Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Trắng đêm cùng cảnh sát biển

Đức Trường| 12/06/2014 07:21

(HNM) - Sau bữa cơm chiều, bóng tối cài then. Màn đêm sập xuống vùng biển Hoàng Sa. Lúc này, phía giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) sáng trưng với ánh đèn đủ loại phát ra từ chính cái giàn khoan đặt trái phép trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam


Khoảng 8h tối, một nhóm tàu hải cảnh rọi đèn pha sáng rực về phía đội hình tàu của ta, ánh đèn pha xuyên thủng màn đêm, chỉ điểm cho một nhóm tàu Trung Quốc lao ra chèn ép các tàu của ta. Trên buồng điều khiển của tàu cảnh sát biển (CSB) 2015, kíp trực luôn dõi mắt theo những động thái của các tàu Trung Quốc bằng cả ống nhòm và qua màn hình ra đa. Phát hiện tàu Trung Quốc đang lao ra với tốc độ cao, tàu CSB 2015 khởi động máy cơ động giữ khoảng cách. Trên buồng điều khiển, bóng tối như muốn che đi những gương mặt căng thẳng. Chỉ có ánh sáng phát ra từ màn hình ra đa cùng ánh mắt của các chiến sĩ CSB và một hai đốm sáng từ điếu thuốc lá cháy dở. Thi thoảng ánh đèn pha của tàu Trung Quốc lại quét qua quét lại.

Cán bộ, chiến sĩ trên tàu CSB 2015 bàn phương án đối phó với tàu Trung Quốc.


Gần 11h đêm, đèn pha từ phía các tàu Trung Quốc lại rọi vào tàu CSB 2015 và các tàu cùng biên đội. Một nhóm tàu từ phía giàn khoan lừ lừ tiến ra, tốc độ có chậm hơn ban ngày, hướng đến biên đội tàu của ta. Có lúc tàu CSB 2015 chỉ cách tàu Trung Quốc 1,2 hải lý. Trên màn hình ra đa, tàu Trung Quốc dày đặc trong khi biên đội tàu của ta ở cánh này chỉ có 6 chiếc. Trung úy Bùi Anh Văn, Phó Thuyền trưởng tàu CSB 2015 phá tan bầu không khí có phần trầm lắng bằng thông báo: "Đêm nào chúng cũng rọi đèn rượt tàu ta bốn hoặc năm lần là ít".

Ngày cũng như đêm, những cuộc chèn ép, đâm va, rọi đèn pha khiêu khích của các tàu Trung Quốc đối với tàu của ta diễn ra đều đặn. Có người thốt lên: "Cứ thế mãi mà không chán à!". Tôi lần mò xuống buồng máy của tàu.

Bên trong "trái tim" của con tàu

Bước vào buồng máy, nơi được những người đi tàu biển ví như là "trái tim" của mỗi con tàu, sức nóng từ hai máy tỏa ra ngột ngạt. Mùi xăng dầu xộc thẳng vào mũi. Tiếng máy chạy ép mạnh vào tai. Những ai không chịu được sóng khi xuống đây chắc chắn sẽ bị choáng. Ngồi trong buồng máy lúc này là Thượng úy Bùi Quốc Việt, máy trưởng tàu 2015, đang trực máy theo ca luân phiên.

Thấy có "khách", Thượng úy Việt đứng dậy gọi anh em pha trà. Tôi bỗng thấy gần gũi hơn. Về đêm, buồng máy đã mát đi nhiều bởi chỉ để máy chạy chế độ chờ và nhiệt độ bên ngoài cũng giảm so với ban ngày. "Nhà báo xuống được đây là quý rồi", Thượng úy Việt nói rồi hỏi luôn: "Anh có thấy anh em ngành 5 vất vả không"? Tôi trả lời như hét: "Vất thật!" Việt cười rồi nói như đinh đóng cột: "Vất cũng phải làm vì máy là trái tim của tàu mà". Việt nhận nhiệm vụ làm trưởng ngành 5 của tàu 2015 từ năm 2013. Việt nhận xét: "Máy của tàu 2015 hoạt động đáng tin cậy".

Đại úy Nguyễn Hải Sơn, nhân viên ngành 5 tàu 2015, đã làm trong ngành máy tàu hơn 22 năm, nắm khá vững công năng của nhiều loại máy tàu thủy. Khi hỏi anh về các loại máy tàu, anh ngồi kể vanh vách. Trong những đợt đi thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển hoặc sau những lần chạy với tốc độ cao, nhân viên ngành 5 thường phải kiểm tra, bảo dưỡng "trái tim" của tàu để bảo đảm "trái tim" luôn khỏe mạnh và hoạt động ổn định.

