(HNM) - Chỉ vì đói nghèo, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ… nhiều phụ nữ đã cố tìm kiếm một cuộc sống khả dĩ hơn mà không biết địa ngục đang chờ họ ở bên kia biên giới.
Theo kinh nghiệm của những người tham gia "đánh án" buôn người, nạn nhân có thể chia làm ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất và đông nhất là phụ nữ và trẻ em (PNTE) dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa hoặc vùng nông thôn dân trí thấp, thiếu việc làm, khó khăn về kinh tế. Nhóm thứ hai mới xuất hiện gần đây là những PNTE ở thành thị đua đòi, thích ăn chơi, một số do nhẹ dạ, cả tin hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình. Nhóm thứ ba ít nạn nhân hơn nhưng đã xuất hiện từ lâu là các bé trai người dân tộc bị bắt cóc, bị bán làm con nuôi thường là trẻ em lang thang, cơ nhỡ (từ mới sinh đến 10 tuổi), gia đình khó khăn, bố mẹ nghiện ngập hoặc gia đình ở nơi hẻo lánh, cư dân thưa thớt, lạc hậu.
|
Trường hợp của nạn nhân Mùa Thị Chi ở bài trước nằm ở nhóm thứ nhất. Nhưng Chi cũng chỉ là một trong số hiếm hoi trẻ vị thành niên may mắn khi đã bị người nhà lừa bán sang bên kia biên giới mà được giải cứu về lành lặn. Còn không biết bao nhiêu trẻ bị lừa, bắt cóc rồi bán và bặt vô âm tín. Trẻ vị thành niên dễ bị lừa là điều dễ hiểu. Nhưng nhiều phụ nữ đã có con cũng bị lừa hoặc bị người lạ bắt cóc đưa qua biên giới để bán. Trường hợp của Hạng Thị Máy, người Mông ở Bát Xát (Lào Cai) là một ví dụ điển hình.
Máy lõm bõm kể lại câu chuyện mình bị bắt cóc mà nét sợ hãi vẫn còn trong ánh mắt khi nói chuyện với người lạ. Là mẹ của hai đứa con, một đã chín tuổi, một sáu tuổi, Máy suốt ngày cắm mặt vào lo việc làm nương, bếp núc, giặt giũ, chăm lợn, chăm gà chẳng còn thời gian để nghỉ ngơi. Mùng 2 Tết Quý Tỵ, chồng vẫn say rượu nằm co trong nhà, nhưng tiếng lợn kêu thúc giục chị rủ một phụ nữ hàng xóm đi hái rau trên nương. Đi từ sáng đến chiều, mỗi người cõng đầy một gùi rau rừng. Đang trên đường leo dốc về nhà, có hai thanh niên đi hai xe máy hỏi nhà ở đâu để đưa về cho đỡ mệt, hai phụ nữ đồng ý ngồi lên sau xe và thế là "đi luôn". Hai thanh niên người Mông chạy xe máy vòng vèo đến khi trời tối thì bắt Máy và hàng xóm thay quần áo rồi đưa qua một con suối cạn. Máy thắc mắc thì bị đánh đau lắm nên đành im lặng làm theo. Bên kia suối đã có cặp vợ chồng cũng nói tiếng Mông đón đi mà không biết là đi đâu. Hỏi ra Máy mới biết là mình đã bị bán sang Trung Quốc.
Đến ngày hôm sau, trên đường di chuyển về nhà người đã mua Máy và hàng xóm, người hàng xóm chạy trốn trước rồi thấy sơ hở Máy chạy trốn sau. Máy chạy đến gần tối lại gặp hai người phụ nữ Mông ở Trung Quốc. Họ hỏi chuyện Máy rồi cho về nhà ngủ nhờ. Nhưng Máy không ngờ rằng ngày hôm sau lại bị hai người này bán cho gia đình khác. Qua ba ngày, ba đêm, những người mua Máy đưa Máy đến một sân bay. Khi thấy người mặc quân phục, chẳng biết là công an, bộ đội hay cán bộ gì, Máy kêu ầm lên rồi chạy đến ôm chân họ. Thế là Máy được đưa trở lại Việt Nam.
Về đến Lào Cai, Máy nhớ hai con lắm mà vẫn chưa được gặp chúng. Kể lại những ngày tủi khổ mà Máy giật mình thon thót mỗi khi cánh cửa phòng kêu ken két vì gió. Gặp đoạn nào khó kể lại, Máy lại đan hai bàn tay vào nhau đặt lên đầu gối, còn năm đầu ngón chân thô ráp vẫn cáu bùn đất cứ cắm xuống nền nhà. Trong hai đêm ở xứ người, Máy có gặp một người phụ nữ Mông gốc Việt Nam đang là dâu của nhà hàng xóm. Người này kể là cũng bị bắt sang rồi bán cho nhà này làm dâu nhưng vì ở quen rồi và hoàn cảnh bên này cũng dễ sống hơn nên không muốn quay về. Còn Máy thì muốn về nhà lắm vì nhớ con.
Máy và Chi là hai người may mắn đã được giải cứu về với quê hương. Còn nhiều người phụ nữ, nhiều trẻ vị thành niên khác đã bị bán vào những địa ngục trần gian mà chưa biết ngày nào được về.
