Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Nụ cười công sở

Thế Nguyên| 31/07/2020 11:41

(HNMO) - Cố GS Trần Quốc Vượng từng đúc rút, đại ý: Nho sĩ Thăng Long là đại diện của ứng xử Đại Việt nghìn xưa và các bộ, cơ quan trung ương và Hà Nội là đại diện của ứng xử Việt Nam - Hà Nội hôm nay... Nhìn trong lát cắt mười năm, nhìn vào riêng các "cơ quan Hà Nội", có thể thấy những chuyển biến âm thầm, bền bỉ...

Cho đi nụ cười - nhận lại nụ cười

Năm 2012, UBND quận Long Biên thí điểm triển khai mô hình “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính với mục tiêu bảo đảm kịp thời, minh bạch, công khai và tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân. Hạ tầng kỹ thuật là một chuyện, vấn đề chính vẫn là yếu tố con người. Quận đã bố trí trí cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, đạo đức, nghiệp vụ thông thạo. Năm 2018, quận Long Biên đã cải tiến, triển khai mô hình “Một cửa thân thiện, gần dân”. 

Chu đáo, tận tình, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức “cho đi nụ cười” và nhận lại nụ cười: “Phản hồi” từ phía người dân chính là sự hài lòng. 

Đấy là nếp văn hóa mới, được chính quy hóa ở đội ngũ cán bộ trong “việc công”.

Cán bộ hướng dẫn người dân về quy trình thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Quang Thái

“Việc tư”, cũng năm 2012, có một việc “rất can hệ” đối với đội ngũ cán bộ, công chức: Thành ủy ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố. Gắn liền với đó là việc thành phố ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Thực hiện thế nào, với không ít cá nhân, hẳn là câu chuyện nhiều cấn cá. Điều kiện sống ngày một nâng lên, mỗi người lại có những mối quan hệ khác nhau, nay “ứng xử” theo nếp mới một cách triệt để hơn, như tổ chức nghi thức hôn lễ với tinh thần "vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm"; số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người “mỗi đằng” (nhà giai hoặc gái); không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ, công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp... Nhưng nhờ làm tốt, số đám cưới rình rang, phô bày, ảnh hưởng đến việc công gần như không còn. 

Thế ứng xử mới nên nhiều nét đẹp mới ra đời. Nhiều mô hình cưới mới, như tổ chức cưới tiệc trà, báo hỷ; đám cưới chỉ diễn ra trong một ngày, làm không quá 40 mâm; mô hình mỗi đám cưới ủng hộ quỹ khuyến học của địa phương giá trị bằng một mâm cỗ... được nhiều gia đình tự giác hưởng ứng và dần duy trì thành nếp.

Đội ngũ cán bộ, công chức thành phố không thiếu những gương điển hình về tâm huyết với công việc, tận tụy phục vụ nhân dân… Có thể kể đến như Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) Bùi Văn Quyên, người luôn năng động, nhiệt tình, trách nhiệm trong các phong trào; như bà Nguyễn Đoàn Khánh Chi, công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân), người nhận được sự quý trọng của đồng nghiệp, sự tin tưởng của lãnh đạo phường, niềm yêu mến của người dân; bà Mai Thị Hạnh, công chức văn phòng Thống kê, UBND phường Văn Quán (quận Hà Đông), người giải quyết công việc có lý, có tình, luôn tư vấn cặn kẽ, giúp người dân tháo gỡ từng khâu, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ hành chính… 

Những lễ tuyên dương người tốt, việc tốt hằng năm là một phần nhỏ của vẻ đẹp này. Người dân không còn ngại đến cơ quan hành chính, nơi không ít thời điểm có tiếng “hành là chính”. Thái độ niềm nở, thân thiện, nụ cười cởi mở của đội ngũ công bộc của dân đã trở thành thường trực ở các cơ quan.

Từ nho sĩ Thăng Long đến chính quyền phục vụ

Cố GS Trần Quốc Vượng từng đúc rút, đại ý: Nho sĩ Thăng Long là đại diện của ứng xử Đại Việt nghìn xưa và các bộ, cơ quan Trung ương và Hà Nội là đại diện của ứng xử Việt Nam - Hà Nội hôm nay... Nhìn trong lát cắt mười năm, nhìn vào riêng các "cơ quan Hà Nội", có thể thấy những chuyển biến âm thầm, bền bỉ...

