Tuy không sinh ra ở Vienna nhưng nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại như Johannes Brahms, Ludwig van Beethoven… cũng đã chọn thành phố này để sinh sống gần cả cuộc đời. Rất nhiều tuyệt phẩm âm nhạc của nhân loại đã bay bổng tại đây. Âm nhạc chính là hồn cốt của thành phố xinh đẹp này.
|
Các dàn nhạc giao hưởng của Vienna đều lừng danh thế giới. |
Thành phố của những nhà hátThời hoàng kim, Vienna là trung tâm văn hóa, âm nhạc lừng danh của giới quý tộc Châu Âu nên những người kiệt xuất nhất lục địa này đều quy tụ về đây. Tài năng của họ đã kết tinh thành di sản cho nước Áo và cho cả nhân loại. Căn nhà khiêm tốn, mộc mạc bên đường có treo quốc kỳ kia là nơi cư ngụ của Franz Schubert, tác giả bản "Ave Maria", "Serenade" và 300 ca khúc bất hủ. Lang thang trên phố, bạn dễ dàng "gặp" Beethoven, nhạc sĩ Gustav Mahler, đại thi hào Goethe, danh họa Gustav Klimt, Egon Schiele, nhạc trưởng huyền thoại Herbert von Karajan… Xa kia là bức tượng lấp lánh ánh vàng của Johann Strauss, ông vua các bản nhạc valse với cây violon trên tay, như đang quay tròn trong điệu valse bất hủ của thành Vienna: "The blue Danube". Không xa lắm là bảo tàng của Sigmund Freud, cha đẻ thuyết phân tâm học, một Viennese (người Vienna) đích thực và nhà lưu niệm Stefan Zweig, văn sĩ Áo nổi tiếng với những tác phẩm day dứt biết bao thế hệ. Còn thiên tài Mozart - ánh mặt trời vĩnh hằng của âm nhạc - thì xuất hiện ở khắp nơi, từ những poster đến vỏ hộp kẹo chocolate hình cây đàn violon. Hình ảnh của nhà soạn nhạc đã trở thành thương hiệu hấp dẫn ngang với những bản concerto của ông.
Âm nhạc là niềm say mê, là phần không thể thiếu của đời sống dân thành Vienna. Tôi chẳng ngạc nhiên khi bắt gặp giai điệu của các bản nhạc ở tận cùng con hẻm hẹp nhất ở Vienna. Cho đến nay, Vienna vẫn giữ được danh hiệu Thành phố của âm nhạc - "City of Music". 300 nhà hát kịch và phòng hòa nhạc danh tiếng được phân bố khắp thành phố: Nhà hát Opera quốc gia Vienna, Nhà hát Opera Nhân dân Vienna, Nhà hát Hoàng cung, Nhà hát Học viện, Nhà hát Nhân dân, Nhà hát Josefstadt, Nhà hát Goldener Musikvereinsaal… Có lẽ, Vienna là thủ đô có nhiều nhà hát nhất thế giới. Nổi tiếng nhất là Nhà hát Opera quốc gia Vienna (Vienna Opera House), được tôn vinh là Trung tâm ca kịch của thế giới, mỗi năm tổ chức 300 buổi biểu diễn. Vienna Opera House được xây từ năm 1861- 1869, kiến trúc tuyệt mỹ mang phong cách La Mã. Toàn bộ công trình có 6 tầng với sức chứa 1.600 chỗ ngồi, tầng 6 có thể phục vụ gần 600 khán giả đứng xem. Muốn thưởng thức vở Don Giovani nổi tiếng của Mozart, bạn phải bỏ ra từ 215 đến 247 euro (6.450.000 đồng đến 7.410.000 đồng) tùy vị trí ngồi. Khán giả có nhiều lựa chọn hơn khi xem vở Rusalka của Antonin Leopold Dvorak, nhà soạn nhạc vĩ đại người Séc với giá vé từ 65 đến 265 euro (từ 1.950.000 đồng đến 7.950.000 đồng). Cũng có thể chỉ cần bỏ ra vài chục euro (tính ra cũng tiền triệu), nếu chấp nhận đứng trong suốt buổi biểu diễn trên tầng 6. Nhà hát luôn kín chỗ, nếu muốn xem bạn phải xếp hàng từ sớm, thậm chí phải chờ đến 90 phút mà có khi còn không mua được vé.