Địa ngục không chừa một ai
Trước đây, đa số nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh khó khăn, trình độ hiểu biết thấp. Nhưng trong mấy năm gần đây, còn có cả những nạn nhân là con em gia đình khá giả, có học thức, là học sinh, sinh viên nhưng ham chơi, đua đòi. Với số phụ nữ thích ăn chơi, lười lao động, bọn tội phạm rủ rê đến khu vực biên giới tham quan du lịch, mua sắm sau đó móc nối với các đối tượng là người địa phương đưa qua biên giới. Ngoài ra, lợi dụng chính sách ở các khu kinh tế mở, bọn tội phạm dùng giấy thông hành công khai đưa nạn nhân qua cửa khẩu, sau đó bán cho các chủ chứa hoặc các tổ chức tội phạm quốc tế. Cũng có nhiều đối tượng giả yêu, lừa tình hoặc tìm kiếm "nguồn hàng" bằng cách làm quen với nạn nhân qua internet, hẹn hò "yêu đương" rồi tìm cách bán qua biên giới.
Đầu năm 2013, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lào Cai tiếp nhận một nạn nhân thuộc trường hợp hy hữu. Vốn là một nhân viên hành chính của một trường học ở Sa Pa, chị Nguyễn Thị Nhàn không thể ngờ rằng có ngày mình bị lừa bán sang Trung Quốc. Chị quen một người đàn ông khá điển trai qua "chat". Khi trở nên thân thiết, người này đã mời chị đi chơi ở Lào Cai vài lần. Trong một lần đang đi chơi, đối tượng này nghe một cú điện thoại rồi hốt hoảng nói với chị rằng có ông chú ruột ở Bản Lầu bị tai nạn xe máy gãy chân nên phải về Bản Lầu ngay. Chính chị nói chị sẽ đi cùng vì chú của bạn bị tai nạn thì nên có mặt để chia sẻ. Hai người phóng xe máy về Bản Lầu. Đến đoạn không đi được xe máy nữa, người đàn ông nói là phải đi bộ qua quả núi trước mặt mới tới nên hai người bỏ xe máy ven đường rồi đi bộ. Đi qua quả núi thì chị bị bán cho một gia đình người Trung Quốc làm con nuôi.
Nhưng như thế chưa hết đoạn trường. Bố mẹ nuôi của chị Nhàn ghê gớm, mắng chửi, đánh đập và bắt chị lao động suốt ngày. Mệt mỏi, khổ sở quá chị tìm cách trốn. Vì chẳng biết tiếng, biết đường nên trốn ban đêm thì sáng ra đã bị bắt lại, đôi vợ chồng già Trung Quốc cáu giận bán luôn chị cho một động mại dâm. Một ngày chị tiếp hơn chục lượt khách. Nhục nhã, ê chề và sợ hãi, chị quyết trốn lần nữa. Tình cờ một lần nhìn qua cửa sổ thấy công an Trung Quốc đi qua, chị nhảy qua cửa sổ kêu cứu. Họ đưa về đồn lấy lời khai rồi họ gửi thông báo cho BĐBP Lào Cai để xác minh rồi tiếp nhận người. Giờ về đến Lào Cai rồi mà chị không dám quay lại nơi làm việc cũ nữa.
Rất nhiều người giống chị Nhàn khi được giải cứu hoặc tự tìm đường về đều không muốn khai báo hoặc kể về những tháng ngày tủi nhục bên đất khách. Táng tận lương tâm hơn cả là những kẻ đã bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm giờ lại quay lại lừa những phụ nữ trẻ khác ép vào con đường nhầy nhụa mà chính họ đã trải qua. Trinh sát biên phòng Lào Cai kể lại trường hợp của Đặng Thị Thanh, người Kinh, sinh năm 1994 ở Trấn Yên (Yên Bái). Đang đi học, do giận dỗi với mẹ và cũng muốn tự khẳng định mình, Thanh bỏ nhà xuống Phú Thọ xin việc ở một quán phở mà không biết rằng đây chính là đầu mối buôn bán PNTE. Sau vài ngày làm việc, Thanh được đưa lên Lào Cai với lý do ở trên đó nhiều việc hơn. Được một người phụ nữ nhận làm "mẹ nuôi" và nuôi được vài ngày, Thanh được đưa qua Hà Khẩu và ép vào một động bán dâm. Được giải cứu về, Thanh không kể rõ ràng câu chuyện của mình. Bằng linh cảm nghề nghiệp, anh em trinh sát ngờ có vấn đề nên thuyết phục và rồi Thanh cũng khai báo: "Cháu bị đưa sang bán làm gái mại dâm".
Sau đó, Thanh đưa trinh sát xuống địa bàn để xác định người "mẹ nuôi". Qua điều tra, anh em phát hiện ra rằng số phận của người mẹ nuôi cũng éo le và khốn nạn. Mẹ nuôi của Thanh tên là Ngô Thị Trang, sinh năm 1976 ở Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), đã có chồng và có con nhưng bị vỡ nợ. Trang để con cho bà ngoại nuôi rồi lang thang lên Lào Cai kiếm sống. Không có vốn, chẳng quen biết ai, Trang cũng bị bán vào động mại dâm. Sau một thời gian hành nghề, có chút vốn và cũng vì đã già, Trang gá nghĩa với một người đàn ông Trung Quốc ở Hà Khẩu làm nghề buôn bán vặt. Cuộc sống cũng chẳng khá hơn là bao. Khi thấy Thanh, Trang đã nảy lòng tham muốn bán người để kiếm thêm tiền.
Có không biết bao nhiêu lối vào địa ngục trần gian. Mỗi người lỡ sa chân vào đó là một số phận tủi khổ. Người được cứu ra thì ít người ngập ngụa trong đó thì nhiều. Thậm chí, số người có thể sẽ bị lừa gạt để bán vào địa ngục còn nhiều hơn nữa.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.