(HNM) - Năm 1973, nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi - người mang bản dự thảo Hiệp định từ Hà Nội đã được Bộ Chính trị phê duyệt đến Hội nghị Paris, ở tuổi 60...
Ngày 26-9-1972, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gặp Trợ lý Lưu Văn Lợi và giao nhiệm vụ mang hai bản dự thảo văn kiện đi Paris trao cho Cố vấn Lê Đức Thọ. Hiểu rõ tầm quan trọng của hai bản dự thảo này, Bộ trưởng dặn phải cẩn thận và chúc thượng lộ bình an, đồng thời cử thêm Đại tá Đoàn Huyên đi cùng.
Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi (ngồi giữa, đeo kính) tại Hội nghị Paris. |
Trở về nhà, sau khi nói qua cho vợ biết, ông Lợi chuẩn bị cho chuyến đi. Đầu tiên, ông yêu cầu cán bộ kỹ thuật viết hai văn bản dự thảo văn kiện bằng mực đặc biệt. "Tôi nhờ nhà tôi khâu hai văn bản vào áo may ô để không sợ gián điệp lấy cắp hay bỏ quên.
Ngày 1-10, hai người đi Bắc Kinh. Anh em sứ quán ra đón và cầm chiếc cặp, chắc họ nghĩ rằng chiếc cặp có tài liệu tuyệt mật. Ngày 3-10, ông đến Paris, rồi đi ngay Choisy - trụ sở phái đoàn đàm phán. Ông gặp riêng Cố vấn Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn Xuân Thủy báo cáo tóm tắt tình hình chuẩn bị văn kiện ở nhà, chủ trương của Bộ Chính trị và nội dung cơ bản của các văn kiện. "Ngày hôm sau, cán bộ kỹ thuật giải mã xong hai văn bản và cho đánh máy tươm tất. Anh Lê Đức Thọ triệu tập các thành viên tại phòng bảo mật để nghe tôi giới thiệu chi tiết hai văn bản. Mọi người đều vui mừng thấy cuộc đàm phán tại diễn đàn bí mật Lê Đức Thọ - Kissinger đã có bước tiến trong biết bao trở ngại, khó khăn, vướng mắc và nay đang đưa đến một giải pháp hòa bình chấm dứt chiến tranh Việt Nam" - ông Lợi kể.
"Bức tượng có hai mắt nháy được"
Ông Lưu Văn Lợi là một trong số ít cán bộ chuyên theo dõi tình hình Mỹ tiến hành chiến tranh ở cả hai miền Nam, Bắc của Việt Nam và các hoạt động đối ngoại của Mỹ, từ đề nghị công khai đến các hoạt động bí mật. Nhưng tại Hội nghị Paris và diễn đàn tay đôi bí mật Lê Đức Thọ - Kissinger, ông chưa tham gia công khai. Chỉ từ khi ta đưa dự thảo Hiệp định cho Kissinger, ông mới bắt đầu tham gia đàm phán công khai với vai trò Cố vấn pháp lý của đồng chí Lê Đức Thọ.
Khi Cố vấn Lê Đức Thọ giới thiệu tôi với đoàn Mỹ: "Tôi xin giới thiệu ông Lưu Văn Lợi, Cố vấn pháp lý của đoàn Việt Nam". Tất cả đồng sự Mỹ đều nhìn tôi. Kissinger nguýt tôi qua cặp kính trắng: "Luật giáo hội à?". Anh em trong đoàn Việt Nam cười, coi đó là lối chơi chữ của ông ta. Tôi cũng cười.
Trong quá trình thảo luận, có lúc Kissinger phàn nàn chuyên viên của ta đã nêu 17 vấn đề, trong đó có nhiều vấn đề Cố vấn Lê Đức Thọ và ông ta đã thỏa thuận xong. Cuộc thảo luận về từ ngữ trở nên căng thẳng chung quanh các từ: đôn đốc, khuyến khích, thúc đẩy, giám sát... Kissinger đả kích tôi: "Ông Lưu Văn Lợi muốn được thưởng huân chương nên có nhiều ý kiến trong việc dùng từ ngữ".
Có lần gặp bất đồng, ông Lê Đức Thọ chỉ tôi: "Ông Lợi khuyên tôi không nên nhận. Kissinger phản ứng: "Cần cho ông Lưu Văn Lợi phục viên về sinh quán". Căn nguyên của câu nói này là trước đó, khi Kissinger đòi ta rút quân miền Bắc về miền Bắc, Cố vấn Lê Đức Thọ không đồng ý. Kissinger lại nêu vấn đề với kiểu chơi chữ: "Nếu quân miền Bắc phục viên thì phải nói "phục viên về sinh quán". Lần khác, Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger tranh luận mãi mà không đến thỏa thuận. Kissinger ra vẻ khó chịu nói: "Hoa Kỳ không có chuyên viên đủ sức tế nhị như ông Lợi. Phải xây dựng tượng ông Lợi cạnh Bờ Hồ". Ông Lê Đức Thọ cũng vui vẻ thêm vào: "Chân bức tượng phải ghi những đề nghị sửa đổi hiệp định của ông Lợi".
