Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Triển khai nhanh, đồng bộ

Hà Vũ - Hương Ly| 21/02/2023 06:31

(HNM) - Để hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với chiều dài 58,2km đúng tiến độ được Trung ương giao, việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô cùng vào cuộc là yếu tố quyết định trực tiếp đến sự thành công của dự án. Với tinh thần rất khẩn trương và đồng bộ, các địa phương có dự án đi qua đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đề cao vai trò gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Thi công Dự án cải tạo, chỉnh trang hoàn thiện nghĩa trang tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) phục vụ giải phóng mặt bằng của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Từ sự vào cuộc quyết liệt...

Với tổng diện tích đất phải thu hồi để triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đường Vành đai 4) lên tới 798,01ha; 16.633 hộ dân có đất thu hồi và di dời 11.687 ngôi mộ ngay trong năm 2023, công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án là nhiệm vụ khó, chưa từng có tiền lệ đối với thành phố Hà Nội. Để bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ, các địa phương liên quan đã thực hiện đồng loạt công tác rà soát, thẩm định hồ sơ, ban hành quyết định thu hồi đất, di dời mộ, tổ chức công tác đền bù và chuẩn bị phương án hỗ trợ tái định cư cho người dân.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, dự án đường Vành đai 4 đoạn địa phận huyện Đan Phượng có chiều dài 6,3km, đi qua 4 xã Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội và thị trấn Phùng. Tổng diện tích đất phải giải phóng mặt bằng khoảng 74,8ha, liên quan đến 1.789 hộ gia đình. Nhận thức sâu sắc đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm quốc gia, ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố, Đan Phượng đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 10 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến triển khai thực hiện dự án. Công tác tuyên truyền cũng được chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, như: Đưa nội dung tuyên truyền về dự án vào 5 số Thông tin nội bộ, phát hành 7.960 bản, gửi tới 38 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy; đăng 157 bài tuyên truyền về dự án trên các trang mạng xã hội của huyện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã tuyên truyền sâu rộng tới đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án.

Đáng chú ý, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn thường xuyên nắm tình hình dư luận, nhân dân. Các đồng chí Thường trực Huyện ủy thường xuyên xuống thực địa để theo dõi tiến độ giải phóng mặt bằng và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, Huyện ủy Đan Phượng cũng chỉ đạo UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể và 4/5 xã, thị trấn tiếp tục tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng. Tính riêng thị trấn Phùng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 1ha.

“Song hành với việc công khai các quy hoạch, kế hoạch, chủ trương, chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Đan Phượng đã thực hiện phương châm “kiên trì đeo bám” để tuyên truyền, vận động. Kết quả, huyện đã giải phóng mặt bằng được 19,08/74,8ha đất, di chuyển được 440/1.678 ngôi mộ”, đồng chí Trần Đức Hải chia sẻ.

Tại quận Hà Đông, tổng diện tích đất thu hồi giải phóng mặt bằng là 66,971ha, trong đó phải thu hồi khoảng 4.300m2 đất ở và đất có công trình xây dựng của 153 hộ gia đình, cá nhân thuộc phường Yên Nghĩa. Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo sát sao nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận triển khai dự án, song hành với việc rà soát hồ sơ đất đai và thường xuyên tổ chức giao ban trực tiếp với UBND các phường để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Còn Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Thanh Tú cho biết, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của thành phố và huyện Hoài Đức về triển khai dự án đường Vành đai 4, khối dân vận đã bắt tay vào cuộc, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền xã, thôn đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của dự án. Trong những tháng cuối năm 2022, các tổ dân vận đã tập trung tuyên truyền người dân di dời các phần mộ, bởi đây là thời điểm thuận lợi theo phong tục tập quán địa phương.

Việc nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cũng được đặc biệt coi trọng. Nhiều cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã tự nguyện di dời mộ tổ hay nghĩa trang dòng họ với quy mô lớn, giúp nhiều người dân ban đầu còn băn khoăn, lo ngại đã yên tâm chuyển mộ sang các khu đất mới. Sự động viên, ủng hộ của tăng ni, các nhà tu hành tại các chùa trên địa bàn huyện cũng giúp người dân an tâm khi thực hiện di dời các phần mộ.

