Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Xu hướng nông nghiệp đô thị

Quỳnh Dung - Bạch Thanh| 13/01/2010 06:55

Dự án khu NNCNC sông Đáy rộng 600ha, tổng mức đầu tư lên tới khoảng 3.200 tỷ đồng * Cần một cơ chế đặc thù (HNM) - Từ những bài học không thành công của 3 dự án trên, UBND thành phố Hà Nội đã chuyển hướng sang một dự án mới với ý tưởng đầu tư dự án NNCNC sông Đáy quy mô hơn 600ha. Theo thẩm định của các sở, ban, ngành, đây là dự án lớn, chấp nhận rủi ro cao. Từ bài học thực tiễn, hy vọng đây sẽ là bước phát triển mới cho ngành nông nghiệp Thủ đô.


Bài 1: Lãng phí bạc tỷ, công nghệ "đắp chiếu" 

Mở ra hướng sản xuất an toàn

Với việc đầu tư phát triển mô hình NNCNC, trong thời gian tới thành phố sẽ có nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: Trung Kiên


Hiện nay, có hàng nghìn dự án quy mô lớn đầu tư vào Hà Nội nhưng chủ yếu là dự án về CN, đô thị, dịch vụ còn các dự án về NN đặc biệt là NNCNC hầu như vắng bóng, vì vậy trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư vào lĩnh vực này ở khu vực ngoại thành cần được khuyến khích và hỗ trợ thích đáng. Để giải bài toán NNCNC của Thủ đô, UBND thành phố đã mời 3 DN: Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư phát triển NNNT Hà Nội, Công ty Tam Thần Nông, Liên doanh Công ty CP Địa ốc MB tham gia vào các dự án NNCNC. Theo quy hoạch phát triển kinh tế chung của Hà Nội từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, các vùng đất bãi ven các sông lớn của Hà Nội là vùng NN ổn định, không bố trí các dự án phi NN. Việc đưa NNCNC vào vùng đất bãi sông Đáy trên địa bàn Hoài Đức với quy mô lớn, mang tính hàng hóa sẽ đáp ứng nhu cầu sản phẩm lớn cho thành phố. Huyện Hoài Đức sẽ chuyển hơn 600ha vùng đất bãi ven sông Đáy sang phát triển NNCNC để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, rau an toàn, hoa… Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.600-3.200 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là hình thành khu NNCNC, tăng hiệu quả sử dụng đất, hình thành vùng sản phẩm năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là nơi cung cấp giống cây trồng, nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ trong lĩnh vực NN, sản xuất khối lượng lớn thực phẩm an toàn cho Thủ đô và địa phương lân cận; cải tạo môi trường, tạo việc làm cho lao động địa phương; người nông dân được hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo nghề sản xuất NNCNC… Dự án được các DN có uy tín, có tiềm lực tài chính tham gia, cam kết đầu tư thỏa đáng, không nhập khẩu toàn bộ các trang thiết bị của nước ngoài mà sẽ Việt Nam hóa để dễ dàng thay thế khi cần thiết, giảm chi phí đầu tư…

GS-TSKH Trường Đại học RMIT (Ôxtrâylia) Nguyễn Quốc Vọng, cố vấn khoa học của dự án cho biết: Hà Nội đang thiếu trầm trọng không gian xanh, do đó dự án đi vào hoạt động không chỉ góp phần tạo ra các sản phẩm NNCNC với năng suất và chất lượng vượt trội mà còn là điểm du lịch NN hấp dẫn cho nhân dân Thủ đô và cả nước. Người ta đến đây không chỉ để mua sản phẩm NN an toàn mà còn được tận mắt tham quan các mô hình sản xuất NN hiện đại bậc nhất thế giới. Bên cạnh những tòa nhà, khu đô thị hiện đại, không thể tồn tại những thửa ruộng manh mún sản xuất lạc hậu mà phải là nhà lưới, nhà kính có quy hoạch… tạo không gian xanh, mỹ quan đô thị, đó mới là xu hướng NN đô thị phù hợp với Hà Nội.

