(HNM) - Việc ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo đích danh cá nhân ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch tỉnh Bình Dương là chưa đúng nội dung vấn đề...
"Cố chụp mũ" một cá nhân?
Ngày 21-10-2013, trong lá đơn đầu tiên gửi tới Thủ tướng Chính phủ, ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo đích danh ông Lê Thanh Cung ba vấn đề. Trong đó ông Dũng cho rằng ông Lê Thanh Cung thời điểm giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bình Dương ký văn bản 3184 ngày 21-10-2009 không cho chuyển nhượng đất "khu ở" trong KCN Sóng Thần 3 là trái pháp luật "Ông Cung cấm chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) dưới mọi hình thức là xâm phạm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp đã được pháp luật quy định, cũng có nghĩa là một Phó Chủ tịch tỉnh đã vi phạm pháp luật…", ông Dũng viết trong đơn.
Thực tế, tư liệu chúng tôi có được lại thể hiện khác. Cụ thể, ngày 1-10-2009 Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức cuộc họp về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3 với sự tham dự của ông Nguyễn Hoàng Sơn (Chủ tịch tỉnh), ông Lê Thanh Cung (Phó Chủ tịch Thường trực), bà Trần Thị Kim Vân (Phó Chủ tịch) cùng giám đốc, phó giám đốc Công an tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương. Theo Thông báo số 339 của Văn phòng Tỉnh ủy về cuộc họp này thì ông Mai Thế Trung (Bí thư Tỉnh ủy) đã kết luận với nội dung: KCN Sóng Thần 3 chưa đi vào hoạt động đã chuyển nhượng QSDĐ dưới hình thức thỏa thuận góp vốn đầu tư là trái quy hoạch, quy định pháp luật, nếu không được chấn chỉnh sẽ phá vỡ quy hoạch chung, tạo tiền lệ xấu, có tác động tiêu cực đến chủ đầu tư khác… Từ đó ông Mai Thế Trung chỉ đạo các sở, ngành phải thống nhất quan điểm và các bước xử lý: "Không chấp nhận việc chuyển nhượng đất ở trong KCN dưới bất kỳ hình thức nào và chỉ cấp QSDĐ, giấy phép xây dựng đối với trường hợp sử dụng đất đúng mục đích, quy hoạch được duyệt".
Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã có báo cáo về tình hình chuyển nhượng đất ở KCN Sóng Thần "Thời điểm mua bán đất sôi động nhất tại KCN Sóng Thần 3 rơi vào các ngày 21 và 24-8-2009, tạo ra một "cơn sốt" về bất động sản tại đây. Lúc này, người dân địa phương và từ các nơi như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… đổ về khu vực KCN Sóng Thần 3 để giao dịch, mua bán đất; thậm chí mua lại những phiếu thu tiền bán đất mà Công ty cổ phần Đại Nam đã bán cho nhân viên của mình. Đối tượng mua bán tại hiện trường gồm nhiều thành phần, tự giới thiệu là nhân viên của Công ty cổ phần Đại Nam, đại diện cho các công ty môi giới bất động sản và các cá nhân đã mua đất của công ty nhưng có nhu cầu bán lại…".
Trên cơ sở Thông báo 339 của Thường trực Tỉnh ủy, ông Lê Thanh Cung ký ban hành văn bản 3184 nội dung căn cứ vào Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy. Thế nên việc ông Huỳnh Uy Dũng, "cố chụp mũ" một cá nhân là chưa đúng với tinh thần của cuộc họp nêu trên. Vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định việc ông Lê Thanh Cung ký ban hành văn bản chỉ đạo này là đúng thẩm quyền, đúng ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và đúng quy định của pháp luật.
Hàng vạn người đã đổ đến KDL Đại Nam sau thông tin “miễn phí” trước khi đóng cửa. |
Công tư liệu có phân minh?
Cách xử lý của UBND tỉnh Bình Dương cũng khiến dư luận nghi ngờ về tính khách quan của cơ quan chức năng. Thể hiện rõ nhất tại văn bản 3184 ngày 21-10-2009 do ông Lê Thanh Cung ký, đã yêu cầu chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 khẩn trương lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với với khu chức năng (hành chính - dịch vụ, kho bãi và khu ở), "đến tháng 12-2009 phải hoàn thành để làm cơ sở triển khai thực hiện đúng mục đích"; yêu cầu các sở, ngành liên quan " Trong quá trình lập và chờ cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, không cho phép chuyển nhượng khu đất ở trong KCN dưới bất kỳ hình thức nào".
Văn bản chỉ đạo như vậy dẫn đến cách hiểu là UBND tỉnh Bình Dương chỉ "cấm chuyển nhượng" khi "chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500". Nên chỉ một ngày sau, ngày 22-10-2009, Công ty cổ phần Đại Nam đã có ngay hồ sơ xin quy hoạch chi tiết 1/500 và Sở Xây dựng đã tiếp nhận ngày 26-10-2009.
