Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Cánh cửa nào cho người nghèo hiếm muộn?

Tuệ Diễm| 21/07/2015 06:36

(HNM) - Tôi mong sớm có chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho người điều trị hiếm muộn, để san sẻ bớt gánh nặng cho họ. Bản thân việc điều trị vốn đã gây tâm lý nặng nề, thì chi phí điều trị lại là một gánh nặng không hề nhỏ. Vì vậy nó gần như cấm cửa người nghèo…

Một khi Bảo hiểm y tế chưa chi trả

Luật BHYT năm 2015 sửa đổi ban hành có thêm một số hạng mục thuốc điều trị mới được thanh toán, nhưng người điều trị hiếm muộn vẫn phải tự chi trả chi phí điều trị. Vì sao ở nước ta, điều trị hiếm muộn chưa được đưa vào danh sách BHYT chi trả? Ông Hà Văn Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: Nguyên nhân gây hiếm muộn rất khó xác định; đồng thời chi phí cho chẩn đoán và điều trị cũng rất lớn. Trong khi đó, hiện nay quỹ BHYT chỉ bảo đảm chi trả cho khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con. Tuy nhiên, có một thực tế là điều trị hiếm muộn có nhiều phương pháp, trong đó các biện pháp trị hiếm muộn ít phức tạp như điều trị bằng hoóc môn, thụ tinh nhân tạo… có xác suất thành công 20-30% tùy vào mức độ bệnh lý. Giá mỗi đợt điều trị này chỉ dao động từ 5 triệu đến 20 triệu đồng. Số tiền không quá lớn, vì sao BHYT vẫn không chi trả?

Các bác sĩ làm xét nghiệm, chẩn đoán điều trị bệnh hiếm muộn.



Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, hiếm muộn, vô sinh không phải là căn bệnh hiếm gặp, 10% dân số nước ta có nhu cầu điều trị vô sinh, hiếm muộn. Với các phương pháp hỗ trợ sinh sản, những cặp vợ chồng hiếm muộn phải chi trả mức phí từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết nói: "Đây là rào cản khiến không ít gia đình ngậm ngùi chấp nhận cảnh không có con vì không có tiền điều trị". Mấy chục năm gắn bó với nghề điều trị vô sinh, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã xót xa với không ít trường hợp: "Nhiều cặp điều trị 5-6 lần, cầm cố nhà cửa, đến khi thành công thì không còn nhà để con ở. Có khi vì quá tội với đứa trẻ, sinh ra phải khổ sở nên tôi đã tự mình bỏ tiền túi cho bệnh nhân về chuộc lại nhà, chuộc lại sổ đỏ". Việc điều trị hiếm muộn tốn phí tiền bạc, công sức, làm nhiều gia đình nghèo trở nên khốn khó hơn. "Khi chữa trị thành công cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, tôi vừa mừng và giật mình lo lắng vì không ít đứa trẻ được sinh ra phải chịu cảnh nghèo khó. Bản thân tôi cũng phân vân, không biết làm thế nào?" - GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói.

Với BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, không chỉ người bệnh mà các bác sĩ điều trị tại bệnh viện cũng chịu nhiều áp lực. Do chi phí điều trị cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, nhiều gia đình điều kiện kinh tế hạn hẹp lại phải lo chữa bệnh lâu dài nên áp lực đè lên đôi vai bệnh nhân. Và chính niềm mong mỏi có con của bệnh nhân lại đè nặng lên đôi vai bác sĩ điều trị. Có thể tìm kiếm các thông tin tại bệnh viện như: tỷ lệ thành công 40%, tỷ lệ sẩy thai, tỷ lệ sinh non… và nhiều nguy cơ dẫn đến tỷ lệ không thành công mà người làm thụ tinh trong ống nghiệm mắc phải. Việc điều trị hiếm muộn cần nhiều thời gian và tốn kém. Hiện nay, mức chi phí trung bình khoảng 40-50 triệu đồng một lần điều trị, với tỷ lệ thành công chỉ đạt 40-50%. Đã 5 năm trôi qua, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết vẫn ám ảnh bởi ca bệnh đặc biệt. Khoảng năm 1998, khi bệnh viện Từ Dũ được điều trị thụ tinh ống nghiệm và cho ra đời 3 em bé đầu tiên, một cặp vợ chồng ở Đồng Tháp biết tin đã khăn gói lên chữa trị. Họ là chủ doanh nghiệp nuôi cá ba sa và đã bán một phần ao cá để lấy kinh phí. Nhưng, không may, hết lần này đến lần khác thực hiện thụ tinh ống nghiệm đều không thành. Mãi đến năm 2010, thì họ mới có được một cậu con trai. Lúc đó, vợ chồng họ mới thú nhận với bác sĩ: "Giờ ao cá không còn, ruộng đất không còn, nhà cửa không còn, may mà còn có được đứa con… bạc tỷ".

