Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Rào cản từ cơ chế và đội ngũ trợ giúp

Hồ Bách| 31/03/2014 06:11

(HNM) - Theo phản ánh của đội ngũ luật sư và các chuyên gia pháp luật, trong bối cảnh công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), đặc biệt là lĩnh vực tố tụng chưa đạt kết quả như kỳ vọng, cần xem lại thể chế và sớm có giải pháp lấp những lỗ hổng cản trở việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người được TGPL.

Luật sư tham gia TGPL đang giảm dần

Theo Bộ Tư pháp, đến nay, 87% CQTHTT, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại nơi tiếp dân, trụ sở UBND các cấp. Hoạt động truyền thông về lĩnh vực này ngày càng đa dạng. Nhưng đang có một nghịch lý là so với trước khi có Chiến lược TGPL của Chính phủ, tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng do luật sư cộng tác viên thực hiện giảm 2,2%. Chỉ tiêu bảo đảm 50-60% số tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia thực hiện TGPL (giai đoạn 2011-2015) không khả thi khi hiện nay mới đạt 10,6%. Đặc biệt, nhiều tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL nhưng không thực hiện TGPL.

Lý giải hiện tượng này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nguyên nhân sâu xa không hẳn do CQTHTT chưa quan tâm đến hoạt động TGPL mà vì CQTHTT đã xây dựng nhiều rào cản khiến cả lực lượng TGPL và người thụ hưởng phải chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, còn do thể chế còn bất cập. Hiện để được cấp giấy chứng nhận bào chữa có quá nhiều giấy tờ luật sư cộng tác viên TGPL phải lo, gồm thẻ luật sư, chứng chỉ hành nghề (bản sao có công chứng); giấy giới thiệu của văn phòng luật sư hoặc quyết định cử luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng của trung tâm TGPL. Trong khi đó, do thiếu thông tin, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng chưa quy định cụ thể về thủ tục này nên hầu hết luật sư không biết phải gửi các giấy tờ thủ tục liên quan để yêu cầu CQTHTT cấp giấy chứng nhận bào chữa cho mình tại bộ phận nào. Có cơ quan điều tra (CQĐT) quy định luật sư phải gửi các thủ tục nêu trên cho đội điều tra tổng hợp, có nơi quy định luật sư phải gửi trực tiếp cho điều tra viên thụ lý để được cấp giấy chứng nhận bào chữa. Để biết được điều tra viên nào trực tiếp thụ lý vụ án là một điều không dễ, lại tốn rất nhiều thời gian.

Việc CQĐT gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa vô hình trung đã vi phạm quyền bào chữa của bị can, bị cáo được luật pháp quy định, không phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Nhà nước theo Nghị quyết 49/NQ-TƯ của Bộ Chính trị, nhưng lại là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố. Khi bị gây khó, các luật sư cũng ngại đụng chạm, ngại thực hiện TGPL bởi nhiều trường hợp luật sư mạnh dạn khiếu nại lên người có thẩm quyền thì sau đó họ lại bị CQĐT gây khó dễ nhiều hơn trong các vụ án tiếp theo.

Nghị quyết 03 đang gây khó

Không chỉ gặp cản trở trong quá trình TGPL, không ít luật sư thuộc các Đoàn Luật sư Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phản ánh, Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP (ngày 2-10-2004) của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên đang tước đi quyền bào chữa (nhờ người khác bào chữa) của bị cáo là người chưa thành niên khi phạm tội. Cụ thể, Nghị quyết số 03 hướng dẫn, khi bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì CQĐT, VKS hoặc tòa án phải yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. Do đó, trường hợp khi phạm tội, người phạm tội là người chưa thành niên, nhưng khi khởi tố, truy tố, xét xử họ đã đủ 18 tuổi thì họ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vin vào điều này, số trường hợp đối tượng được TGPL là người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự nhưng khi đưa ra xét xử thì bị cáo đã đủ 18 tuổi, tòa án cho rằng bị cáo đã thành niên nên không thông báo cho luật sư là cộng tác viên của trung tâm TGPL biết để tham gia tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền bào chữa của họ. Dù theo luật sư Đoàn Hữu Thái (Đoàn Luật sư Hà Nội) và nhiều đồng nghiệp khác, đặc điểm người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ, tinh thần; là người đang ở giai đoạn phát triển và hình thành nhân cách, chưa thể có suy nghĩ chín chắn khi quyết định hành vi của mình lúc phạm tội. Chính vì lẽ đó, họ không thể tự mình bào chữa cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, mặc dù đã thành niên khi xét xử. Và khi những hạn chế nêu trên chưa được giải quyết thì quyền được TGPL với đối tượng trên vẫn còn khó khăn.

Nhìn từ phía nhà nước, một số quy định hiện hành đang gây khó cho chính lực lượng TGPL. Điều 20 Luật TGPL quy định, người thực hiện TGPL là viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước, cộng tác viên của Trung tâm TGPL nhà nước; luật sư; tư vấn viên pháp luật làm việc trong tổ chức tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, theo các văn bản hiện hành, tiêu chuẩn giữa các đối tượng này lại rất khác nhau. Tại khoản 1 Điều 21 Luật TGPL nêu: Người TGPL phải là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng cử nhân luật; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL; thời gian làm công tác pháp luật từ 2 năm trở lên… Nghị định số 14/2013/NĐ-CP(5-2-2013) sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngoài các yêu cầu nêu trên, còn "vẽ" thêm một số yêu cầu mới, như: Phải là cán bộ đang làm việc trong Trung tâm TGPL nhà nước, được Cục TGPL-Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL theo quy định của pháp luật. Mâu thuẫn về chế định TGPL đang đặt ra yêu cầu cần sửa sai.

Một vấn đề nữa cần mạnh dạn đổi mới, đó là tăng cường thanh kiểm tra hoạt động TGPL tại các CQTHTT. Thời gian qua hoạt động này chưa thường xuyên. Trong khi đó, chỉ qua thanh, kiểm tra mới phát hiện được nhiều thiếu sót và các bất cập phát sinh, nhất là trong cơ chế phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Hơn nữa, qua thanh, kiểm tra còn giúp phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc, đáp ứng kịp thời nhu cầu được TGPL của tất cả những ai có nhu cầu…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Rào cản từ cơ chế và đội ngũ trợ giúp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.