Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Nhùng nhằng lợi nhuận

Kim Thoa| 10/05/2011 06:39

(HNM) - Thừa nhận thị trường giáo dục (TTGD) tức là chấp nhận những quy luật thị trường như cung - cầu, cạnh tranh, giá trị... Nhưng với một thị trường (TT) đặc thù như giáo dục (GD) thì cái khó hiện nay là "theo" các quy luật TT đến mức nào để vừa quản lý GD theo cơ chế TT, nâng cao chất lượng GD, vừa thỏa mãn nhu cầu học tập của nhân dân và bảo đảm công bằng?

Nhà trường không phải là chợ

Theo các nhà nghiên cứu khoa học GD, TTGD là đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học này ở nhiều nước trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ trước. Họ đã chỉ ra rằng, TTGD khác hẳn về bản chất với TT hàng hóa hoặc TT trong các lĩnh vực dịch vụ khác. Điểm khác biệt cơ bản là ở chỗ, trong TTGD, bên cạnh cơ chế cạnh tranh và hoạt động của các nhà cung ứng GD tư nhân, Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng GD. Như GS Đặng Ứng Vận, khi bàn về một số khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn đã trích dẫn: TT là nơi mà bạn tự do lựa chọn cái tốt nhất và cũng là nơi bạn phải đưa ra cái tốt nhất để không bị loại bỏ. Và điều đó quan trọng như nhau đối với GD cũng như với bất kỳ khu vực dịch vụ công nào khác, nhưng trong GD không tồn tại "trao đổi", hoạt động giữa người dạy và người học không phải là hoạt động được triển khai theo nguyên tắc trao đổi tương đương của TT.

Bậc giáo dục đại học cần được đổi mới quản lý. Ảnh: Internet

Ở nước ta, GD được khẳng định là dịch vụ công. GS.TS Phan Văn Kha (Viện Khoa học GD Việt Nam) đã chỉ rõ bản chất của dịch vụ GD XHCN trong nền KTTT là phát triển GD vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; bảo đảm công bằng xã hội trong việc tiếp cận GD. Nhà nước giữ vai trò thống nhất quản lý và chủ đạo trong đầu tư phát triển GD; khuyến khích, thu hút sự đóng góp trí tuệ và nguồn lực của các cá nhân, tổ chức xã hội cho sự phát triển GD bằng cơ chế và chính sách trên cơ sở tôn trọng các quy luật TT.

Thừa nhận có một TTGD, nhưng nhà trường không phải là chợ, nên TT hóa GD là vấn đề đang gây tranh cãi. Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này, tuy nhiên, trong nhận thức của các nhà quản lý GD thì khái niệm này đang được chấp nhận ở mức đưa cơ chế cạnh tranh vào hoạt động GD và áp dụng kiểu quản lý doanh nghiệp trong quản lý nhà trường, mục đích không phải vì lợi nhuận mà vì yêu cầu nâng cao chất lượng GD. Điều này đã được đề cập trong một số văn bản nhưng tất cả mới dừng lại ở đó, các quy định pháp lý đối với "thị trường hóa hoạt động GD" hầu như chưa có gì.

Chấp nhận "nửa lợi nhuận"?

Theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Quốc Toản (Văn phòng Chính phủ) và cộng sự, TTGD là một TT không hoàn hảo vì ở các bậc học thấp, GD vẫn mang tính phúc lợi xã hội. Còn theo phân tích của GS.TS Phan Văn Kha thì dịch vụ GD có 2 loại: một, là nhóm dịch vụ cơ bản được Nhà nước can thiệp mạnh mẽ thông qua đầu tư và quản lý dịch vụ nhằm nâng cao phúc lợi cơ bản, chung cho toàn xã hội, hạn chế tác động của TT; hai, là những dịch vụ chịu sự tác động mạnh của TT, trong đó có dịch vụ chuẩn bị nghề nghiệp cho người lao động, cung cấp nhân lực các cấp trình độ, Nhà nước giữ vai trò quản lý vĩ mô. Nghiên cứu cũng như thực tế cho thấy, GD đại học chịu sự tác động mạnh nhất của TT và cần phải được đổi mới về quản lý nhất.

Chính vì thế, tại nhiều hội thảo cũng như trên các diễn đàn thời gian qua đã có nhiều cuộc tranh luận xung quanh dự thảo Luật Giáo dục đại học, văn bản pháp lý quan trọng nhất đối với sự phát triển của GD đại học trong tương lai. Trong các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, nổi lên vấn đề lợi nhuận của các cơ sở đào tạo. Theo GS Phạm Phụ, việc phân biệt giữa vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận quan trọng hơn là phân biệt giữa trường công và trường tư nhưng đây lại là "mảng mờ" trong các văn bản pháp quy, kể cả dự thảo Luật Giáo dục đại học mới đây. Chính sách khẳng định "không lợi nhuận" nhưng thực tế cho thấy "có lợi nhuận" và điều đó được GS Đặng Ứng Vận coi là một "khoảng cách" giữa chính sách và thực tiễn hiện nay ở nước ta. Chính sự thiếu rõ ràng này nên trong quản lý nhà nước tồn tại sự "phải xin" và "được cho", tạo điều kiện cho hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong hoạt động như chạy giấy phép chiêu sinh; xin chỉ tiêu tuyển sinh; tổ chức dạy chay; thầy thuê, trường mướn; hợp tác, liên kết đào tạo đủ ngành để có thể... "chui" vào GD đại học. GS Phạm Phụ cho biết, đại học "vì lợi nhuận" cũng không được thế giới khuyến khích bởi rất dễ bị "khuyết tật", dễ bị tác động xấu của cơ chế TT, bởi đã "vì lợi nhuận" thì mục tiêu sẽ là "cực đại lợi nhuận". Ở nước ta cũng không có đại học tư "không vì lợi nhuận" theo đúng nghĩa, mặc dầu cũng có nhiều trường ngoài công lập khăng khăng cho rằng mình hoạt động "phi lợi nhuận". "Vì thế, mô hình thích hợp có thể là "nửa lợi nhuận", nghĩa là khống chế lợi nhuận của cổ đông góp vốn, lợi nhuận của trường sẽ chia lãi theo tỷ lệ lãi suất ngân hàng, số còn lại sẽ là sở hữu cộng đồng", GS Phạm Phụ kiến nghị. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, vẫn có thể có đại học tư vì lợi nhuận cũng như loại không vì lợi nhuận và chính sách của Nhà nước với từng loại sẽ khác nhau.

Sự xuất hiện của TTGD buộc công tác QLGD phải có những thay đổi căn bản. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 mà ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thông qua đề ra mục tiêu: Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế QLGD, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Triển khai nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tập trung vào khâu then chốt là đổi mới cơ chế QLGD, để công tác QLGD không lẽo đẽo theo sau sự vận động của thực tiễn GD thì việc minh bạch về loại hình, xây dựng cơ chế rõ ràng cho từng loại và xóa bỏ cơ chế xin - cho, có lẽ là điều cần đổi mới đầu tiên. Đường lối đã rõ, việc còn lại là xây dựng cơ chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nhùng nhằng lợi nhuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.