Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Nhiều dấu hỏi về tiến độ

Đức Bảo - Chí Dương| 12/05/2014 06:09

(HNM) - Trong danh sách 45 hồ được cải tạo theo đề án

Cải thiện môi trường sống

Dạo chơi bên bờ hồ Văn Yên, thuộc phường Phúc La (quận Hà Đông), ông Đỗ Văn Thuần, ở tổ 3, cho biết, trước khi chưa được cải tạo, hồ ngập ngụa rác thải, nước bị ô nhiễm. Từ khi hồ được khánh thành và đưa vào sử dụng, người dân rất có ý thức bảo vệ "lá phổi xanh" của phường. Không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, nước thải trong khu dân cư được xả vào hệ thống cống rãnh, nước trong hồ chỉ là nước mưa nên luôn trong xanh. Hồ Văn Yên được đầu tư đồng bộ từ kè, xây dựng đường đi bộ lát gạch, dựng hàng rào bảo vệ bằng inox, trồng cây xanh và đặt nhiều ghế đá chạy quanh. Điểm nhấn đặc biệt tại hồ Văn Yên là ở khu vực đẹp nhất trên lòng hồ, phường Phúc La đã xây dựng khu nhà thờ đặt trang trọng Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và một khu công viên vui chơi cho nhân dân ngay bên hồ. 

Hồ Giảng Võ. Ảnh: Xuân Chính


Tương tự, hồ Trung Văn, thuộc phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cũng đạt điểm cộng với người dân sinh sống quanh khu vực kể từ khi hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hồ Trung Văn có diện tích khoảng 2,7ha, nằm tiếp giáp giữa Khu đô thị mới Mỗ Lao (quận Hà Đông) và nhóm nhà ở phía Đông nam đường Láng Hạ - Thanh Xuân kéo dài. Chủ tịch UBND phường Trung Văn Nguyễn Trọng Công cho biết, hồ Trung Văn nằm trong khu dân cư, trước đây bờ hồ thường bị sạt lở, nước ô nhiễm, bùn lắng đọng lâu năm. Kể từ khi được nạo vét, xây kè, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, làm đường dạo, xây dựng hệ thống cống... diện mạo khu vực đã thay đổi hẳn, người dân rất phấn khởi. Ông Công đánh giá hồ Trung Văn sau cải tạo không những là công trình góp phần cải thiện môi trường sinh thái, mà còn có tác dụng lớn trong việc chống lấn chiếm, điều hòa, tiêu, thoát nước và tạo cảnh quan văn minh đô thị. "Băn khoăn lớn nhất hiện nay chính là hồ chưa được xây dựng hàng rào bảo vệ an toàn chạy quanh. Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên sớm đầu tư, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân sinh hoạt vui chơi" - ông Công cho hay.

Xem như dự án đặc biệt

Trong khi chính quyền và nhân dân ở địa bàn có hồ đã được cải tạo đồng lòng, góp sức giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan ven hồ thì vẫn có hồ dù đã được cải tạo hoàn chỉnh, sạch đẹp lại bị bỏ rơi một cách vô trách nhiệm.