Ngày 7-11-1972, Nixon trúng cử tổng thống lần thứ hai và quay lại bàn đàm phán nhằm xoa dịu dư luận, đồng thời hy vọng ép phái đoàn VNDCCH sửa đổi Hiệp định theo yêu cầu của Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Phái đoàn VNDCCH chấp nhận họp lại. Đợt họp lại thứ nhất bắt đầu ngày 20-11-1972 đến ngày 25-11-1972 mà vẫn bế tắc. Kissinger báo cáo về Nhà Trắng và đề xuất với Nixon hai lựa chọn: Một là cắt đứt đàm phán; Hai là bỏ các yêu cầu của Nguyễn Văn Thiệu. Nhân dịp này ông ta cũng xin từ chức.
Nixon ở thế không thể bỏ Nguyễn Văn Thiệu và cũng không thể bỏ đàm phán nên chỉ thị cho Kissinger nghỉ họp một tuần. Đợt họp lại thứ hai bắt đầu ngày 4-12-1972 kéo dài đến ngày 12-12-1972 cũng căng thẳng. Về quân sự, chính trị đều có những điểm quan trọng bế tắc như vấn đề Hội đồng hòa giải hòa hợp dân tộc, vấn đề quân đội miền Bắc ở miền Nam, vấn đề tù dân sự, vấn đề khu phi quân sự...
Đến phiên họp ngày 12-12, còn hai vấn đề: Tù dân sự và khu phi quân sự. Hai bên thỏa thuận hôm sau cho chuyên viên rà soát lại văn bản. Khi rà soát, Kissinger nói: "Về văn bản thì ông Lưu Văn Lợi và ông Negroponte là những kẻ phá hoại, còn về nội dung thì ông Sullivan và ông Nguyễn Cơ Thạch là những kẻ phá hoại".
Đúng là tôi có sửa hay bỏ một số chỗ, trong đó có ba điểm theo chỉ thị của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Cuộc thảo luận hôm 12-12 lại sôi nổi về vấn đề từ ngữ. Về chức năng của Hội đồng hòa hợp dân tộc có chức năng "đôn đốc" hai chính quyền thi hành Hiệp định nhưng phía Mỹ không đồng ý dùng từ "đôn đốc" và đề nghị dùng các từ trông nom, giám sát, chăm lo. Cuối cùng, ta giữ từ đôn đốc trong bản tiếng Việt, còn tùy Mỹ dùng từ gì thì dùng.
Hai bên còn trao đổi về nghị định thư, Mỹ quan tâm đến nghị định thư về Ủy ban quốc tế và Ủy ban liên hợp. Vấn đề không giải quyết được. Cuộc họp đến đây tạm nghỉ. Lê Đức Thọ nói ông về Hà Nội báo cáo tình hình với Bộ Chính trị. Kissinger hỏi bao giờ ông về tới Hà Nội? Ông Thọ nói là ngày 18-12 mới tới Hà Nội. Không hiểu câu hỏi này có dụng ý gì?
Tại phiên họp cuối cùng, để ngày 18-12-1972 Cố vấn Lê Đức Thọ về Hà Nội, Kissinger bắt tay ông Thọ và chúc thượng lộ bình an. Ông Thọ cũng chúc Kissinger lên đường bình yên. Khi bắt tay tôi, Kissinger hỏi: "Bao giờ tượng ông sẽ được dựng?". Tôi chưa kịp trả lời, ông Thọ chen vào: "Mỹ có tiếng là giỏi về khoa học và kỹ thuật, không biết có làm nổi bức tượng ông Lợi có hai mắt nháy được không?". Cả ba cùng cười.
Cuộc chia tay ngày 13-12-1972 nếu không là hữu nghị thì ít nhất cũng là bình thường. Sự thật câu hỏi của Kissinger là một ẩn số chưa có lời giải. Tuy nhiên không thể không nghĩ đến cuộc không kích Hà Nội bằng máy bay B-52 bắt đầu ngày 18-12, lúc Cố vấn Lê Đức Thọ về đến Hà Nội, và kéo dài suốt 12 ngày đêm.
***
Sau này, Kissinger nhận xét: "Việt Nam là một trường hợp đặc biệt về địa lý, sắc tộc, chính trị, quân sự và ngoại giao. Đó là điều chúng ta cần thừa nhận và lấy đó làm niềm an ủi thay vì cố áp dụng rộng rãi những "bài học Việt Nam" như chúng ta từng làm với "bài học Munich".
Trong một lần đối thoại với Cố vấn Lê Đức Thọ, Kissinger tỏ ra bắt đầu hiểu dân tộc Việt Nam: "Chúng tôi biết các ngài đã tồn tại hai nghìn năm không phải do nhân nhượng và mềm dẻo đâu". Trong chuyến thăm Hà Nội, Kissinger đến Bảo tàng Lịch sử. Đứng trước tấm bản đồ vẽ ba lần nhân dân Việt Nam đánh quân Nguyên - Mông, ông ta chăm chú nghe thuyết minh. Cố vấn Lê Đức Thọ nói với Kissinger: "Tôi tin rằng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ từ nay sẽ tốt, chúng tôi không phải chiến đấu với các ông nữa". Kissinger vừa cười vừa nói: "Nhất định không, chúng tôi đến Việt Nam một lần là quá đủ rồi".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.