Kết quả, đến nay, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) đã hoàn thành việc di dời hàng trăm ngôi mộ. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp người dân hiểu và nắm rõ vai trò, tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4. Từ những lợi ích được thụ hưởng, người dân đã đồng tình, ủng hộ và vượt qua lo lắng về vấn đề tâm linh khi di chuyển hàng nghìn ngôi mộ ở các thôn, xã có dự án đi qua.

... đến sự ủng hộ của nhân dân

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, để bảo đảm thời hạn bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án vào cuối năm 2023, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng của dự án và những lợi ích mà các địa phương có dự án đi qua được thụ hưởng là yếu tố quyết định sự thành công. 

Chính vì vậy, ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 13-9-2022 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội”, hệ thống dân vận thành phố đã tích cực vào cuộc, tuyên truyền nhân dân đồng thuận triển khai dự án.

Ban Dân vận Thành ủy đã khảo sát tình hình tổ chức vận động nhân dân với việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tại các quận, huyện: Hà Đông, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh và tổ chức giao ban chuyên đề về công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nói trên.

Tại các địa phương có dự án đi qua, Ban Dân vận cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, khối dân vận, tổ dân vận của các phường, xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Qua đó hướng tới mục tiêu bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi theo quy định. Khối dân vận phường, xã phối hợp chặt chẽ với tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố, tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết khi có tình huống phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Kết quả, đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án khá thuận lợi và không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ông Phạm Việt Hùng (tổ dân phố số 4, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) chia sẻ, gia đình ông có 299m2 đất sẽ phải thu hồi toàn bộ để triển khai dự án đường Vành đai 4.

“Hiện gia đình chúng tôi đang kinh doanh đồ điện và tạp hóa, có thu nhập mỗi tháng lên tới hàng chục triệu đồng. Song, chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng, đồng thuận với chủ trương lớn của Trung ương và thành phố. Một số hộ dân sẽ phải hy sinh lợi ích cá nhân nhưng bù lại, cũng sẽ mở ra những bước tiến vượt bậc, giúp thành phố trở nên khang trang, hiện đại hơn”.

Ông Đỗ Văn Thịnh (nhà số 34, cụm 1, thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) cũng cho biết, tổng diện tích đất gia đình phải thu hồi là 169m2. Thông qua các kênh thông tin, tuyên truyền của huyện, xã, gia đình đã nắm rõ chủ trương của Nhà nước và những lợi ích do dự án mang lại nên sẵn sàng bàn giao mặt bằng... Song, mong muốn của ông Thịnh và những gia đình có đất phải thu hồi là được bồi thường sát với giá đất trên thị trường và sớm được đền bù để ổn định cuộc sống.

Để có được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân, bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hoàn thành sớm và chính xác hồ sơ thu hồi đất và xác định giá đền bù, các quận, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi của những hộ dân trong việc hỗ trợ tái định cư.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, sau khi dự án đường Vành đai 4 hoàn thành, việc trao đổi hàng hóa trên địa bàn sẽ thuận lợi hơn, mang lại lợi thế phát triển to lớn cho Hoài Đức trong bối cảnh huyện đang hoàn thiện các tiêu chí phát triển lên quận. Chính vì vậy, song hành với việc tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ những lợi ích mà dự án mang lại, huyện đã quyết định dành 2 lô đất đã hoàn thiện hạ tầng để đấu giá đất làm địa điểm bố trí tái định cư phục vụ dự án.

“Vị trí của các lô đất tái định cư đẹp, giao thông thuận lợi và có giá trị kinh tế cao đã giúp các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất yên tâm chuyển đến vị trí ở mới, không làm phát sinh khiếu nại, tố cáo”, đồng chí Nguyễn Hoàng Trường nhìn nhận.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội đã đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy vậy, trên thực tế, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự dấn thân, nhiệt huyết hơn nữa và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong quá trình thực thi các nhiệm vụ liên quan của đội ngũ cán bộ cơ sở cùng các cấp, ngành chức năng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Triển khai nhanh, đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.