Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Nhiều gam màu tối - sáng

Quang Đạo - Nga Hải| 30/01/2015 06:35

(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp (DN)


Trên địa bàn huyện Quốc Oai hiện đang có một khu công nghiệp (KCN) Thạch Thất - Quốc Oai và hai cụm công nghiệp (CCN) là Ngọc Liệp và Yên Sơn đã đi vào hoạt động nhiều năm nay. Hiện tại, việc duy trì tổ chức sản xuất ở KCN Thạch Thất - Quốc Oai tương đối ổn định với đa phần là DN nước ngoài, sản xuất bài bản và hiệu quả do đầu tư công nghệ máy móc hiện đại. Tại đây, đa số lao động có đủ việc làm và được ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của Nhà nước.

Công nhân sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai.



Bên cạnh bức tranh sáng màu của KCN này thì ngược lại, nhiều điểm công nghiệp nhỏ lẻ trên địa bàn phải đối mặt với không ít khó khăn. Hầu hết các DN có mức đầu tư thấp, năng lực tài chính hạn chế. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp Quốc Oai Nguyễn Đức Toàn cho biết: Quốc Oai có hai điểm công nghiệp, nhưng thực chất chỉ có Điểm công nghiệp Ngọc Liệp hoạt động ổn định hơn với 20 DN, thu hút hơn 600 lao động, còn Yên Sơn hoạt động chưa hiệu quả. Tại CCN Yên Sơn mới có 6 DN vào đầu tư, tạo việc làm cho gần 200 lao động. Thế nhưng, do việc làm ít, cuộc sống của những lao động tại đây còn nhiều bấp bênh. Ông Toàn cũng thừa nhận, trong tổng số 26 DN của hai CCN chỉ có 60% số DN hoạt động có hiệu quả, còn lại 40% đơn vị hoạt động trong tình trạng khó khăn, có thời điểm phải cho công nhân nghỉ việc. Thậm chí, nhiều DN đã phải tạm ngừng hoạt động, hoặc có những DN chưa kịp đi vào hoạt động đã phải dừng vì thiếu nguồn lực tài chính như Công ty cổ phần Bưu điện, Công ty TTCI hay Công ty Cơ điện lạnh...

Nằm sát quốc lộ 32, nối dài cửa ngõ phía tây nam của thành phố với các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận, CCN vừa và nhỏ Từ Liêm được đánh giá là địa điểm đầu tư lý tưởng khi mang sẵn nhiều lợi thế về địa lý, giao thông... Theo ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Công ty Công nghệ cơ khí Trúc Lâm, Chủ tịch Hội CCB Cụm công nghiệp Từ Liêm thì điểm mạnh của DN ở đây là chính sách thu hút và sử dụng nguồn lao động. "Hầu hết người lao động (NLĐ) khi làm việc tại đây đều được chủ DN đóng BHYT, BHXH đầy đủ, được nghỉ phép theo đúng chế độ Nhà nước quy định, được tổ chức phục vụ bữa ăn hằng ngày và hỗ trợ tiền xăng xe". Khẳng định hàng loạt những ưu thế về môi trường lao động, làm việc tại CCN Từ Liêm, song ông Hòa vẫn thừa nhận, thu nhập bình quân của NLĐ tại các DN chưa cao, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Tuy có một môi trường lao động tốt nhưng khó khăn lớn nhất của gần 10.000 NLĐ tại CCN Từ Liêm là chưa được bố trí nơi ăn, chốn ở; không có trạm y tế; không có nhà trẻ, trường mẫu giáo. Hầu hết con, em công nhân của CCN này phải học trái tuyến... Toàn bộ môi trường sống, học tập, vui chơi, chăm sóc y tế của NLĐ đều phải "bám" vào cơ sở vật chất của hai phường lân cận là Minh Khai và Vân Canh. Trong số 135 DN tại CCN này, hiện chỉ có Công ty Nhựa Đức Đạt đã xây dựng được nhà ở cho công nhân, một số ít DN có chính sách hỗ trợ tiền cho NLĐ thuê nhà, còn hầu hết NLĐ phải ở nhờ họ hàng, người quen hoặc sống trong những khu nhà trọ với điều kiện sinh hoạt chật chội, thiếu thốn. Ông Đỗ Việt Thắng, Trưởng ban Quản lý CCN Từ Liêm lo lắng: "Với mong muốn có một khu đất để các DN tự đóng góp tiền xây dựng nhà ở cho công nhân, nhiều năm liền chúng tôi đã chạy khắp nơi để hoàn thiện thủ tục pháp lý. Nhưng đúng vào thời điểm được cấp đất thì huyện Từ Liêm được tách thành hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Khu đất chúng tôi được cấp nằm trọn trên đất của quận Nam Từ Liêm, công sức của chúng tôi suốt bao nhiêu năm có nguy cơ đổ sông, đổ bể...".