Cần cơ chế đặc thù

Hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai dự án NNCNC là công tác GPMB. Đại diện nhà đầu tư cho rằng, đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực NNCNC, rất cần Nhà nước có cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn bởi nếu áp dụng theo khung giá bồi thường như hiện nay là rất khó. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trịnh Duy Hùng cho biết: Hiện nông dân ngoại thành lo mất đất, không có việc làm. Vì vậy dự án sẽ tiến hành theo phương thức thuê lại đất của dân theo thỏa thuận và Nhà nước đứng ra làm trọng tài, DN mỗi năm thanh toán 2 lần theo mùa vụ hoặc người nông dân có thể góp vốn bằng đất vào dự án. Nếu làm được như vậy, nông dân không mất đất, vẫn có thu nhập, một bộ phận nông dân sẽ được đào tạo thành công nhân NNCNC làm việc trên chính mảnh đất của mình với thu nhập ổn định, thỏa đáng. Đây là phương pháp mà Hà Tây (cũ) đã áp dụng thành công khi thuê đất của nhân dân xã Vân Tảo (Thường Tín) cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Hà Tây. Để đẩy nhanh tiến độ GPMB cũng cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền mới có thể khai thông dự án.

Theo các nhà khoa học, để khắc phục các dự án đang dang dở cần có sự chuyển biến đồng bộ từ đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và người nông dân. Các khâu cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự tập dượt để nông dân có thể tiếp cận những yêu cầu kỹ thuật, quản lý, quy hoạch đồng bộ... nhanh chóng thoát ra khỏi lối canh tác truyền thống, manh mún như hiện nay... Sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC là tất yếu nhưng đòi hỏi vốn lớn. Vì thế phải có giải pháp phù hợp cho trước mắt và lâu dài, đặc biệt là vốn đầu tư cho ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất NN, kể cả công nghệ sau thu hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng… Nếu không, nguồn vốn sản xuất NNCNC vẫn là bài toán khó đối với nông dân. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, ý tưởng của dự án NNCNC ở Hoài Đức là táo bạo, khắc phục được những nhược điểm của các dự án NNCNC trước đó. Dự án không chỉ chú trọng ở khâu nhập thiết bị, tổ chức sản xuất mà còn gắn với tiêu thụ, coi tiếp cận thị trường là khâu quan trọng tạo nên thành công. Vị trí của dự án phù hợp với quy hoạch phát triển NN lâu dài của thành phố, không bị chồng chéo bởi các dự án đô thị.

Chủ dự án khu NNCNC ven Đáy cho rằng, khi đã lắp đặt đầy đủ trang thiết bị, xây dựng hạ tầng đồng bộ: trung tâm giống, trung tâm triển lãm sản phẩm NNCNC, bãi đỗ xe, nhà sơ chế… mới chính thức đưa vào vận hành và cho ra sản phẩm. Đây là sự thận trọng không cần thiết vì hiện nay, toàn bộ vùng này nông dân đang sản xuất rau, cây ăn quả là chủ yếu, diện tích cấy lúa chỉ chiếm khoảng 26%. DN sau khi thỏa thuận được với dân có thể đào tạo công nhân, với sự hỗ trợ đắc lực của ngành nông nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất RAT trên 100% diện tích. Chỉ sau 6 tháng, DN đã có thể cho ra sản phẩm NN an toàn mà không cần đến 3-4 năm như dự kiến. DN vừa sản xuất, vừa đầu tư các hạng mục còn lại, vừa giải quyết được các nhu cầu bức thiết của xã hội về sản phẩm NN an toàn, vừa có kinh phí tái đầu tư, không để đất hoang hóa lãng phí. Điều quan trọng trước tiên là phải nghiên cứu kỹ về cách tiếp cận thị trường, có kế hoạch đào tạo nhân lực, phương án GPMB. Đặc biệt, thành phố cần có quy hoạch ổn định, tránh lập lại vết xe đổ như các dự án NNCNC trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Xu hướng nông nghiệp đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.