Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Vì đâu nên nỗi?

Hoàng Vũ| 30/05/2011 06:34

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà gần đây làng giải trí liên tiếp vướng scandal, và cũng không phải ngẫu nhiên mà một số nghệ sĩ vẫn cố tình có những hành vi phi nghệ thuật để nhanh

Nhiều người đổ lỗi cho cơ quan quản lý xử lý vi phạm không nghiêm, còn cơ quan quản lý lại mong ngóng vào sự tự ý thức của nghệ sĩ.

Công chúng cũng có lỗi?

Ở nước ngoài, nếu nghệ sĩ có hành động gây tổn hại đến hình ảnh bản thân hoặc thiếu tôn trọng công chúng là lập tức bị tẩy chay, thậm chí sạt nghiệp.

Cuộc sống của diễn viên Hiệp “gà” đã bị ảnh hưởng không ít vì “được” giới truyền thông quan tâm quá mức.


Nữ ca sĩ một thời là thần tượng của giới trẻ Mỹ, thậm chí của toàn cầu - Britney Spears - chỉ vì xuất hiện trước công chúng với hình ảnh sa sút, luộm thuộm mà bị các bậc phụ huynh tẩy chay. Họ phản đối cả những phim có sự xuất hiện của ca sĩ này. Chuyện không hề nhỏ bởi đã có hiệp hội truyền hình của các phụ huynh (Parents television council) được thành lập với mục tiêu buộc FOX - nhà sản xuất bộ phim truyền hình nổi tiếng Glee phải ngừng phát sóng bộ phim này chỉ vì Britney thủ vai chính trong phim. Việc trả lời sai một câu hỏi liên quan đến lịch sử đã khiến cho nữ diễn viên đảo Đài Loan - Dương Thừa Lâm phải hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của công chúng. Sức ép dư luận khiến Dương Thừa Lâm sau đó mất vai diễn trong phim "Hạnh phúc ngày vắng". Sự hiểu biết đáng nể và thái độ phê bình thẳng thắn của khán giả khiến ngay cả minh tinh màn bạc Trung Quốc Chương Tử Di, tiếng tăm như cồn tại Hollywood, kinh đô điện ảnh thế giới, phải "biết thân biết phận", không dám đi ngược cung cách ứng xử được đa số thừa nhận. Chương Tử Di sợ là phải, bởi sau khi sơ ý để lộ ảnh "nóng" trên bãi biển giữa cô và người chồng hụt Vivi Neo, một tỷ phú người Israel, dường như cả châu Á đã lên án kịch liệt, chỉ trích Chương Tử Di "Tây quá" không giữ nếp Á Đông. Nữ diễn viên của "Hồi ức một Geisha" đã bị người hâm mộ tẩy chay, tuyên bố sẽ không xem phim cô đóng. Chương Tử Di đã phải nói lời xin lỗi công chúng về sự hớ hênh cho dù lỗi này hoàn toàn thuộc về những tay săn ảnh… Những ví dụ nói trên cho thấy lao động nghệ thuật trong môi trường chuyên nghiệp đòi hỏi cách ứng xử chuẩn mực, không có chỗ cho sự dễ dãi.

Trong khi đó, ở nước ta, nhiều nghệ sĩ "sống khỏe" nhờ scandal. Đó là hệ quả của sự dung túng, thái độ dễ dãi của công chúng trước những sự cố của "sao" xịn và "sao rởm". Thế mới có sự xôn xao trên mạng khi ca khúc "Teen vọng cổ", một trong những sáng tác bị người nghe xếp vào dạng "thảm họa âm nhạc 2010", cho số thu không tưởng sau khi được tải làm nhạc chuông điện thoại và ca khúc từng bị chê "tơi bời" này còn lọt vào danh sách 10 ca khúc của năm. Và cũng thế mới có chuyện, ca sĩ Thu Thủy, người vừa bị kê kích là hát nhép lộ liễu trong chương trình "H2 Teen concert" hỉ hả "khoe" sau sự cố ấy đã nhận được nhiều lời mời biểu diễn hơn. Thế mới có sự tréo ngoe là người mẫu này, hot girl nọ liên tục khoe thân chỉ để đạt mục tiêu trở thành tâm điểm. Làn sóng… thể hiện bậy ấy liệu có hình thành nếu ngay từ đầu công chúng kiên quyết ngoảnh mặt với hành vi phản nghệ thuật và lối ứng xử đi ngược chuẩn mực của "sao"?

Công chúng Việt khá dễ dãi, thiếu sự phản ứng cần thiết trước scandal và thái độ lao động nghệ thuật không nghiêm túc của nghệ sĩ. Tại sao hoa hậu vướng scandal không những không bị truất vương miện mà còn phất như diều gặp gió? Tại sao diễn viên buông thả lại có nhiều khán giả tìm đến?...

Sự dễ dãi của công chúng không những góp phần khuyến khích nghệ sĩ đâm vào "bụi rậm", mà còn có cơ khiến nghệ thuật đích thực phải chuyển hướng, có khi tầm thường hóa!