|
Nhà hát hoàng cung. |
Vienna Concert Hall là phòng hòa nhạc cổ nhất và cũng... hiện đại nhất thành phố được xây dựng từ năm 1867. Kiến trúc cổ kính, trang nhã theo phong cách Phục hưng Italia với tượng, phù điêu và nội thất trang trí rất tinh xảo. Bốn dàn nhạc giao hưởng của Vienna và cũng là những dàn nhạc giao hưởng lừng danh thế giới thường xuyên trình diễn ở đây. Một trong số đó là Vienna Philharmonic Orchestra. Các dàn nhạc danh tiếng của thế giới cũng thường mang tới đây những buổi trình diễn nhiệt huyết dành cho công chúng Vienna sành âm nhạc. Khi màn đêm buông xuống, cả nhà hát rực rỡ dưới muôn nghìn ngọn đèn lung linh đủ màu sắc. Vẻ đẹp lộng lẫy của nhà hát cũng mang đến cho khán giả không khí lễ hội hết sức đặc biệt. Vô số câu lạc bộ jazz, khiêu vũ… hoạt động nhộn nhịp hằng đêm khiến cư dân thành phố và du khách luôn được sống trong những bữa tiệc âm nhạc mỗi ngày. Hằng năm, vào mùa Fasching (lễ hội Canirval), có khoảng 300 buổi khiêu vũ được tổ chức tại Vienna, trong đó nổi tiếng nhất là bữa tiệc khiêu vũ tại Nhà hát Opera quốc gia. Tại buổi khiêu vũ đặc biệt này, mọi người đều phải mặc trang phục cung đình thời xưa.
Đến nhà của Mozart (Mozarthaus), tham quan nơi thiên tài âm nhạc sống và sáng tạo những tác phẩm bất hủ, tôi hiểu được tại sao Vienna lại là mạch nguồn của nền âm nhạc cổ điển thế giới. Năm 1784, Mozart thuê căn nhà này để ở cùng vợ và hai con lúc tên tuổi đã vang danh thiên hạ. Đây cũng là căn nhà Mozart gắn bó nhất, ông ở đây trong ba năm (1784-1787). Năm 27 tuổi, Wolfgang Amadeus Mozart đã nằm trong top những người giàu nhất nước Áo. Hoàng tử Áo luôn đứng đầu danh sách khán giả trong các buổi hòa nhạc của ông. Học sinh từ khắp Châu Âu đổ về nhà Mozart học piano. Ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ XVII, vị trí rất đẹp và rộng rãi, nằm ở trung tâm khu phố cổ, gần nhà thờ St.Stephan. Đến Mozarthaus không chỉ được nghe "Cây sáo thần" (Magic Flute) dưới dạng kịch 3D hấp dẫn, "Don Giovanni" hay Đám cưới Figaro (The marriage of Figaro) mà còn được biết thêm những câu chuyện về tình bạn cao đẹp ông với Haydn hay cái chết bí ẩn của Mozart. Năm 1941, kỷ niệm 150 năm ngày mất của Mozart, căn nhà lần đầu được mở cửa cho công chúng. Năm 2004, hội đồng thành phố Vienna đã thiết kế lại và nâng cấp toàn bộ Mozarthaus, công trình được hoàn thành năm 2006 - "Năm Mozart", nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông. Mozarthaus (bao gồm cả tầng hầm mở rộng) ngày nay đã trở thành bảo tàng dành riêng cho việc trưng bày những hiện vật về quá trình sáng tác và cuộc sống của nhà soạn nhạc vĩ đại.
|
Mộ Beethoven tại Vienna |
Nơi khởi nguồn âm nhạc lãng mạnVienna không chỉ sản sinh ra một trường phái âm nhạc mang tên "Trường phái âm nhạc cổ điển Vienna" nổi tiếng mà còn khởi nguồn của trường phái âm nhạc khác: Trường phái âm nhạc lãng mạn, với những tuyệt phẩm: Sô-nát Ánh trăng (Moonlight sonate) của L.Beethoven, Sông Danube xanh (The blue Danube) của J.Strauss, Dạ khúc (Serenade) của F.Schubert… Biết bao lần, tôi nghe Serenade của Franz Schubert nhưng chỉ ở nơi đây, trong quán cà phê kỳ lạ ở độ cao hơn 250 mét trên tháp Danube, công trình kiến trúc hiện đại hiếm hoi của Vienna, ngắm thủ đô cổ kính 2000 năm tuổi chìm dần trong ánh hoàng hôn, tôi mới cảm hết cái hồn của bài hát và thẩm thấu từng nốt nhạc... Giai điệu chầm chậm trôi như từng sợi hoàng hôn đang nhẹ nhàng buông xuống, kéo theo một nỗi buồn da diết, mênh mang. Tiếng réo rắt của cây đàn violin như thôi miên, dẫn dụ người nghe vào một buổi chiều xa lắc. Serenade của Schubert đã được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ (bản dịch tiếng Việt của nhạc sĩ Phạm Duy có tên là Dạ khúc được ca sĩ Thái Thanh, Lệ Thu và Lê Dung trình bày rất thành công) và được chuyển soạn cho nhiều nhạc cụ như piano, guitar, mandolin, flute... nhưng có lẽ chỉ violin mới chuyển tải đầy đủ hết được cái hồn của Serenade. Tiếng vĩ cầm réo rắt như tia nắng cuối ngày buông trên dòng Danube, trút nỗi bâng khuâng, day dứt hồn ai…
Đợi chờ em, anh ngỏ lời ước nguyện
Đến bên em khi chiều buông
Cảnh rừng vắng, nơi rừng chiều lắng
Tiếng ca yêu đương đang chờ mong
Kìa trong lá, thoáng nghe lời thì thầm
Chim làm xao xuyến trăng thanh
Chim làm rung trái tim anh
Nào ai thấy, ai nghe được nào!
