Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Phùng Thị Ngọc Loan| 21/04/2021 06:38

(HNM) - Trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, lĩnh vực kinh tế được đề cập đến chủ yếu ở 3 báo cáo: Báo cáo chính trị; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó có nhiều điểm mới nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững...

Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh vấn đề gắn kết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã chỉ rõ những hạn chế trong đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như cơ cấu lại nền kinh tế: “Hoàn thiện thể chế; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao”. Vì thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững đất nước là yêu cầu hết sức quan trọng cho giai đoạn tiếp theo.

Điểm mới của văn kiện Đại hội XIII so với văn kiện Đại hội XII được thể hiện ngay ở tiêu đề đã có bổ sung thành tố “Phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Rõ ràng, phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu khách quan của đất nước trong bối cảnh hiện nay. Vì trên thực tế, mặc dù chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng điểm xuất phát còn khá thấp, khoảng cách phát triển so với các nước còn cách xa.

Hiện nay, các điều kiện, cơ hội cho phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới đã có, song vấn đề là chúng ta tận dụng các cơ hội đó như thế nào trong giai đoạn tới. Để thực hiện nội dung này, văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh đến việc đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Điểm mới được nhấn mạnh ở đây là mô hình tăng trưởng mới dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điều này, thứ nhất do nền kinh tế của chúng ta phát triển theo chiều rộng đã tới hạn, cần đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu. Thứ hai, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tận dụng cơ hội từ đây là hết sức quan trọng, có tính quyết định tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững cho đất nước. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, trong nhiều điểm nhấn có việc văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh đến cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nói chung, để tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Qua đó khắc phục điểm yếu trong nhiều năm qua là sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nên chưa tạo ra được sự chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế cũng là điểm nhấn trong văn kiện Đại hội XIII...

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Kế thừa và phát triển nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các thời kỳ đại hội Đảng từ khi đổi mới đến nay, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế...”.

Cùng với thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn kiện Đại hội XIII cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn. Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường vừa qua ở nước ta cho thấy, một trong những cản trở chính là hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, chồng chéo, ảnh hưởng đến phát triển nói chung. Đồng thời, trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều ngành nghề mới ra đời cần phải có môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển. Vì vậy, văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới”. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

Tóm lại, những điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII về lĩnh vực kinh tế được thể hiện từ nhận thức đến nội dung chính sách ở cả nội dung đánh giá tình hình, xác định những nội dung chính sách cho giai đoạn tới. Trong đó, tập trung chủ yếu vào nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Cùng với đó là nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

(Còn nữa)

(Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.