Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Thành tựu và sự hạn chế

Hải Giang| 17/01/2014 06:14

(HNM) - Với nội hàm rộng, khái niệm

Trước hết, phải nói phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) là một trong 10 nhiệm vụ của NQ TƯ 5. Nhiệm vụ ấy xét đến cùng thì chính là để VHNT với "thiên chức của lương tâm", như nhà thơ Hữu Thỉnh từng nói, hòng đưa văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng con người, từng gia đình… Và "VHNT qua lương tâm để đánh thức lương tâm, qua cái đẹp và sự thật để cảm hóa con người". Có con người văn hóa chúng ta mới có "nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Sự mật thiết hữu cơ của VHNT với NQ TƯ 5 là như thế!

“Bao giờ cho đến tháng Mười”, bộ phim của điện ảnh Việt Nam được giới phê bình điện ảnh thế giới đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất Châu Á mọi thời đại.



Trước hết, xin đi sâu vào đời sống văn học và điện ảnh để làm rõ câu chuyện này bởi vai trò đặc biệt của nó trong đời sống VHNT nói chung và dấu ấn mạnh mẽ thời đại phản chiếu qua chúng trong hơn một thập kỷ qua.

Nhìn lại bối cảnh trước khi có NQ TƯ 5, nhà thơ Huy Cận năm 1994 đã viết: "Chỗ yếu của chúng ta là vốn văn hóa văn nghệ dân tộc chưa thật thấm sâu vào các mặt sáng tạo và sinh hoạt văn hóa"… Điện ảnh lúc ấy vẫn trong "dư chấn" của cơn bão phim "mỳ ăn liền", nhưng không phải là không có những tác phẩm "dự báo" tinh thần NQ TƯ 5 như "Thương nhớ đồng quê", "Ai xuôi vạn lý"... Văn học cũng đầy những băn khoăn tìm đường sau hơn 10 năm đổi mới.

Phải nói, NQ TƯ 5 với tinh thần tiếp tục khẳng định vai trò của VHNT, sau 15 năm đã tiếp tục tạo nên những đổi thay đáng kể: Tính chủ động trong hoạt động sáng tạo trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết, không chỉ trong sự đa dạng phong phú của đề tài, trong chiều sâu ngóc ngách của thân phận con người, của các vấn đề thời cuộc mà còn trong cách thức thể hiện.

Với điện ảnh, chúng ta đã có được "Mùa ổi", "Đời cát", "Bến không chồng", "Chiếc chìa khóa vàng", "Chuyện của Pao", "Đừng đốt", "Mùi cỏ cháy"… Ít ai biết rằng kịch bản "Đời cát" từng bị từ chối vì lý do quá bi thảm, nhưng lãnh đạo mới của Hãng Phim truyện Việt Nam khi đó là nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát với tinh thần cởi mở đã ủng hộ và đưa phim vào sản xuất. Lòng nhân ái bao dung, đức hy sinh của người Việt Nam trong "Đời Cát" vẫn bộc lộ vẹn nguyên sức mạnh của nó ở thời đại mới. Những góc khuất, những nỗi đau trong tâm hồn con người và khát vọng sống hạnh phúc không bị né tránh và đầy ám ảnh.

Về bản chất, đó là sự gặp nhau một cách tự nhiên của người nghệ sĩ với những điều mong mỏi, khẳng định ở NQ TƯ 5 về văn hóa. Qua đây chúng ta phần nào tìm thấy lời giải đáp cho chính những băn khoăn hôm nay: Hệ giá trị nào cho con người Việt Nam trong thời đại mới; cái gì cần tiếp thu, bảo lưu từ truyền thống, điều gì cần thay đổi?