Một thực tế khó phủ nhận là với việc tiên phong đầu tư KCN Sóng Thần 1 và 2, rồi bỏ hàng nghìn tỷ xây dựng KDL Đại Nam…, cái tên Huỳnh Uy Dũng đã không hề xa lạ với các cơ quan chức năng Bình Dương. Rất nhiều dự án trước đây do ông Dũng thực hiện đều rất dễ dàng bởi cách "trải thảm đỏ" của Bình Dương. Tuy nhiên với khu đất ở trong KCN Sóng Thần 3, kể từ khi ông Dũng nộp hồ sơ xin quy hoạch 1/500, cơ quan chức năng tỉnh này đã "ngâm" suốt… 4 năm (từ năm 2009 đến 2013, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ). Nếu không có quy hoạch nêu trên, không thể chuyển nhượng QSDĐ thì doanh nghiệp sẽ không thể trả nợ ngân hàng và không xây dựng khu chức năng thì doanh nghiệp sẽ không thể cho thuê đất trong KCN để trả lãi ngân hàng. Đây là con đường tất yếu dẫn tới chỗ doanh nghiệp phá sản…
Chưa hết, theo tìm hiểu của chúng tôi, 2 năm sau khi nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng không thấy hồi âm, tháng 10-2011, Công ty cổ phần Đại Nam đã có văn bản số 308 gửi UBND tỉnh Bình Dương (lúc này ông Lê Thanh Cung đã giữ chức Chủ tịch tỉnh), nêu nhiều việc liên quan, trong đó có việc hồ sơ quy hoạch 1/500 gửi Sở Xây dựng từ 2009 nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Thế nhưng việc phê hay không duyệt quy hoạch 1/500 vẫn "bặt vô âm tín". Thế nên việc chỉ quy kết cho cơ quan chuyên môn là Sở Xây dựng "ngâm" tới 4 năm chứ không liên quan đến trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Dương là chưa đủ.
Bên cạnh đó, ngày 30-10-2013, tại Báo cáo số 132 với Thủ tướng Chính phủ về thực trạng KCN Sóng Thần 3, UBND tỉnh Bình Dương cũng không chính xác khi nêu " UBND tỉnh ban hành công văn số 3184 yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với khu chức năng (hành chính-dịch vụ, kho bãi, khu ở) đúng theo quy hoạch chi tiết được duyệt và không cho phép chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào. Công ty cổ phần Đại Nam đã không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mà tiếp tục kiến nghị và nhiều lần nộp hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch). Thực tế như đã phân tích ở trên, Công ty cổ phần Đại Nam đã làm hồ sơ quy hoạch 1/500 chỉ sau một ngày có chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương và Sở Xây dựng đã tiếp nhận sau đó vài ngày.
Chưa hết, "ngâm" hồ sơ của doanh nghiệp suốt 4 năm, khi bị tố cáo và khi có được kết quả xác minh tố cáo của Thanh tra Chính phủ, lập tức chỉ trong vòng 51 ngày (từ 8-9 đến 28-10-2014), Công ty cổ phần Đại Nam đã nhận tới 12 văn bản, tức trung bình 4 ngày 1 văn bản của các cơ quan chức năng và của UBND tỉnh Bình Dương liên quan tới khu đất ở 61,4 ha. Đặt vào vị trí doanh nghiệp, liệu lãnh đạo cơ quan chức năng Bình Dương có chịu nổi "áp lực" này không? Chưa bàn chuyện đúng sai trong việc ban hành văn bản nêu trên, chính cách hành xử như vậy đã khiến dư luận đặt nghi vấn có việc "o ép" và hình thành luồng dư luận "cảm thông" với ông Dũng.
Bên cạnh đó, sau khi ông Dũng làm đơn tố cáo (ngày 21-10-2013) và vụ việc "lùm xùm", trả lời phỏng vấn trên báo điện tử VTC News (cơ quan chủ quản là Đài Truyền hình KTS VTC), ông Cung lại dùng những ngôn từ chưa phù hợp để nói về ông Dũng như "Đại biểu Quốc hội nhưng bị người ta gạt ra mất rồi, chỉ có hơn một nhiệm kỳ là người ta cho ra rồi, không còn nữa. Người ta thấy không đủ tiêu chuẩn nên không đưa ra ứng cử nữa thôi... Ông Dũng sống được cũng nhờ "xương", "máu" của tỉnh Bình Dương chứ… ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi".
Không bàn chuyện đúng sai về nội dung tố cáo của ông Dũng thì những lời ông Cung nói về ông Dũng như vậy đã thể hiện cảm xúc… rất cá nhân, nên đã gây phản ứng trong dư luận. Nếu ông Dũng có sai, thì với vị trí là người lãnh đạo của một tỉnh, dư luận cho rằng ông Cung cần phải có cách ứng xử đúng mực, đặc biệt là khi phát ngôn trên báo chí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.