Đấy là trường hợp hồ Cần, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng). Ông Lê Sĩ Lữ, cán bộ về hưu, sống ở tổ 106 (phường Vĩnh Tuy), thẳng thắn phê phán: "Chẳng hiểu tại sao khi cải tạo xong hồ Cần đến bàn giao thực địa mà chẳng có cán bộ địa phương nào đến nhận". Trước hồ vốn là cái ao cạnh mương do HTX Vĩnh Thành quản lý, sau khi cải tạo, có đủ mọi hạng mục từ đèn chiếu sáng, ghế ngồi, lát gạch, trồng cỏ đến dây xích bảo đảm an toàn và cả nhà trông coi. Không ai nhận bàn giao, hồ Cần bị bỏ mặc, rơi vào cảnh "cha chung không ai khóc". Ghế đá bị gẫy, đèn chiếu sáng bị cháy hoặc vỡ, những thùng rác bằng nhựa được thu lại rồi cất vào nhà trông coi. Dây xích quanh hồ có hơn 200 đoạn thì đã bị lấy mất khoảng hai phần ba, nay đã bắt đầu han gỉ. Nhiều bãi cỏ được trồng cẩn thận trước đây đã bị người dân vỡ đất để làm vườn trồng rau. Ông Lữ lý giải, một phần trách nhiệm thuộc về UBND phường không đứng ra tiếp nhận bàn giao và quản lý, một phần khác có lẽ là vì hồ ở khu vực giáp ranh giữa các tổ và phường khác nên chẳng tổ dân phố nào đứng ra quản. Hồ Cần đã được cải tạo rồi không ai quản lý nên xuống cấp và nhếch nhác hẳn so với ngày mới hoàn thiện. Ông Lữ cho biết, lãnh đạo phường Vĩnh Tuy thờ ơ với những bức xúc của người dân. Mỗi lần họp dân đưa ra ý kiến lại bảo là "muốn bảo vệ hồ thì phải có người, muốn có người thì trên phải cấp kinh phí, trên không cho kinh phí thì chịu". Còn người dân cho rằng, chỉ cần UBND phường có trách nhiệm một chút đứng ra cho đấu thầu thì sẽ có nhiều người nhận bảo vệ hồ Cần.

Sau khi hồ được hoàn thành cải tạo, người dân đã có ý thức bảo vệ “lá phổi xanh” của thành phố.


Nỗi bức xúc của người dân ở phường Vĩnh Tuy cũng gần với những thắc mắc của người dân ở khu vực hồ Đầm Khê (Hà Đông). Người dân ở đây không chỉ khó chịu về chuyện dự án dở dang mà còn phải chịu cảnh nước thải sinh hoạt xả thẳng xuống hồ vì chưa xây xong phần thoát nước. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Hà Đông cho biết, dù công trình chưa được bàn giao nhưng do nhu cầu bức bách về đường nước thải sinh hoạt chưa đồng bộ nên quận đã chỉ đạo phường Quang Trung "làm gấp" rãnh nước thải với tổng giá trị đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, theo ông Chiến, thực hiện chỉ đạo của UBND quận, Ban cũng đã cử cán bộ xuống khảo sát, đánh giá hiện trạng và tính toán tiến độ thi công toàn bộ dự án ở giai đoạn I đạt khoảng từ 60% đến 70%. "Là cơ quan được UBND quận giao nhiệm vụ, chúng tôi kiến nghị đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các hạng mục cơ sở hạ tầng giai đoạn I để sớm bàn giao cho quận tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư giai đoạn II" - ông Chiến nhấn mạnh.

Tại hội nghị diễn ra chiều 20-1-2010, sau khi mời gọi các DN đóng góp vốn để cải tạo 45 hồ nội thành, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh: "Các sở, ngành chức năng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, từ việc làm hồ sơ tới giải quyết thủ tục đầu tư hay GPMB... phải tiếp nhận các dự án này với thái độ khẩn trương nhất, kể cả làm ngoài giờ, ngày nghỉ chứ không thể ứng xử như các dự án bình thường khác; phải bảo đảm để các dự án cải tạo hồ không bị ách tắc bởi sự thiếu trách nhiệm của ai đó. Nếu có cán bộ nào có biểu hiện gây khó dễ, nhũng nhiễu, thành phố sẽ xử lý nghiêm khắc. Các DN nếu gặp phải tình huống như vậy có thể trực tiếp báo tới lãnh đạo thành phố để giải quyết kịp thời...".

Đã đến lúc chủ trương đúng đắn hợp lòng dân này phải được thực hiện rốt ráo, không thể để tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" kéo dài từ năm này qua năm khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nhiều dấu hỏi về tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.