Có gì liên hệ giữa tầng lớp nho sĩ Thăng Long xưa với cán bộ, công chức Hà Nội hôm nay?

Nho sĩ Thăng Long, trong nhiều trường hợp chính là kẻ sĩ Thăng Long, cũng gọi sĩ phu Bắc Hà. Lý Thái Tổ định đô, tổ chức thi, bổ dụng quan lại. Kẻ sĩ tứ xứ về Thăng Long ứng thí rồi có chân trong bộ máy hành chính. Họ tiêu biểu cho tài năng, khí phách, phẩm chất hiếu học, tự trọng. Trong suốt chiều dài lịch sử, dù có lúc nọ lúc kia, nhưng ở thời nào cũng rất nhiều ông quan thanh liêm, chính trực, thương dân. Nhìn vào thế ứng xử của họ là thấy được văn hóa ứng xử.

Sợi dây văn hóa Thăng Long - Hà Nội vẫn chảy bền bỉ. Đội ngũ cán bộ, công chức Hà Nội hiện tại cũng là người “bốn phương” nhưng đã làm việc ở Hà Nội thì phải điều chỉnh, trước hết theo các quy định quản lý chung, các quy tắc, “khế ước” riêng của các cơ quan Hà Nội, sau đó là tự thấm trong mình chất Hà Nội. 

Thế ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức hẳn sẽ thay đổi, không chỉ theo môi trường văn hóa chung nơi công tác mà còn thay đổi theo công cuộc cải cách hành chính (thủ tục được giảm thiểu, quy trình thông thoáng, cải cách tiền lương, đãi ngộ vật chất…) cũng như tác động từ phía chính sách, “khế ước” của người sử dụng lao động (chính quyền thành phố).

Năm 2017, thành phố ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Mục đích của Quy tắc là xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô “Kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện’’; đồng thời định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội cũng như góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Nụ cười tươi tắn của người dân sau quá trình thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi, nhận kết quả đúng hẹn. Ảnh: Hữu Tiệp

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, cán bộ, công chức Thủ đô đã thể hiện tinh thần phục vụ, có thái độ ứng xử đúng chuẩn mực hơn trong thực thi công vụ, tiếp xúc với người dân; giải quyết các thủ tục hành chính đúng chức trách, nhiệm vụ, am hiểu pháp luật, quy trình thủ tục. 

Không chỉ “chế tài”, khuyến khích, thành phố đã xử lý nghiêm những vụ vi phạm, điển hình như vụ cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (năm 2017), vụ việc Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, đi lễ chùa trong giờ hành chính (năm 2018), Chủ tịch UBND xã Vật Lại (Ba Vì) mời dự đám cưới của con trong giờ làm việc (năm 2017)… Cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật từ kiểm điểm trách nhiệm, khiển trách, đến buộc thôi việc. Năm 2019, các vụ việc vi phạm quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức giảm rõ rệt. Vụ việc nữ công an quận Đống Đa gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất, Công an thành phố đã giáng cấp hàm và cho ra khỏi ngành.

Cũng liên quan đến chuyện “ứng xử”, chuyện “nụ cười công sở”, năm 2019, thành phố phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử, việc triển khai phong trào đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện nhân cách con người Thủ đô.

Điểm cần nói thêm ở đây, Hà Nội là một trong số địa phương, cơ quan đi đầu ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Đó chính là “khế ước”, là bộ công cụ bên cạnh hệ thống văn bản quản lý Nhà nước, điều chỉnh hành vi ứng xử của trước hết là những người đứng trong bộ máy dịch vụ công.

(Còn nữa)

--------------------------------------
Bài cuối: 1.010 năm, hôm nay và mai sau

Dẫu cho những chuyển biến trong nếp sống, nếp làm việc văn minh, thanh lịch “chưa thật sự như mong muốn” thì ứng xử “có lịch”, “có lề” vẫn là dòng chảy chủ đạo tự nghìn xưa. Đó cũng là cơ sở để tin tưởng, hy vọng vào truyền thống tốt đẹp Thăng Long - Hà Nội trong hôm nay và mai sau. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nụ cười công sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.