(HNM) - Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn 10 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU cho thấy, công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước luôn là nhiệm vụ không dễ thực hiện với các cấp ủy Đảng, chính quyền. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, chủ doanh nghiệp về vai trò, vị trí của tổ chức Đảng còn hạn chế. Những khó khăn này cần sớm được tháo gỡ để đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giai đoạn tới.
Chưa nhận thức đúng vai trò của tổ chức Đảng
Mới đây, Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã khảo sát 30/30 Đảng ủy Khối doanh nghiệp (chia thành 6 cụm) trên địa bàn thành phố và chỉ ra 8 nhóm tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới. Kết quả khảo sát cho thấy, một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nên ít quan tâm, không nắm rõ tình hình doanh nghiệp, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Trong khi đó, một số chủ doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa thật sự quan tâm, chưa nhận thức được vị trí, vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Công tác Đảng tại doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn, hạn chế; chưa được cập nhật thông tin đầy đủ, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, các nội dung sinh hoạt chi bộ, định hướng công tác tư tưởng cho đảng viên trong các doanh nghiệp…
Đến nay, Đảng bộ Khối doanh nghiệp quận Long Biên có 71 chi bộ trực thuộc với 413 đảng viên. Không thể phủ nhận những kết quả mà Nghị quyết số 09-NQ/TU đem lại, song Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên Ngô Mạnh Điềm cho rằng, việc duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt hằng tháng ở một số chi bộ còn chưa đầy đủ, chưa đúng thời gian quy định, nhất là với các chi bộ có đảng viên hoạt động phân tán. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa cấp ủy, chi bộ với Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc doanh nghiệp của một số đơn vị hiệu quả chưa cao.
Lý giải tình trạng này, đồng chí Ngô Mạnh Điềm nêu thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể hầu hết là kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác xây dựng Đảng còn ít. Một số doanh nghiệp không có đảng viên tham gia bộ máy lãnh đạo nên việc nắm bắt tình hình cũng như tham gia đóng góp vào kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cấp ủy, chi bộ cũng gặp khó khăn, hạn chế.
Cũng gặp phải những khó khăn như các đơn vị khác, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp huyện Thường Tín Nguyễn Thị Mai cho biết, Đảng bộ Khối doanh nghiệp huyện Thường Tín có 36 tổ chức Đảng trực thuộc với 255 đảng viên. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều đơn vị phải thu hẹp sản xuất nên việc tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai cho rằng, nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là một số đồng chí cấp ủy chưa chủ động trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; còn nặng về công tác chuyên môn, sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, năng lực, trình độ về công tác Đảng của một số đồng chí Bí thư, cấp ủy của chi bộ còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này.
Chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao
Cùng với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, thời gian qua Đảng ủy Khối doanh nghiệp các quận, huyện, thị xã đã triển khai Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 của Thành ủy “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”, Hướng dẫn số 10-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy “về hướng dẫn sinh hoạt chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”. Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị đã xây dựng và triển khai các đề án, chuyên đề, kế hoạch… về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xây dựng kế hoạch triển khai các buổi sinh hoạt chi bộ, xây dựng chuyên đề về sinh hoạt chi bộ và tổ chức tọa đàm để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU cho thấy, chất lượng sinh hoạt của một số chi bộ chưa cao, nội dung sinh hoạt còn hạn chế, chưa phong phú. Công tác quản lý đảng viên, hồ sơ đảng viên của một số chi bộ thiếu chặt chẽ, nhiều bất cập; vẫn còn tình trạng đảng viên không còn công tác tại doanh nghiệp, không sinh hoạt, đóng Đảng phí nhưng vẫn trong danh sách đảng viên. Chất lượng hoạt động của một số tổ chức Đảng, đoàn thể trong loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa cao, trong khi công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể còn gặp khó khăn.
Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Hoàn Kiếm Bùi Bích Thủy lý giải, công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn là nhiệm vụ khó, phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan cũng như sự quan tâm của các chủ doanh nghiệp, đặc biệt tại những nơi đồng chí Bí thư chi bộ không phải là người đứng đầu hoặc giữ vị trí trọng trách trong doanh nghiệp. Hiện nay nhiều chi bộ có số lượng đảng viên ít (dưới 5 đảng viên/chi bộ), đảng viên biến động thường xuyên, nhiều chi bộ có nguy cơ giải thể do không đủ điều kiện duy trì tổ chức Đảng. Cùng với đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã tạo ra nhiều biến động, mô hình quản trị doanh nghiệp thay đổi dẫn tới sự thay đổi lớn về nhân sự và mô hình tổ chức Đảng.
Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Bắc Từ Liêm Đỗ Văn Vinh nêu thực trạng, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn quận tuy nhiều nhưng về quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, số lượng nhân công, lao động ít, thường xuyên biến động. Do vậy, việc khảo sát tìm nguồn doanh nghiệp đủ điều kiện để vận động thành lập mới tổ chức Đảng gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng, nhưng chủ doanh nghiệp vẫn muốn sinh hoạt tại nơi cư trú, chưa muốn thành lập chi bộ.
Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Nam Từ Liêm Phạm Quang Tuấn cho biết, một số chi bộ trong doanh nghiệp mới thành lập còn lúng túng về nội dung, phương thức hoạt động. Cán bộ làm công tác Đảng hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về lý luận và nghiệp vụ công tác Đảng. Trong khi đó, việc tổ chức sinh hoạt hằng tháng ở các chi bộ mới được thành lập chưa đi vào nền nếp, trong khi cán bộ làm công tác Đảng chưa có kinh nghiệm nên việc lãnh đạo, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU khẳng định, công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là nhiệm vụ khó đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm cao của mỗi địa phương. Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phát triển Đảng theo phương châm “thành lập tổ chức Đảng phải duy trì hoạt động”, trong đó, duy trì các cuộc đối thoại hằng năm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các địa phương cần quan tâm củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, chú trọng việc sinh hoạt chi bộ trong các doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao chất lượng đảng viên. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, để mỗi doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết thành lập tổ chức Đảng và từ đó nâng cao chất lượng hoạt động cũng như mỗi buổi sinh hoạt chi bộ.
Những kinh nghiệm này sẽ rất hữu ích với các địa phương khác trên cả nước trong thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TƯ ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư khóa XII về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
(Còn nữa)
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 9-2022, thành phố Hà Nội có khoảng 343.885 doanh nghiệp đăng ký thành lập (thực tế có khoảng 185.000 doanh nghiệp đang hoạt động), trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Số lượng doanh nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016-2021 tăng trung bình khoảng 5%/năm. Trong 9 tháng năm 2022 cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là cơ sở để có thể nâng số lượng tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.