mở cửa, mọi sinh hoạt xã hội ngày càng cởi mở, đời sống tinh thần được "cởi trói", văn hóa truyền thống được quan tâm nhiều hơn, văn hóa dân tộc được đặt đúng vị trí, lễ hội được phục dựng, đình chùa, miếu mạo được sửa sang tôn tạo, nhu cầu tâm linh được đáp ứng… Người dân được thụ hưởng những thành tựu của các nền văn hóa khác nhau và tiếp cận với các giá trị văn hóa nghệ thuật mới của thế giới và tạo ra những giá trị văn hóa mới. Đổi mới - văn hóa Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Công cuộc đổi mới và những thành tựu của khoa học công nghệ đã thổi một luồng gió mới vào đời sống xã hội. Tiềm năng văn hóa dân tộc được khẳng định, các lĩnh vực nghệ thuật phát triển, những giá trị văn hóa Việt Nam tỏa sáng, được thế giới công nhận là một phần không thể thiếu trong kho tàng quý giá của văn hóa nhân loại. Những thiên nhiên kỳ vĩ (Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng), những sản phẩm văn hóa vật chất chứa đựng hồn cốt của dân tộc (Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế) những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo (không gian cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Hát xoan Phú Thọ, Đàn ca tài tử Nam Bộ) đã trở thành di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới cùng đất nước cất bước mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập quốc tế… Hoàn toàn có thể nhận định: Những thành tựu văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã tác động tích cực đến đời sống xã hội và đạt được những kết quả mà trước đó chưa thể nào có được.
30 năm đổi mới cũng là một quá trình vận động. Từ chỗ có phần xem nhẹ văn hóa dân tộc, chúng ta đã có những thay đổi lớn. Cụm từ "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã được nhắc đến trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" thông qua tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991). Và tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, Đảng ta đã xác định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội". Đến Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, đã có Nghị quyết "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Và Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã ban hành Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Xây dựng "văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" có thể hiểu là xây dựng những giá trị chuẩn mực Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam có đạo đức và tinh thần nhân văn, có trách nhiệm với dân tộc, với vận mệnh đất nước…
2. Những thành tựu về văn hóa đạt được từ công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Đồng thời trong tiến trình hội nhập, chúng ta đã có những tư duy và nhận thức mới về văn hóa. Thế nhưng, nhiều cán bộ, đảng viên vẫn chưa thật sự hiểu về tầm quan trọng của việc xây dựng "nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đặc biệt là xây dựng "văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Do vậy, nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết của Đảng chưa được triển khai một cách nghiêm túc.
Đổi mới và đem đến những thành tựu to lớn nhưng mặt trái của kinh tế thị trường cũng để lại không ít hệ lụy. Cơ chế không theo kịp "cơn lốc" hội nhập, luật pháp chưa chặt chẽ, quản lý thiếu minh bạch... Những rào cản của sự phát triển ngày càng lộ rõ khi lợi ích vật chất lôi kéo "một bộ phận không nhỏ" thoái hóa, biến chất. Vấn nạn tham nhũng ngày càng nhức nhối, trong khi, tinh thần nhân văn, đạo đức xã hội bị rung lắc dữ dội… Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thẳng thắn nhận định: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế chưa được ngăn chặn có hiệu quả; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội"… Ở thời điểm hiện tại, những mặt mạnh và yếu của kinh tế thị trường đã bộc lộ rõ. Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và văn hóa ngày càng đặt ra nhiều vấn đề và có thể nói dân tộc Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Xác định con người là yếu tố cốt lõi, là động lực của sự phát triển, Đảng ta đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là từng bước xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Đồng thời tạo môi trường để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cùng ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc… Gắn xây dựng con người với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng ta đề cao nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị. Trong đó, chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Cùng với đó là xây dựng văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân…
Chủ động xác định một hệ giá trị cho Việt Nam cho hiện tại và tương lai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bên cạnh những giải pháp cấp bách nhằm đẩy lùi cái xấu, cái ác đang tha hóa con người, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội; đồng thời khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam...
3. Để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trước hết là xây dựng hệ giá trị Việt Nam, chuẩn giá trị Việt Nam. Bởi lẽ bất cứ thời đại nào có hệ giá trị riêng có. Trước đây, ta đã có hệ giá trị văn hóa nông nghiệp - nông thôn gắn với văn hóa làng xã và những giá trị đó đã ủ ấm tinh thần dân tộc trong những dặm trường lịch sử. Tuy nhiên, hệ giá trị văn hóa không bất biến mà cần có sự điều chỉnh phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển.
Để đất nước vững vàng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập trong một thế giới phẳng, chúng ta cần xác lập một hệ giá trị mới: Hệ giá trị văn hóa công nghiệp - đô thị - hội nhập. Định hướng phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa có thể nhìn nhận là một bước chuyển về tư duy. Sau nhiều năm đổi mới, chúng ta đã xác định trọng tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người với các đặc tính cơ bản như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo… Và để xây dựng văn hóa con người cần xây dựng một hệ giá trị thích hợp để phát huy được những điểm mạnh và hạn chế thói hư tật xấu của người Việt. Cùng với đó là chuẩn bị các yếu tố cần thiết để chắt lọc thẩm thấu tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời loại bỏ các "dị tật" ngoại lai.
Đổi mới vừa là yêu cầu, vừa là đòi hỏi. 30 năm đổi mới, văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên nhiều lĩnh vực và chúng ta cũng đã có những bước chuyển lớn về tư duy văn hóa… Thế nhưng đổi mới văn hóa vẫn chưa toàn diện. Nghị quyết của Đảng về văn hóa chưa thấm sâu vào đời sống xã hội, nguy cơ mới hiện hữu cùng với những thói xấu đang "ăn mòn" các giá trị nhân văn truyền thống, tạo ra các "khuyết tật xã hội", tác động tiêu cực đến tiến trình phát triển của đất nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ… Thiếu nền tảng vững chắc, đất nước không thể phát triển. Do vậy, xây dựng hệ giá trị Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.