(HNM) - Không chỉ tại thành phố Hà Nội, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn cũng đang xảy ra thường xuyên tại nhiều đô thị lớn ở Đông Nam Bộ. Các địa phương cũng đang triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình để khắc phục tình trạng này.
Cứ mưa là ngập
Cơn mưa lớn chiều 15-8 vừa qua khiến 47 tuyến đường tại nhiều quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh ngập sâu, có nơi từ 20cm đến 50cm, như Thảo Điền, Quốc Hương, Tô Ngọc Vân (thành phố Thủ Đức), Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh)… Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, lượng mưa cao nhất trong ngày 15-8 là hơn 100mm, kéo dài nhiều giờ, trong khi hệ thống thoát nước của thành phố chỉ được thiết kế tiêu úng với lượng mưa khoảng 95,91mm đối với kênh rạch, 85,36mm với cống cấp 2 và 75,5mm với cống cấp 3 trong 3 giờ.
Cơn mưa lớn ngày 15-8 cũng khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngập sâu, như Bùi Văn Hòa, Nguyễn Ái Quốc, quốc lộ 1K... Đặc biệt, đường Đồng Khởi ngập hơn nửa bánh xe máy. Nhiều ô tô đứng im dưới mưa, chủ xe bất lực nhìn nước tràn vào trong. Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hòa cho biết, tỉnh chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập do hệ thống thoát nước cũ nhỏ, trong khi gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư mới…
Cảnh ngập lụt sau mưa lớn cũng diễn ra thường xuyên tại nhiều thành phố, thị xã của tỉnh Bình Dương. Ngày 15-8, tại thành phố Thuận An, thị xã Bến Cát có những điểm nước ngập đến yên xe máy. Theo UBND tỉnh Bình Dương, nguyên nhân chính của việc ngập lụt tại nhiều đô thị cũng là do hệ thống kênh thoát nước chưa được nạo vét thường xuyên, cống ngầm chưa đủ lớn để thoát nước khi mưa to.
Nhiều người dân thành phố biển Vũng Tàu đến lúc này vẫn nhắc lại đợt ngập nặng sau mưa ngày 20-7 vừa qua với lượng mưa đến 70mm, kéo dài cả ngày. “Lâu lắm rồi tôi mới thấy Vũng Tàu ngập rộng như vậy, dù sát biển. Nhiều nơi ngập đến 50cm”, ông Vũ Đình Tráng, ngụ tại đường 30-4, thành phố Vũng Tàu cho biết.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu hiện còn tồn tại nhiều điểm ngập cục bộ và thoát nước chậm khi trời mưa, do chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh; cống thoát nước quá tải hoặc chưa có cửa xả; 5 tuyến cống đúc thủ công được xây dựng đã lâu, nay xuống cấp; kênh thoát nước bị người dân lấn chiếm.
Nhiều giải pháp công trình
Giải pháp chung mà chính quyền các địa phương nêu trên lựa chọn để giải quyết tình trạng ngập úng trong đô thị là triển khai những dự án thoát nước lớn (giải pháp công trình). Cùng với đó, vận động người dân không lấn chiếm, xả rác ra kênh rạch; vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hòa khẳng định: “Tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa đang triển khai nhiều công trình chống ngập. Còn điểm ngập trên quốc lộ 1K, chúng tôi đã tham mưu để UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải giao lại cho địa phương quản lý và giải quyết”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về các giải pháp chống ngập, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Tầm Dương cho biết, địa phương sẽ đầu tư 5.000 tỷ đồng cho dự án nạo vét, gia cố Suối Cái dẫn nước ra sông Đồng Nai. Dự án dự kiến sẽ kéo dài trong 6 năm, khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập úng ở các huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An...
“Chúng tôi sẽ triển khai đầu tư 4 cống kiểm soát triều còn lại trên địa bàn thành phố Thuận An với tổng kinh phí dự kiến 1.364 tỷ đồng. Xây hệ thống cống, đê bao An Sơn - Lái Thiêu dài khoảng 12,7km (ven sông Sài Gòn), chống ngập cho vùng rộng 2.690ha và nhiều hệ thống tiêu thoát nước khác”, ông Nguyễn Tầm Dương nói.
Tại thành phố Vũng Tàu, địa phương sẽ triển khai xây dựng, cải tạo 5 hồ điều hòa với tổng diện tích gần 190ha. Bí thư Thành ủy Vũng Tàu Trần Đình Khoa thông tin thêm, thành phố sẽ xây dựng nhiều tuyến cống tiêu thoát nước, đồng thời giải tỏa nhà lấn chiếm, khơi thông các kênh mương.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Thắng, thành phố đã có Ðề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045. Theo đó, dự án 10.000 tỷ đồng chống ngập do triều cường sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023. Thành phố cũng đang mời gọi đầu tư xây dựng hồ điều hòa Gò Dưa rộng 23ha tại thành phố Thủ Đức và hồ điều hòa Khánh Hội rộng 4,8ha tại quận 4.
Đặc biệt, HĐND thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua nghị quyết về triển khai 2 dự án lớn, gồm Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (có tổng mức đầu tư hơn 8.120 tỷ đồng) và Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (có tổng mức đầu tư 8.168 tỷ đồng). Cả 2 dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023-2028.
Như vậy, không chỉ tại Hà Nội, úng ngập đô thị đang là vấn đề mà nhiều địa phương phải tìm cách đối phó.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.