(HNM) - Năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội và UBND huyện Mê Linh tiến hành một số cuộc kiểm tra về tình trạng khai thác đất, nung gạch trái phép trên địa bàn huyện. Kết luận các cuộc kiểm tra đều khẳng định có vi phạm và những bức xúc của người dân hoàn toàn đúng. Đáng tiếc là vi phạm đã rành rành, nhưng việc xử lý chưa "tới đầu tới đũa". Hệ quả là, xử lý cứ xử lý, vi phạm vẫn diễn ra hằng ngày. >>
Bài 1: Hãi hùng “mafia lò gạch”
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Tháng 10-2009, người dân vùng ven sông Hồng trên địa bàn huyện Mê Linh có dịp bàn tán xôn xao khi 3 ông "quan" xã, thôn bị cơ quan điều tra CA huyện Mê Linh khởi tố. Các ông Trần Văn Phú, nguyên Chủ tịch xã Tiến Thịnh; Nguyễn Văn Chiều, cán bộ địa chính xã và Đỗ Xuân Tuấn, Trưởng thôn Trung Hà được xác định đã ký các hợp đồng cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép với diện tích trên 200.000m2 và thu, chi trái quy định số tiền lên tới 4,6 tỷ đồng. Cơ quan điều tra CA huyện khẳng định, hậu quả của việc này là làm hủy hoại đất với diện tích lớn, gây thất thu ngân sách, gây nghi ngờ, bức xúc trong dư luận nhân dân…
Xe tải tấp nập ra vào nơi khai thác đất làm gạch. Ảnh: Tuấn Khải |
Trước đó, 3 vị "quan" khác ở xã Tráng Việt cũng đã vào vòng lao lý vì những sai phạm tương tự. Đơn cử là ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch UBND xã Tráng Việt nhiệm kỳ 1999-2004, trong hai năm 2002-2003 đã hai lần ký hợp đồng kinh tế chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật cho các cá nhân thuê khai thác đất sản xuất vật liệu xây dựng với tổng diện tích 182.000m2. Tổng giá trị 2 bản hợp đồng là 1,4 tỷ đồng, nhưng chỉ chưa đầy 60 triệu đồng được nộp vào kho bạc.
Những tưởng, sau những bản án đích đáng này, những cán bộ tha hóa, biến chất và đám "cai đất" sẽ "co vòi" lại. Tuy nhiên, nhiều người dân khi tiếp xúc với chúng tôi vẫn rất bức xúc và khẳng định, những vi phạm bị phát hiện và xử lý nói trên vẫn chỉ là một phần rất nhỏ. Có dấu hiệu xử chỗ này, bỏ chỗ kia nên tình trạng khai thác đất bãi sông Hồng vẫn đang diễn ra hằng ngày mà không có dấu hiệu giảm. Có những lò vừa mới dẹp vài hôm trước đã lại vô tư mọc lại. Ngay như việc khởi tố 6 cán bộ xã, thôn nói trên cũng khiến người dân có nhiều dư luận "chưa phục". Bởi lẽ, cùng là vi phạm như nhau, nhưng các trường hợp vi phạm ở các xã Văn Khê, Hoàng Kim, Thạch Đà lại không bị xử lý hoặc xử lý chưa tới nơi tới chốn. Người dân cho rằng, tính chất vi phạm tại các xã này thậm chí còn nghiêm trọng và đáng bị xử lý như tại xã Tráng Việt, Tiến Thịnh nói trên.
Việc xử lý thiếu quyết liệt, chưa dứt khoát trước những vi phạm ban đầu ở khu vực bãi sông Hồng đã tạo điều kiện cho các vi phạm nối tiếp vi phạm lan rộng và ngày càng phức tạp hơn.
Bao giờ chấm dứt khai thác tài nguyên đất?
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ việc khai thác đất, nung gạch, ngói đang là nỗi kinh hoàng đối với người dân các xã ven sông Hồng. Lượng khói, bụi ngày đêm thải ra từ các lò gạch thủ công dọc tuyến đê Tả Hồng khiến bầu trời cả vùng trông đục ngầu. Những người nông dân chân lấm tay bùn ở các xã Tráng Việt, Văn Khê cho biết: Vào những ngày nắng nóng, các lò gạch hoạt động liên tục, càng làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng. Cây cối, hoa màu của người dân quanh vùng độ thụ phấn rất kém dẫn đến năng suất giảm rõ rệt do ô nhiễm khói bụi. Nhiều loại cây trồng khoảng xa tới cách 500-1.000m vẫn bị táp lá, lép hạt, rụng quả. Vào những ngày gió lớn đẩy khói lò gạch vào khu dân cư thì cây trồng ở cuối chiều gió còn bị ảnh hưởng nặng hơn, sức khỏe người dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Đã có những đợt kiểm tra cho thấy, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, mắt và ngoài da ở một số xã chuyên đun đốt lò gạch tăng nhiều so với các địa phương không nung đốt.
Trong văn bản số 1188/TNMT-TNKS của Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND TP Hà Nội về kết quả thực hiện việc kiểm tra, rà soát các hoạt động khai thác đất sản xuất gạch, ngói và san lấp mặt bằng trên địa bàn huyện Mê Linh, cùng với các kết quả kiểm tra, Sở đề nghị UBND các xã đình chỉ ngay hoạt động này và tổ chức tháo dỡ vỏ lò, trả lại mặt bằng trước ngày 15-5-2009. Huyện ủy Mê Linh cũng đã ban hành chỉ thị chấm dứt ngay hoạt động của các cơ sở đã hết hợp đồng. Đối với các cơ sở sản xuất còn trong thời hạn thì rà soát, phân loại, có phương án xử lý cụ thể để chậm nhất là ngày 31-11-2009 chấm dứt hoạt động.
Chỉ đạo là vậy nhưng đến nay đã là tháng 4-2010, hàng trăm lò gạch vẫn đang ngày đêm nhả khói. Nhiều người dân bức xúc: Nếu huyện nghiêm túc xử lý ngay từ đầu, vi phạm nghiêm trọng đã không xảy ra; cán bộ xã, thôn đã không sai phạm đến mức phải đi tù như vậy. Cuộc sống chúng tôi cũng đỡ khổ biết bao nhiêu. Có người nêu thắc mắc: Huyện Mê Linh chưa đủ khả năng giải quyết vấn đề của mình hay chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt với đúng trách nhiệm?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.