Lỗi truyền thông và cú "đánh khẽ" của cơ quan quản lý

Thời thông tin bùng nổ nhờ sự hậu thuẫn của internet và công nghệ cao, hệ thống truyền thông ngày càng thể hiện rõ sự can dự vào nghệ thuật và khuynh hướng phát triển của chúng. Có những bài viết chống lại xu hướng thương mại hóa nghệ thuật một cách thái quá nhưng cũng không thiếu thông tin, vô tình hay hữu ý tiếp tay cho những người muốn nhanh nổi tiếng nhờ scandal. Vì muốn tạo sự tò mò, hoặc giả là vì "câu khách", truyền thông đôi lúc dấn quá sâu vào đời tư nghệ sĩ, làm phiền họ, hoặc vô tình trở thành diễn đàn cho "sao rởm" đăng đàn phổ biến những thứ chẳng nên quảng bá tí nào. Chuyện diễn viên hài Hiệp "gà" lấy vợ mới hồi đầu năm 2010 được truyền thông quan tâm quá mức khiến anh chàng này và cuộc sống của hai người vợ (một cũ, một mới) trở nên ngột ngạt. Cách khai thác thông tin thái quá về những "nghệ sĩ thị trường" khiến nhiều người ái ngại, rằng có phải truyền thông quá ưu ái một cách có chủ ý cho những nghệ sĩ này, trong khi những nghệ sĩ đàng hoàng, biết xấu hổ trước cái xấu lại ít được để ý?

Không thể phủ nhận, khi nhà báo và nghệ sĩ là bạn hữu thì tính khách quan trong việc thông tin bị ảnh hưởng ít nhiều. Đó cũng là lý do khiến nhiều nghệ sĩ có thể xuất hiện trên một vài tờ báo "ruột" để biện hộ cho sự sai, hoặc tạo scandal để được chú ý. Lỗi của truyền thông quả là không nhỏ.

Cần phải thừa nhận rằng trong nhiều năm qua, cơ quan quản lý văn hóa đã cố gắng đưa ra biện pháp xử lý hành vi phản cảm, dễ thấy là hệ thống văn bản quy định những "nên" và "không nên". Tuy nhiên, những gì đã ban hành chưa "tới" hết những điều có trong đời thực, như thể những cú "đánh khẽ" so với mức độ và quy mô vi phạm. Nghệ sĩ lên sân khấu nên mặc thế nào cho phải? Đến mức nào thì là "hở hang"? Chỉ vài tình huống ấy đã khiến nhà quản lý đau đầu, bởi dù đã có quy chế xử phạt đối với những nghệ sĩ ăn mặc phản cảm nhưng phân định phản cảm, sexy với sự gợi cảm không phải là điều dễ. Mà không nhận diện rõ hiện tượng thì phạt thế nào? Về trang phục biểu diễn, một vị lãnh đạo của Cục NTBD thừa nhận đó là vấn đề nhạy cảm, cơ bản là phải trông vào sự tự ý thức của nghệ sĩ. Có lẽ bởi vậy mà cơ quan quản lý chỉ có thể "ra tay" đối với "cái xấu hiển nhiên", như sự cố tụt áo lộ ngực của người mẫu Vũ Thu Phương trong đêm trình diễn thời trang "Đêm phong cách" vào năm 2009. Mà cũng chỉ có thể phạt BTC chương trình này 9 triệu đồng!

Chuyện khác, liên quan tới việc thực hiện quy chế xử lý hành vi hát nhép (lip-sync) theo giọng hát thu sẵn trong băng, đĩa. Cục NTBD đã có Công văn số 842/NTBD hướng dẫn các sở VH,TT&DL quản lý, phát hiện và xử lý "phong trào hát nhép" trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật được cấp phép trên địa bàn. Tuy nhiên, hơn một năm sau khi quy chế này được ban hành, hành vi hát nhép vẫn diễn ra đều đều và mặc dù nhiều sự vi phạm bị công chúng "chỉ mặt, điểm tên" nhưng việc xử lý vẫn chỉ là "giơ cao, đánh khẽ" mà thôi.

Ở nước ngoài, như là khu vực châu Á, một số nước đã ban hành quy chế xử phạt mà nghe qua đã thấy rõ sự nghiêm minh, cương quyết. Để dẹp bỏ vấn nạn hát nhép và chơi giả nhạc cụ (hand - sync), Hàn Quốc đã ban hành luật mới vào ngày 13-5 vừa qua, theo đó các nghệ sĩ buộc phải hát và chơi nhạc cụ thật trong các buổi biểu diễn có bán vé hoặc các chương trình truyền hình, nơi họ được trả thù lao cao. Nghệ sĩ nào vi phạm sẽ bị phạt ít nhất 10.000 USD, thậm chí là bị phạt tù từ 1 năm trở lên. Việc lãnh đạo Hàn Quốc công bố đạo luật mới nhận được rất nhiều sự ủng hộ của công chúng. Tại Trung Quốc, chính phủ nước này cũng đã ban hành quy định cấm hát nhép sau sự cố hát nhép bị khán giả phát hiện tại Olympic Bắc Kinh 2008…

Nhìn ngoài, ngắm trong, thấy rõ rằng ở ta cần những giải pháp cơ bản, cụ thể, rõ tính dự báo để ngăn chặn hành vi phản nghệ thuật và sự hình thành xu hướng tiêu cực. Trong tình hình hiện nay, có thể và cần phải làm gì?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Vì đâu nên nỗi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.