(HNM) - Trong khi Bộ GD-ĐT cố gắng để tạo nguồn tuyển dôi dư để thêm điều kiện cho các trường nhóm dưới có thể tuyển thí sinh bằng các nguyện vọng bổ sung, thì việc các trường
Trường ngại ngần, thí sinh miễn cưỡng
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2013 có gần 1,7 triệu lượt thí sinh dự thi ĐH, CĐ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ hơn 323.000. Với điểm sàn đã xác định, số thí sinh có điểm trên sàn lên tới trên 562.000 em. Như vậy có tới 238.000 thí sinh "dôi dư" và bước vào cuộc đua xét tuyển nguyện vọng bổ sung, gần gấp đôi so với năm 2012 là 141.000 thí sinh.
Việc tuyển sinh vào các trường nhóm dưới bằng nguyện vọng bổ sung liệu có bảo đảm chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực? Ảnh: Nhật Nam |
Nguyện vọng bổ sung, hay theo cách gọi cũ là nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, là một cách giúp các thí sinh điểm cao có chỗ học sau khi không đỗ nguyện vọng đầu tiên. Nhờ đó, họ không "trượt vỏ chuối" khỏi cuộc đua một cách oan uổng vì không phán đoán được tình thế, trót đăng ký vào ngành, trường học có yêu cầu vượt quá học lực của mình. Về phía các trường, trên lý thuyết, đây cũng là cách để nâng cao chất lượng "đầu vào". Thay vì phải hạ điểm chuẩn để có đủ chỉ tiêu, họ vẫn ấn định mức điểm chuẩn cao và để dành chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung với điểm xét tuyển không hề thấp.
Mặc dù các chuyên gia tuyển sinh đều khuyên thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 rằng hướng nghiệp trước, hướng trường sau và năm nay, cơ hội nguyện vọng 2 rất rộng, nhưng nhìn vào số thí sinh dôi dư trên điểm sàn, số trường ĐH có số thí sinh dôi dư đạt từ sàn trở lên không trúng tuyển NV1 lên tới 272 trường, thì cơ hội cho thí sinh ở cuộc đua NV2 vào trường ĐH công rất gay gắt. Điều này dẫn tới tình trạng, nhiều thí sinh hạ thấp dần "nguyện vọng", miễn sao lọt qua cánh cổng trường đại học, bất kể trường đó, ngành học đó có phù hợp năng lực, sở thích của bản thân hay không. Điều này không khỏi ảnh hưởng tới động lực và chất lượng học tập của sinh viên sau này. Chính vì thế, nhiều trường không mặn mà với việc tuyển bổ sung. Mặc dù Trường ĐH Thủy lợi mỗi năm vẫn dành hàng trăm chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung cho các ngành mới, Hiệu trưởng Nguyễn Quang Kim vẫn bày tỏ sự ngại ngần với đối tượng thí sinh này. Theo ông, tâm lý của nhà tuyển sinh vẫn muốn chọn những thí sinh có thể điểm không cao nhưng quyết tâm thi và theo đuổi mục tiêu từ đầu hơn là những thí sinh điểm cao trượt từ trường khác về.
Khi nguyện vọng chỉ để "trú chân"
Vì miễn cưỡng phải học nên những sinh viên trúng tuyển từ nguyện vọng bổ sung thường không chí thú học tập. Thiếu động lực, không có niềm say mê của người học, chất lượng đào tạo không thể không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, nhiều em chỉ coi nguyện vọng 2 là chỗ trú chân để năm sau lại rút ra khỏi trường và thi tiếp. Với các trường ngoài công lập, tình trạng "xí chỗ" rồi năm sau thi sang trường khác khiến nhà trường thường phải dự trù dư ra một tỷ lệ khoảng 10% chỉ tiêu để lấp chỗ trống cho số thí sinh "rơi rụng".
Có ý kiến cho rằng, cần có một thống kê về tình trạng này và nếu con số là quá lớn thì cần xem xét lại vấn đề xét tuyển theo nguyện vọng bổ sung. Bởi vô hình trung, việc thí sinh dấn bước vào nguyện vọng 2 là ít nhiều đi ngược lại quan điểm hướng nghiệp mà các nhà tuyển sinh vẫn nhấn mạnh: Thí sinh hãy chọn ngành nghề dựa trên sở trường, sự say mê, phù hợp với năng lực bản thân và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thời gian vừa qua, một số địa phương đã có phản ứng tiêu cực với chất lượng nguồn nhân lực bằng cách không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoặc hệ đào tạo tại chức, liên thông, văn bằng 2... Ngoài nguyên nhân mà các đơn vị tuyển dụng đưa ra là chất lượng đào tạo và học tập ở những loại hình trên không đạt chất lượng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, nhiều sinh viên theo học những hệ đào tạo này chỉ học theo kiểu "điểm danh" để có tấm bằng tốt nghiệp thay vì tập trung học để lấy kiến thức thực sự. Tuy chưa nhắc tới đối tượng sinh viên hệ chính quy vào ĐH bằng nguyện vọng "dự bị", cốt chỉ để lấy một chỗ học, nhưng theo ý kiến của không ít giảng viên, do động lực không tích cực trong học tập, lại "ngồi không ấm chỗ" nên những sinh viên này rất "thiếu lửa" trong học tập. Theo một khảo sát của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chỉ có 50% số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 đang là sinh viên năm thứ nhất tự nhận là mình đã chọn được nghề phù hợp với sở thích. Điều đó lý giải vì sao khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách thuộc Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), với trên 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp, trong số 73,8% người có việc làm tạo ra thu nhập thì 2/3 không thỏa mãn với công việc của mình, 61% tự nhận xét mình thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm và 32% thiếu kiến thức chuyên môn.
Mặc dù lựa chọn ngành học, trường học là do thí sinh hoàn toàn tự nguyện, song không thể phủ nhận rằng, cách tuyển sinh này cũng tạo nên một sự lãng phí không nhỏ về tiền của, thời gian cho người học và ảnh hưởng không tốt tới nguồn nhân lực của xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.