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 107 CCN, trong đó có 42 CCN đã đi vào hoạt động, 41 CCN đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, 24 cụm còn lại đang tiến hành chuẩn bị đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 3.192,9ha, tiếp nhận 3.807 dự án, sử dụng khoảng 63.926 lao động. Do đặc thù ở các CCN, các DN sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực nên mức thu nhập cũng dao động lớn, từ 2,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý đầu tư phát triển các cụm công nghiệp Hà Nội Vũ Văn Tuấn, thực trạng sản xuất, kinh doanh của DN trong các CCN gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, dây chuyền thiết bị lạc hậu nên chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ chậm dẫn đến thu nhập của NLĐ thấp. Theo ông Tuấn, các DN sản xuất chưa thật sự ổn định nên có thời điểm công nhân không có việc làm, phải nghỉ việc chờ đợi hoặc tìm việc ở nơi khác..., do đó cuộc sống của họ vốn đã bấp bênh, càng bấp bênh. Mặc dù vậy trong tháng Tết Nguyên đán, các DN đều thực hiện cơ chế thưởng thêm 5-10 nghìn đồng/ngày công và thưởng thêm tiền Tết cùng với gói quà Tết trị giá khoảng 1 triệu đồng/người.

NLĐ mất việc, khó khăn trong xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ cuộc sống của NLĐ cũng là nỗi trăn trở của hầu hết các ban quản lý và DN tại các KCN. Theo thống kê của Công đoàn Các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, tại các KCN trên địa bàn, tổng số lao động cuối năm 2014 đã giảm so với thời điểm cuối năm 2013 là 1.658 người. Lý giải nguyên nhân này, đại diện Công đoàn Các Khu công nghiệp và Chế xuất cho rằng, do một số công ty gặp khó khăn về đơn hàng như Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam, Công ty Nissei Electric Hà Nội, Công ty TNHH Panasonic Systerm Network Việt Nam...

Thực tế khảo sát tại các KCN, CCN cho thấy, giữa các KCN, CCN với nhau, thậm chí là giữa các DN trong từng KCN, CCN đều có những gam màu tối - sáng khác nhau. Trong khi DN tại các KCN, CCN ở nhiều địa phương đang kêu khó thì tại Bắc Ninh, 16 KCN lớn nhỏ với 172.000 lao động vẫn có mức thu nhập bình quân từ 7 triệu đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ sống và làm việc tại địa phương, Ban Quản lý KCN Bắc Ninh đã xây dựng 6 đề án với mục tiêu chăm lo, nâng cao mức sống cho NLĐ, từng bước xóa khoảng cách giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Theo ông Ngô Sỹ Bích - Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Bắc Ninh: "Muốn sử dụng nguồn lao động bền vững, ngoài việc tạo công việc và mức lương ổn định, chủ sử dụng lao động phải chăm lo các điều kiện sinh hoạt cho NLĐ như nhà ở, trường học, nơi vui chơi, giải trí, trạm y tế...".

Rõ ràng, dù năm 2014 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn còn nhiều DN có hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt. Bức tranh nhiều màu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phản ánh cuộc sống còn nhiều bộn bề của công nhân lao động tại những KCN, CCN trong cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nhiều gam màu tối - sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.