Mỗi cặp vợ chồng muốn chữa trị hiếm muộn phải tích cóp tiền trong nhiều năm. Khi có được một số tiền nhất định, thì lại phải chịu cảnh éo le. Nguyên nhân là do người phụ nữ càng lớn tuổi thì tỷ lệ đậu thai càng giảm. Nếu phụ nữ dưới 35 tuổi làm thụ tinh ống nghiệm có thể thành công đạt 40-50%, nhưng trên 35 tuổi thì tỷ lệ này giảm dần, có khi chỉ 20%. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh vô sinh ngày càng tăng cao, do con người sử dụng nhiều loại thực phẩm chứa hóa chất độc hại, chậm kết hôn... làm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai. Mỗi ngày Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ tiếp nhận 250-300 bệnh nhân đến khám; còn tại các đơn vị hỗ trợ sinh sản như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Mỹ Đức lượng bệnh nhân đến rất đông. Bên cạnh đó, theo nhiều bác sĩ, tỷ lệ người đến thăm khám vô sinh ngày càng "trẻ hóa", người từ 25 đến 35 tuổi chiếm khoảng 65%.

Người nghèo hiếm muộn chỉ biết... đợi chờ

Chi phí điều trị cao, không có BHYT chi trả, người nghèo không may hiếm muộn hầu như bị dập tắt hy vọng từ ngày đầu đến các cơ sở thăm khám. Không nỡ nhìn những trường hợp y học có thể can thiệp, đưa lại hạnh phúc cho người nghèo mà không thể thực hiện vì họ không có tiền nộp viện phí, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức làm chương trình từ thiện mang tên "Ươm mầm hạnh phúc". Trong tháng 9 năm 2014, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng các bác sĩ đã tiến hành thụ tinh cho 30 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Điều kiện được lựa chọn là các cặp vợ chồng đã có chỉ định bác sĩ cần tiến hành thụ tinh ống nghiệm mà chưa đủ điều kiện kinh tế thực hiện hoặc đã thất bại sau các chu kỳ. Chỉ thông báo qua một trang báo điện tử, nhưng chưa đầy một tháng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức nhận về hơn 100 bộ hồ sơ của các bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng vì kinh phí có hạn, chỉ 30 trường hợp được lựa chọn. GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết: "Đợt thụ tinh ống nghiệm đó, 15 bệnh nhân đang mang thai và chờ những đứa con ra đời trong khoảng tháng 8-2015. Số bệnh nhân còn lại vẫn đang tiếp tục điều trị để được chuyển phôi trong những đợt sau. Tôi muốn tiếp tục duy trì chương trình của mình để mỗi năm trung bình ít nhất có thêm 30 trẻ được ra đời, mang lại niềm vui cho người có hoàn cảnh khó khăn". Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng kinh phí thực hiện 30 ca thụ tinh ống nghiệm miễn phí đã lên tới hơn 2 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2015, GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng sẽ cùng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức sẽ tiếp tục thực hiện chương trình này, trong hành trình san sẻ nỗi đau với người hiếm muộn.

Khi điều trị hiếm muộn vẫn chưa được BHYT chi trả, người hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự giúp đỡ, san sẻ của cộng đồng. Năm 2015 đã qua nửa chặng đường, những người hiếm muộn đang hy vọng vào sự sửa đổi, bổ sung điều luật BHYT vào năm 2016...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Cánh cửa nào cho người nghèo hiếm muộn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.