Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Vì sao chưa là ngành kinh tế mũi nhọn?

Nhóm phóng viên Văn hóa - Xã hội| 07/08/2021 06:30

(HNM) - Hà Nội có nền tảng vững chắc cho công nghiệp văn hóa phát triển, song thị trường văn hóa ở Thủ đô còn manh mún, chưa hoàn thiện, có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trên thế giới. Vấn đề hiện nay là tập trung nhận diện những trở lực để khơi nguồn, tạo động lực mới đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một “sức mạnh mềm” của Thủ đô trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Không gian sáng tạo “Ơ kìa Hà Nội” gặp nhiều khó khăn do tính thiếu ổn định về địa điểm hoạt động (ảnh chụp đầu tháng 4-2021).

Vẫn còn “đụng đâu, khó đó”

Vừa mới kết thúc chuỗi hoạt động bảo tồn di sản và còn đang ấp ủ rất nhiều dự án văn hóa, nghệ thuật dành cho cộng đồng, không gian sáng tạo “Ơ kìa Hà Nội” đã phải chuyển địa điểm mới, do chủ sở hữu thu hồi mặt bằng. Đáng nói, đây là lần thứ ba kể từ khi hình thành đến nay, không gian này phải di dời, sau rất nhiều công sức, tiền của vun đắp, gây dựng “ngôi nhà” hấp dẫn, ấn tượng cho người yêu văn hóa, nghệ thuật Thủ đô.

Cùng với lý do bị đòi lại mặt bằng, Tổ hợp sáng tạo 60S Thổ Quan, sau 3 năm hoạt động với hàng chục thương hiệu lớn, nhỏ đã phải dừng vô thời hạn, khép lại toàn bộ chuỗi sự kiện hấp dẫn, giúp truyền cảm hứng và nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo cho người trẻ.

Anh Cao Trung Hiếu (đồng sáng lập Tổ hợp sáng tạo 60S Thổ Quan) chia sẻ: “Các không gian sáng tạo hiện vẫn bị coi là doanh nghiệp thuần túy, không được tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt bằng cũng như các chính sách ưu đãi khác. Nhiều không gian không tồn tại được lâu do giá thuê quá cao, chủ cho thuê không đánh giá cao các giá trị văn hóa sáng tạo...”.

Thực trạng thiếu tính bền vững này, tồn tại ở rất nhiều không gian sáng tạo trên địa bàn Hà Nội, khiến việc tạo dựng, duy trì mô hình chỉ dừng lại ở những dự án ngắn hạn, cầm chừng, đầu tư hạn chế. Đây là một trong nhiều khó khăn, thách thức mà các mô hình sáng tạo đang gặp phải hiện nay, bên cạnh các nguyên do: Thiếu tư cách pháp nhân; thiếu đầu tư, quy hoạch hạ tầng; nguồn lực hạn chế trong khi hầu hết là hoạt động phi lợi nhuận, hướng tới cộng đồng...

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” phân tích: “Do chưa có tư cách pháp nhân cụ thể, nên việc xin giấy phép hoạt động cho các không gian sáng tạo còn khó khăn. Hiện tại, tất cả các không gian sáng tạo đều phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”. Trong khi đó, theo ông Đoàn Kỳ Thanh (người sáng lập không gian sáng tạo Hanoi Creative City), với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp bất động sản, Hanoi Creative City không có quyền pháp lý tổ chức các sự kiện văn hóa.

Từng làm nên “dòng chảy” chính của điện ảnh Việt Nam, thế nhưng đến nay, ngay với thị trường trong nước, Hà Nội đã bị bỏ xa cả về sản xuất lẫn phát hành, phổ biến phim. Lý giải cho thực trạng này, theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Hà Nội chưa quan tâm thỏa đáng cho điện ảnh; thiếu cơ chế, chính sách bài bản và đồng bộ để khuyến khích điện ảnh phát triển. Nhìn sang mảng nghệ thuật biểu diễn, cũng có rất nhiều điều phải nghĩ, khi các đơn vị nghệ thuật nhà nước tuy đã được đầu tư về cơ sở vật chất trong nhiều năm qua, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng nguồn lực.

Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly cho rằng: “Một dự án nghệ thuật đỉnh cao, muốn thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, cần được đầu tư về mọi mặt và có tuổi đời hoạt động từ 10 năm đến 20 năm. Việc tuổi đời các dự án nghệ thuật ngắn, khiến giá thành sản xuất cao, dẫn đến đầu tư qua loa và yếu ớt, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm cũng như giảm sức hút tới công chúng”.

Tương tự, việc phát triển các loại hình văn hóa dân gian, sản phẩm làng nghề trong vai trò của một sản phẩm văn hóa gắn với du lịch, thương mại cũng chưa được quan tâm thỏa đáng; lĩnh vực âm nhạc, thời trang, xuất bản... còn thiếu chính sách phát triển phù hợp; giá trị văn hóa từ di sản chưa được nhận diện một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo và công nghiệp văn hóa...