Nhìn anh em trong "trái tim" của tàu ai cũng già hơn tuổi. Thượng úy Việt lý giải, anh em ở đây, làm việc trong không gian chật hẹp, ầm ĩ mà còn phải thức đêm trực ca và kiểm tra máy thường xuyên. "Đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn", Việt nói. Hầu hết mọi người đều phải xa nhà lâu ngày. Nhớ vợ con, thương cha mẹ lắm mà cũng chỉ có thể tâm sự với nhau. Chỉ sang anh Sơn, Việt nói: "Anh Sơn là người nhiều tuổi nhất của tàu và hoàn cảnh vất vả nhất". Bố anh hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1975 khi anh còn nhỏ. Giờ vợ anh lại đang đi học ở nước ngoài. Ở nhà hai đứa con của anh trông cậy cả vào người mẹ già. Trước khi anh nhận nhiệm vụ đi Hoàng Sa đợt này, anh vẫn đang trong kỳ nghỉ phép. Khi biết tin tàu nhận nhiệm vụ mới, từ quê nhà Quảng Bình anh điện thoại cho thuyền trưởng Đặng Lê Sơn xin được bỏ phép để quay vào nhận nhiệm vụ. Thuyền Trưởng Đặng Lê Sơn nói: "Lúc đồng ý để anh Sơn quay lại đơn vị ngay, tôi cũng thấy áy náy! Nhưng đi thực hiện nhiệm vụ khó và dài ngày như đợt này rất cần những người có kinh nghiệm, trách nhiệm và nhiệt huyết như anh Sơn".

Những chuyện dài… đêm trắng

Cuộc trò chuyện bỗng bị cắt ngang bởi giọng của Phó Thuyền trưởng Bùi Anh Văn: "Ngành 5 lưu ý! Khởi động máy trái". Chắc lại phải cơ động rồi, tôi đoán vậy rồi chạy lên buồng điều khiển. Lên tới nơi, không khí trên buồng điều khiển có vẻ căng hơn lúc tôi xuống "trái tim" của tàu. Thì ra mấy con tàu Trung Quốc lại đang rọi đèn pha từ phía sau và đang dí gần đuôi tàu CSB 2015.

Khi những cuộc chèn ép rọi đèn pha dừng lại cũng là lúc bóng đêm được trả lại sự bình yên. Không khí trên buồng điều khiển như giãn ra. Phó Thuyền trưởng Bùi Anh Văn hỏi: "Nhà báo có biết tại sao tàu mình thả trôi mà cứ khoảng 3 tiếng tàu Trung Quốc lại lao ra không?" Nhớ ra là hồi chiều gió Tây nam thổi mạnh, tôi trả lời: "Chắc tại gió chứ gì"? "Anh nói đúng nhưng chưa đủ", Văn nói chắc như đinh: "Nguyên nhân chính là tại hải lưu chảy mạnh". Rồi Văn giải thích cho tôi khá rành mạch. Cùng với gió, dòng hải lưu trên Biển Đông luôn đẩy tàu của ta ở cánh Tây của giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 vào phía giàn khoan này khoảng 1,2 hải lý mỗi giờ. Hôm nào gió to, dòng chảy mạnh, tốc độ có thể cao hơn. Thế nên, sau 3 giờ, dù thả trôi, tàu của ta vẫn tiếp cận giàn khoan thêm khoảng 4 hải lý. "Cũng như ngày xưa Đức Thánh Trần dùng con nước ở cửa sông Bạch Đằng để tạo trận địa cọc gỗ đánh bại quân Nguyên ấy mà", Văn so sánh. Tôi giật mình vì phép so sánh của người thuyền phó trẻ tuổi quê ở Thái Bình này. Sông Bạch Đằng vẫn đổ ra Biển Đông từ ngàn năm nay như chứng nhân của những chiến công lừng lẫy đánh đuổi quân xâm lược của cha ông ta từ bao đời nay.

Đêm nay, trên vùng biển Hoàng Sa, tôi cùng những chiến sĩ trên tàu CSB 2015 ngồi kể cho nhau nghe và bàn luận về những chiến công hào hùng của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những câu chuyện lịch sử cứ tiếp nhau mãi như sóng trên Biển Đông cho đến khi trời sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Trắng đêm cùng cảnh sát biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.