Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Tự hào người lính Cụ Hồ (tiếp theo)

Thanh Hải| 06/05/2014 06:06

(HNM) -

- Nghe lời kêu gọi của Bác Hồ, tôi đã gắn bó với mảnh đất Điện Biên này gần 60 năm rồi. Ông Phạm Nhất Hổ, 84 tuổi, một người lính Điện Biên năm xưa, giờ ở C4, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên mở đầu câu chuyện với chúng tôi, như vậy - Nếm trải bao vất vả, khó khăn đến bây giờ, tôi vẫn thấy quyết định của mình là sáng suốt. Điện Biên đã "thay da đổi thịt", đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây khấm khá lên rất nhiều. Những cựu binh chúng tôi, cả những người nằm xuống mảnh đất này, chắc chắn, ai cũng sẽ tự hào về công sức mình đóng góp.

Ông Tao Văn Khấn - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên đón các đồng đội về thăm chiến trường xưa.



Bồi hồi nhớ lại quá khứ, ông Hổ kể, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi hành quân về Thái Bình để tuyên truyền, ngăn ngừa làn sóng di cư, sau đó, đơn vị di chuyển sang Thanh Hóa để hậu thuẫn cho địa phương thực hiện cải cách ruộng đất. Đến năm 1958, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, chúng tôi trở lại Điện Biên để xây dựng vùng kinh tế mới với khẩu hiệu "Lấy nông trường làm gia đình, lấy Tây Bắc làm quê hương".

Theo lời kể của ông Hổ (Cựu chiến binh thuộc Đại đội pháo 327, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316), Nông trường quốc doanh Điện Biên, tiền thân là Trung đoàn 176 thuộc Sư đoàn 316, được thành lập ngày 8-5-1958, với gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi đại đội là một đơn vị sản xuất được bố trí xen kẽ với các xã, bản khu vực lòng chảo Điện Biên và 2 đại đội bố trí tại huyện Mường Ẳng với nhiệm vụ vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phá dỡ bom mìn, khai hoang, cải tạo đồng ruộng và hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

- Những ngày đầu khó khăn lắm - Ông Hổ nói - Bom đạn sót lại rất nhiều. Anh em phải chia nhau dò nhặt, đến cuối giờ chiều lại gom bom, đạn, pháo tìm thấy trong ngày, đào hố sâu, đổ xuống rồi giật bộc phá để hủy. Đời sống vật chất của đơn vị đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bữa ăn của công nhân chủ yếu là: ngô, khoai, sắn… Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhà ở được dựng tạm bằng gỗ, tre, nứa trong rừng, đã thế, bệnh sốt rét hoành hành. Những lúc ấy, anh em động viên nhau xây dựng Điện Biên cũng là mặt trận, đã mang danh là Bộ đội Cụ Hồ nên không có gian khó nào là không thể vượt qua.

Do vậy, khi nhận nhiệm vụ mới, Sư đoàn đã chấn chỉnh lực lượng, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu giữ gìn biên cương Tổ quốc, vừa bắt tay vào nhiệm vụ sản xuất. Không có trâu kéo thì dùng sức người, thiếu công cụ thì hàng trăm lò rèn dùng sắt vụn để sản xuất dao, cuốc xẻng, xà beng kịp khai phá trên 2.000 héc ta ruộng kịp thời vụ. Từ Pa Pe, Hồng Cúm, Tây Trang hình thành khu vực nông trường đầu tiên do Trung đoàn 176 đảm nhiệm. Rồi sửa chữa sân bay Điện Biên, đắp đập hồ Pa Khoang, làm thủy điện hồ Huổi Phạ, xây Đài liệt sĩ đồi A1, mở rộng đường Điện Biên - Tuần Giáo, xây dựng mới bệnh xá, trường học cho các em học sinh đến trường… không khí lao động thật khẩn trương, sôi nổi, đầy hào hứng. Chỉ vài năm sau ngày chiến thắng, nông trường Điện Biên đã định hình và được phủ kín bằng màu xanh bạt ngàn của lúa, ngô, lạc. Lúa được mùa, chuồng trại chăn nuôi mở rộng, đàn gia súc tăng dần, đời sống của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện...