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam), trong vài năm gần đây, môi trường thể chế dù đã có nhiều cải thiện, song vẫn chưa tạo được đột phá có khả năng giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên, các thành tố văn hóa với khoa học, công nghệ. Việc phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa thông qua công nghiệp văn hóa vẫn còn là một chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể của thành phố.

Tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới; thiếu cơ chế phối hợp, liên kết giữa các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; tình trạng vi phạm bản quyền; thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chưa hình thành một hệ sinh thái bền vững cho công nghiệp văn hóa của Hà Nội phát triển.

Nhận diện những trở lực

Phát triển công nghiệp văn hóa, “sức mạnh mềm” văn hóa đã được đề cập từ nhiều năm trước, song chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với vai trò vừa là nền tảng, vừa là động lực trong thời đại kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Nguyên nhân của vấn đề này đã được chỉ ra qua 3 buổi tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”, do Thành ủy Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua tại Hà Nội, với sự tham góp ý kiến tâm huyết từ rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức và cộng đồng sáng tạo.

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh, đã 2 năm, Hà Nội ghi danh vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, nhưng danh hiệu đó mới chỉ được những người liên quan, nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm. Ông Lê Quốc Vinh đã thực hiện một khảo sát bỏ túi trên mạng xã hội với 471 người trả lời, thì có đến 67,9% chưa biết Hà Nội được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó 14,6% chưa hiểu Thành phố sáng tạo là gì. “Không hiếm người đặt câu hỏi, vì sao Hà Nội được chọn. Ngay cả công nghiệp văn hóa cũng chưa được nhiều người hiểu đúng”, ông Lê Quốc Vinh nêu.

Cốt lõi của một hệ sinh thái lành mạnh còn là hạ tầng cơ sở mang đến cảm hứng sáng tạo cho ngành công nghiệp và cộng đồng; sự tôn trọng những sáng tạo cá nhân và quyền sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, từ kinh nghiệm thực tế, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung cho rằng: “Các không gian văn hóa còn thiếu tính quy hoạch. Các tác phẩm văn hóa còn chịu quá nhiều sự can thiệp, kiểm duyệt trước khi ra thị trường. Điều đáng nói, việc can thiệp còn mang tính áp đặt, cứng nhắc và lạc hậu, hạn chế khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ”.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Phạm Minh Anh, vấn đề bản quyền tiếp tục là một thách thức cho sự phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội. Tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra phổ biến ở hầu hết lĩnh vực, không chỉ làm nhụt chí các nhà sáng tạo, mà còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; là trở lực lớn cho sự hình thành hệ sinh thái công nghiệp văn hóa vững vàng.

Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly thì bày tỏ: “Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vẫn đang loay hoay gặp khó, do thiếu các quy định pháp luật riêng, phù hợp, đặc biệt là các nghị định, thông tư hướng dẫn về Luật Sở hữu trí tuệ làm căn cứ bảo vệ trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền”.

Giáo viên mỹ thuật Câu lạc bộ Idea Open Idea Nguyễn Ngọc Hà:

Tôi thấy Hà Nội giống như một miếng bọt biển, khát khao thấm tất cả các loại hình văn hóa, nghệ thuật sáng tạo. Hà Nội có rất nhiều triển lãm chất lượng, mở cửa tự do cho mọi người thưởng lãm. Ai cũng có thể được xem, được nghe, được làm. Song, cái tôi thấy thiếu, đó là kiến thức cơ bản để thưởng thức nghệ thuật. Sự không hiểu sẽ giống như bàn tay bóp cái bọt biển, làm tràn đi hết cái hay, cái đẹp.

Việc tiếp dẫn và nâng cao năng lực cảm thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân cũng như tăng cường sức đề kháng với văn hóa xấu, độc cũng cần được đặt ra. Công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh sẽ tạo ra những không gian văn hóa, những con người văn minh và những thói quen tốt. Câu chuyện ứng xử tùy tiện, thiếu văn hóa với nhiều di sản, không gian văn hóa công cộng, công trình nghệ thuật sắp đặt... những năm qua cho thấy, tính cấp thiết của việc có thêm cơ chế, chiến lược về giáo dục, đào tạo thúc đẩy văn hóa sáng tạo, hình thành nên lớp công dân có tri thức và năng lực cảm thụ, có ý thức, trách nhiệm làm chủ sáng tạo và nâng tầm sáng tạo.

Những vấn đề nêu trên không chỉ phác họa “bức tranh” công nghiệp văn hóa của Thủ đô, mà còn cho thấy những trở lực khiến công nghiệp văn hóa chưa thể cất cánh, vươn tới mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhận diện tiềm năng, thách thức với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng sáng tạo và đông đảo người dân Thủ đô, Hà Nội cần đề ra những giải pháp căn cơ, đồng bộ với tầm nhìn và tư duy mới, dài hạn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Vì sao chưa là ngành kinh tế mũi nhọn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.