Cũng như vậy, với văn học, TS Lê Thành Nghị (Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng: "Câu nói nổi tiếng ngày nào về cởi trói cho văn nghệ, đến thời điểm này càng được chứng minh, thể hiện trong việc thỏa mãn sự tự do sáng tạo của người viết". Cũng theo ông "nhiều đề tài nhạy cảm động trời như cải cách ruộng đất đã được phản ánh, nghiền ngẫm". Với không khí ấy, chúng ta có "Ba người khác" của Tô Hoài, "Đội gạo lên chùa" của Nguyễn Xuân Khánh… Văn học, bằng cái nhìn tinh tế, biện chứng và nồng hậu của người viết, khiến chúng ta trở nên "người hơn" trong nhìn nhận quá khứ và ứng xử với hiện tại.

Đáng mừng hơn là không chỉ những lão nhà văn như Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh… mà cả các cây bút trung tuổi, trẻ tuổi cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới đề tài lịch sử, như Trần Thùy Mai, Uông Triều... Đặc biệt văn học dân tộc thiểu số những năm qua có những tiếp nối xứng đáng. Trang viết của Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy... lay động lòng người bởi vẻ đẹp đời sống, tâm hồn các dân tộc miền núi. Dám chắc, những tác phẩm ấy đầy tinh thần NQ TƯ 5, dù không một dòng, một chữ kêu gọi việc giữ gìn bản sắc dân tộc.

Còn nói về văn nghệ dân gian, cứ nhìn vào sức làm việc khủng khiếp của "ông lão" Tô Ngọc Thanh và các nhà nghiên cứu khác, chúng ta hiểu rằng dẫu không ít nhọc nhằn, nhưng nhờ tinh thần "văn hóa là mục tiêu, động lực của phát triển" mà hàng vạn, hàng vạn trang nghiên cứu về văn học dân gian các dân tộc thoát khỏi cảnh mối mọt, dần được công bố.

Phải nói, tất cả những biểu hiện ấy làm cho VHNT ngày một gần hơn với sứ mệnh tham gia xây dựng nhân cách con người, mà rõ ràng không thể nào phủ nhận là nó không được nảy nở từ một bầu không khí có sự cổ vũ của một Nghị quyết về văn hóa.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn chúng ta nhận thấy văn học nghệ thuật sau 15 năm đón nhận luồng gió từ NQ TƯ 5 vẫn tiến những bước chưa đủ lực.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh thừa nhận: "Xuất hiện quá nhiều những tác phẩm làng nhàng, vô thưởng, vô phạt mà bệnh chung là xa rời đời sống". Còn theo nhà báo Hữu Thọ: "Văn học chúng ta vẫn còn nợ đất nước, nợ nhân dân nhiều lắm".

Điện ảnh được đánh giá là lĩnh vực phát triển mạnh trong hơn một thập kỷ qua, đến nay có 15 doanh nghiệp (trên tổng số 250 doanh nghiệp được phép sản xuất phim) thường xuyên hoạt động tạo ra 50-60% tổng sản lượng điện ảnh cả nước. Nhưng, với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh thì: "Thành tựu" của điện ảnh gần đây là tạo ra một nền điện ảnh giải trí lấn át nền điện ảnh từng coi bản sắc dân tộc tự nhiên như cơm ăn nước uống, như hơi thở hằng ngày.

Bên cạnh đó, "đội phản ứng nhanh" của lý luận phê bình vẫn còn dùng dằng, chậm chạp... trên mặt trận VHNT nóng bỏng do biến động nội tại cũng như sự xâm lăng của "diễn biến hòa bình" do thế lực thù địch tiến hành.

Con người chúng ta mất gì khi thiếu vắng VHNT, rộng hơn là thiếu vắng một nền văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc?

Lại nhớ đến đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy với một câu nói đầy day dứt: "Suy cho cùng thì vấn đề của xã hội Việt Nam bây giờ chính là vấn đề nhân cách". Và nói như nhà văn trẻ Phan Việt (hiện giảng dạy đại học tại Mỹ) thì "Cần quá nhiều nhận thức và sự dũng cảm để sống một cuộc sống thật sự trong thế giới này". Theo thiển ý của người viết, sự nhận thức ở đây phải là câu chuyện của văn hóa, trong đó có trách nhiệm của VHNT với bồi đắp nhân cách con người.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Thành tựu và sự hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.