- Nông trường đã mang lại thật nhiều điều giá trị - Mắt người lính già ánh lên niềm vui khi chia sẻ - Tôi đã lập gia đình, vợ tôi cũng là nữ thanh niên xung phong Hà Nội lên đây xây dựng kinh tế mới. Niềm vui trong lao động sản xuất, chúng tôi kết thân và được đơn vị vun vén, tổ chức cho đám cưới tập thể xúc động vô cùng. Chúng tôi có 6 người con, giờ còn 4 người và đang tham gia cơ quan chính quyền của tỉnh. Vậy là vui rồi. Giờ còn hai vợ chồng già chăm sóc cho nhau. Mấy năm trước, bà bị đục thủy tinh thể, tôi cũng vất vả thêm nhiều, nhưng có được sự động viên, hỗ trợ của đồng đội bên cạnh, mọi khó khăn đều vượt qua dễ dàng.

Còn với ông Phạm Bá Miều (phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), những ngày sau chiến thắng Điện Biên là thời kỳ gian khó nhưng đầy nghị lực, quyết tâm để chung sức xây dựng lại bản làng. Ông kể, sau ngày 7-5-1954, vì nhiệm vụ của đơn vị giao, tôi không có thời gian về nhà. Khi đó, gia đình ở quê đã nghĩ tôi hy sinh trong chiến dịch. Đầu năm 1955, nhận được tin báo về, mọi người mới biết tôi còn sống. Thế là ở nhà bắt tay vào mai mối cho tôi với cô du kích xã mà tôi đã gặp nhau trước khi lên đường nhập ngũ. Đám cưới tổ chức cuối năm 1955 mà không có chú rể. Đầu năm 1956, đơn vị cho về phép, cũng chỉ được vài ngày để ra mắt họ hàng hai bên, xong việc, chúng tôi trở lại đơn vị ngay vì khi đó, công việc rất bộn bề.

Lúc bấy giờ gian khổ lắm - Ông Miều nói - Tôi cùng 31 đồng chí được cấp trên giao nhiệm vụ vào xây dựng kinh tế mới cho vùng Mường Tè. Riêng tôi phụ trách 4 xã là Hua Bum, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả. Người Kinh ở đó rất ít, ví dụ như xã Hua Bum chỉ có khoảng 10 người, còn lại là bà con các dân tộc. Đã vậy, đường sá chưa thuận lợi, nhiều bản còn chưa có đường giao thông. Khi xuống với đồng bào, chúng tôi phải đem cơm nắm, túi thuốc bên mình. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chúng tôi học tiếng dân tộc để nói chuyện với đồng bào được dễ dàng.

Người dân tộc Thái vốn sợ bẩn - Ông Miều nói tiếp - Bởi vậy, việc hướng dẫn họ cấy lúa nước hai vụ, bón phân chăm sóc cho đất không hề đơn giản. Việc vận động dân có khi mất nhiều tháng trời. Chúng tôi phải nhờ đến đoàn thể thanh niên, phụ nữ... hướng dẫn họ cách làm, chỉ ra năng suất, lợi ích từ việc này đem lại mới chuyển đổi được nếp nghĩ của bà con. Thành công lớn nhất của chúng tôi lúc đó là đưa được hơn 100 người dân tộc Thái lên Hua Bum khai hoang hơn 3.000m2 đất để làm ruộng nước cho người dân tộc Hà Nhì. Thành công của mô hình này đã mang lại hiệu quả lớn. Bà con tin tưởng vào chính sách của cán bộ và quyết tâm cùng làm. Sau này, ruộng nước khai hoang đó được đặt tên là ruộng Đoàn Kết...

60 năm đã đi qua, mảnh đất Điện Biên này đã trở thành quê hương thứ hai của ông Miều. Hai con ông đều đã phương trưởng. Con gái lớn (sinh năm 1963), giờ làm tại Cục Thuế của tỉnh, con trai út (sinh năm 1966) hiện đang làm Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên. Ông bà đã có 6 cháu (trong đó 4 cháu đã và đang học đại học ở Hà Nội) và 2 chắt.

Chia tay ông Miều khi phố xá đã lên đèn từ lâu. Nhìn các nẻo đường thành phố Điện Biên Phủ rộn ràng cờ hoa chuẩn bị đón ngày lễ lớn, chợt nghĩ đến bao mồ hôi, xương máu của những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã dổ xuống mảnh đất này để dựng xây nên Tây Bắc tươi đẹp như ngày hôm nay. Những hy sinh, đóng góp của họ đã góp phần viết lên trang sử vẻ vang và tự hào của dân tộc và sống mãi trong lòng người dân Tây Bắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tự hào người lính Cụ Hồ (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.