Tình ta hòa trong ánh trăng sao
Yêu… lòng ta đến tìm nhau.
Người nghệ sĩ tài hoa với cuộc đời mỏng manh, ngắn ngủi ấy đã phải đau đớn thốt lên: "Khi tôi muốn ca hát về tình yêu thì tình yêu lại biến thành đau khổ. Nhưng khi tôi chỉ muốn hát về đau khổ thì đau khổ lại hóa thành tình yêu".
|
Hộp kẹo socola Mozart |
Khúc dạo đầu bằng tiếng vĩ cầm chợt uốn cong lên rồi rơi xuống, rơi mãi xuống đến tận cùng của tâm hồn. Những tiết tấu nhảy lên cao trào cùng với phần đệm piano đầy xao xuyến. Khi tiếng hát ngân lên cất tiếng gọi người tình, nhạc dâng lên cao rồi chìm sâu trong nỗi sầu muộn khôn nguôi nhưng đâu đó vẫn thoảng niềm hy vọng trong nỗi tuyệt vọng, giai điệu trong sáng nhưng mãnh liệt và tha thiết nồng nàn. Schubert viết tuyệt phẩm âm nhạc này chỉ trong giây lát. Một ngày chủ nhật năm 1826, trên đường trở về thành phố, đi qua Wahring, ông thấy bạn mình đang ngồi bên chiếc bàn trong một khu vườn, trước mặt là một cuốn sách và Schubert đọc lướt qua, đột nhiên ông reo lên: "Một giai điệu tuyệt vời vừa vang lên trong đầu tôi, giá mà tôi có giấy chép nhạc bây giờ". Người bạn lập tức vẽ vài khuông nhạc lên mặt sau tờ hóa đơn và trong cái huyên náo của quán ăn ngày chủ nhật, giữa tiếng dao nĩa, giữa những người bồi bàn hối hả chạy qua chạy lại và bản Serenade bất hủ đã ra đời trong khung cảnh ấy, tuyệt phẩm dành cho những tâm hồn mãi rung động, thổn thức trước tình yêu…
|
Tượng nhạc sĩ vĩ đại J.Strauss tai Vienna |
Nếu Serenade là một lời tỏ tình tuyệt vời bằng âm nhạc, một bức tranh toàn bích, sâu lắng thì Sô-nát Ánh trăng của Beethoven là những cảm xúc kỳ diệu về một tình yêu lãng mạn mà Vienna thơ mộng đã khiến cho cảm hứng sáng tạo của nhà soạn nhạc dâng tràn. Beethoven đem lòng yêu say đắm học trò của mình là nàng Giulietta Guicciardi. Cô thiếu nữ dường như cũng biết điều đó nhưng nàng vẫn chỉ im lặng khiến Beethoven càng thêm hy vọng. Thế nhưng, khi Beethoven thổ lộ tình cảm thì bị Giulietta cương quyết cự tuyệt. Tuyệt vọng và đau đớn, đêm đó Beethoven lang thang vô định trong thành phố Vienna. Cảm giác cô độc khi ông đứng trên cây cầu bắc qua dòng Danube xinh đẹp. Đó là một đêm trăng rất sáng. Beetthoven sực tỉnh khi đắm mình trong một không gian tĩnh lặng ngập tràn ánh trăng trên dòng Danube huyền ảo. Thành Vienna đã chìm vào giấc ngủ từ lâu, chỉ còn người nhạc sĩ đau đáu một mối tình đơn phương cô độc giữa đất trời thấm đẫm ánh trăng. Đâu đây tiếng dương cầm vang lên xa vắng, tiếng đàn như hút hồn dẫn bước chân Beethoven đi vô thức đến một ngôi nhà trong khu lao động nghèo. Ở đó chỉ có người cha đang ngồi nghe cô con gái mù chơi dương cầm. Người cha đau khổ nói với Beethoven rằng con gái mình chỉ có một ước mơ duy nhất trong đời là được ngắm ánh trăng trên dòng Danube, nhưng ông chẳng bao giờ có thể đem đến cho con niềm hạnh phúc giản đơn ấy. Xúc động trước tình cảm của người cha dành cho con và ngạc nhiên trước tiếng dương cầm thánh thót của người thiếu nữ mù, Beethoven ngồi vào cây đàn và bắt đầu chơi. Những nốt nhạc vang lên ngẫu hứng, ào ạt dâng theo cảm xúc mãnh liệt của nhà soạn nhạc thiên tài, lúc nhẹ nhàng dịu dàng như ánh trăng, lúc lại mạnh mẽ mênh mang như sóng sông Danube. Dường như không còn cuộc sống vất vả với những lo toan thường nhật, không còn những mảnh đời đau khổ, những bi thương tuyệt vọng mà chỉ còn một thế giới huyền ảo, lung linh như cổ tích. Tiếng nhạc ngân lên trong ánh trăng, thấm đẫm trong ánh trăng, dào dạt trong ánh trăng và đọng lại từng giọt cảm xúc đầy khát vọng muốn bứt ra khỏi lời nguyền của số phận.