(HNM) - Hơn 3 năm đi vào cuộc sống, Luật Thủ đô đã tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc, tạo đà cho Hà Nội phát triển, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục.
Xe buýt nhanh đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Ảnh: Anh Tuấn |
Chủ động quản lý, điều hành
Ngay khi Luật Thủ đô có hiệu lực, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 14 nghị quyết, 2 quyết định cụ thể hóa luật trên các lĩnh vực giáo dục, quy hoạch kiến trúc, giao thông - vận tải, môi trường, tài chính, đầu tư. Trong đó, riêng lĩnh vực quy hoạch - xây dựng, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND nêu rõ tỷ lệ, diện tích nhà ở xã hội trong các khu đô thị; kèm theo đó, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông - vận tải được ưu tiên đầu tư.
Đơn cử như lĩnh vực vận tải. Nếu năm 2013, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố chỉ có 86 tuyến, đến nay đã tăng lên 92 tuyến, vận hành 12.890 lượt xe/ngày, phủ khắp các khu vực đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Gần đây, Hà Nội đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh BRT, từng bước hình thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Luật Thủ đô không chỉ tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, kiểm tra mà còn đưa ra định hướng rõ ràng để Thủ đô xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục của cả nước. Điều 12 của luật đã quy định rõ những nội dung về phát triển giáo dục và đào tạo. Cụ thể, Hà Nội phải thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, phải xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đạt chất lượng cao. Qua 3 năm, đã có 11 trường được thành phố ra quyết định công nhận trường chất lượng cao và 14 trường đang thí điểm xây dựng theo các tiêu chí chất lượng cao.
Thực tế cũng cho thấy, với mức xử phạt hành chính trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, xây dựng tại khu vực nội thành áp dụng theo Luật Thủ đô cao hơn quy định hiện hành đã góp phần đưa hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường… dần đi vào trật tự, nền nếp.
Sớm tháo gỡ những bất cập
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề mà một mình Hà Nội khó có thể giải quyết. Thêm vào đó, một số nội dung quan trọng của Luật Thủ đô đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Cụ thể, việc thực hiện mô hình trường chất lượng cao, mức thu học phí hiện nay dù còn khoảng cách rất lớn với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, nhưng so với mặt bằng chung vẫn cao nên chưa thu hút được nhiều học sinh, điều này ảnh hưởng đến việc cân đối thu chi của các trường.
Ở lĩnh vực xây dựng, đô thị, Luật Thủ đô đi vào đời sống hơn 3 năm, nhưng hiện nay vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch kiến trúc đối với cải tạo, tái thiết đô thị tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; quyết định cụ thể về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, hiện mới có một số ít trụ sở của các bộ, ngành được di dời nhưng vẫn không bàn giao quỹ đất này cho Hà Nội quản lý, sử dụng.
Đáng quan tâm hơn, quy định tỷ lệ 25% diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại trên 10ha tại Nghị quyết số 6/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố, bên cạnh mặt tích cực là siết trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trong việc phát triển nhà ở xã hội cũng đã bắt đầu xuất hiện những bất cập. Theo phản ánh của người dân, quy hoạch dự án nhà ở, khu đô thị cao cấp và nhà ở xã hội trong cùng dự án không những không tương thích về hạ tầng kỹ thuật mà còn kéo theo hệ lụy là giá căn hộ, dịch vụ cao so với mặt bằng chung thu nhập của đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra, việc quản lý dân cư trong khu vực nội đô - một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô nhằm bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý cũng có nhiều bất cập. Đó là số lượng dân di cư tự phát vào nội thành ngày một tăng kéo theo đó là những áp lực rất lớn về hạ tầng xã hội, nếu không có cơ chế đột phá để tháo gỡ sẽ rất khó khăn. Chẳng hạn, muốn chống kẹt xe, một trong những giải pháp quan trọng là phải hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ. TP Hà Nội quy hoạch 300km tàu điện ngầm, nhưng hiện chưa làm được ki lô mét nào vì kinh phí mỗi tuyến lên đến 2 tỷ USD. Giải pháp đầu tư xe buýt được cho là bớt tốn kém hơn, nhưng thành phố vẫn phải trợ giá.
Để bảo đảm các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Thủ đô, TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét nâng mức dư nợ vay của thành phố lên 70% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp và đưa nội dung này vào Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô. Ngoài ra, nhân dân Thủ đô mong muốn, những vấn đề vướng mắc đang đặt ra sẽ sớm được tháo gỡ nhằm tạo động lực cho Thủ đô phát triển.
Để văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội đi vào cuộc sống, cần thiết phải có sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc và cụ thể của các cơ quan liên quan, trong đó có việc sửa một số điều khoản của Luật Thủ đô; không thể để nhiệm vụ xây dựng, phát triển và quản lý Hà Nội - Thủ đô của cả nước là nhiệm vụ của riêng Hà Nội.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.