(HNM) - Việc lãnh đạo TP phải thân chinh xuống hiện trường chỉ huy từng việc như xử lý bể nước, điện chiếu sáng, vận hành thang máy... vừa qua ở khu tái định cư Nam Trung Yên là việc làm
Những chỉ đạo cụ thể của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã phát huy tác dụng, nhiều vấn đề đã bước đầu được cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết. Tuy nhiên, những bài học từ vụ việc này vẫn còn nguyên giá trị.
Lỗ hổng quản lý?
Những bức xúc ở khu tái định cư (TĐC) Nam Trung Yên đã làm lộ ra nhiều vấn đề quản lý không thể không quan tâm. Thứ nhất, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan là cực kỳ yếu kém. Chính vì điều này, khi những bất cập về hạ tầng nảy sinh khiến người dân bức xúc, đơn vị chịu trách nhiệm thi công vận hành hạ tầng nội bộ tòa nhà cho rằng lỗi thuộc về đơn vị chịu trách nhiệm lắp đặt hạ tầng ngoài nhà và ngược lại. Ở bình diện toàn khu TĐC, việc giao cho 2 chủ đầu tư trong khi lại có đến 10 đơn vị chủ đầu tư thứ cấp khác được ví như "nhà có nhiều chủ", ai cũng quan trọng, nhưng không ai thực sự quan trọng. Tóm lại là việc tổ chức quản lý bị chia cắt một cách rời rạc, thiếu tập trung và hoàn toàn không có "nhạc trưởng".
Trong quá trình trao đổi với các đơn vị liên quan, chúng tôi nhận thấy, việc thay đổi nhân sự ở các đơn vị chủ đầu tư cũng có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng và tiến độ dự án. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, nhân sự có thay đổi nhưng nhiệm vụ đối với đơn vị làm chủ đầu tư thì không. Nên cho dù ở thời điểm nào, trách nhiệm phải được thực thi nghiêm túc, những yếu kém cần được khắc phục.
Lấy lại niềm tin
Cuộc kiểm tra của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã làm rõ hầu hết những vướng mắc, bất cập xảy ra ở khu TĐC Nam Trung Yên. Ngày 12-8, UBND TP đã chính thức ban hành Thông báo số 223/TB-UBND về các kết luận của Chủ tịch TP.
Về những vấn đề cấp bách, bức xúc, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo 8 nội dung bao gồm: 1- bảo đảm cung cấp nước sạch cho các hộ dân, chấm dứt tình trạng để người dân tự xách nước để sử dụng; làm rõ nguyên nhân và khắc phục sự cố bể nước; xử lý trạm viễn thông không để ảnh hưởng đến vận hành, sử dụng tòa nhà. 2- Xử lý triệt để các sự cố thang máy nhà B6B, B6C, B3. 3- Thay ngay các cửa ra vào bị hỏng nhà B6C, triển khai thay toàn bộ cửa ra vào các căn hộ theo đúng thiết kế. 4- Đấu nối ngay điện chiếu sáng. 5- Hoàn thiện ngay các đoạn đường và nút giao tại các cửa ngõ ra vào khu đô thị, tháo bỏ hệ thống barie. 6- Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm làm hàng quán và cho thuê đất trái phép. 7- Kiểm tra hệ thống thoát nước hạ tầng; xử lý tình trạng úng ngập cục bộ. 8- Về kinh phí làm những việc trên, các chủ đầu tư và Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội theo nhiệm vụ, trách nhiệm được giao phải tự ứng kinh phí để khắc phục ngay, sau khi khắc phục, các đơn vị lên phương án, đề xuất, báo cáo UBND TP.
Chủ tịch UBND TP cũng đã chỉ đạo 7 nội dung nhằm giải quyết những bất cập chung ảnh hưởng đến tiến độ toàn bộ dự án Nam Trung Yên. Trong đó, Sở KH-ĐT có trách nhiệm chủ trì xem xét, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy chế ban hành tại Quyết định số 232/2006/QĐ-UBND ngày 12-12-2006 của UBND TP về bảo đảm việc đầu tư xây dựng, bàn giao, tiếp nhận, quản lý, vận hành, khai thác khu đô thị một cách đồng bộ, hiệu quả; đồng thời quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đơn vị. Chủ tịch UBND TP giao Sở KH-ĐT chủ trì rà soát, kiểm tra năng lực các chủ đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ thương mại, dịch vụ công cộng, các công trình xây dựng hạ tầng xã hội. Qua đó, đề xuất thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ hoặc chậm đưa vào sử dụng. Thời gian hoàn thành hai việc này là trong tháng 8-2011.
Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội phải tập trung huy động xe, máy, trang thiết bị và nguồn nhân lực, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng xây dựng hạ tầng đô thị và nhà tái định cư còn lại. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra tiến độ thường xuyên theo quy định, đồng thời, chủ trì tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng các công trình xây dựng theo thẩm quyền, báo cáo UBND TP để bảo đảm các công trình khi đưa vào sử dụng đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, an toàn sử dụng, không gây bức xúc trong nhân dân và dư luận.
Có thể nói, kết luận của Chủ tịch UBND TP đã giải tỏa bức xúc của người dân và dư luận, thể hiện thái độ giải quyết vụ việc hết sức nghiêm túc và trách nhiệm. Nội dung kết luận đã tạo niềm tin không chỉ những bức xúc cụ thể của người dân nhà B6B, B6C, B3 sẽ được giải quyết, mà tiến độ, chất lượng của toàn bộ dự án Khu TĐC Nam Trung Yên cũng sẽ được
cải thiện.
Như một lời xin lỗi…
Sáng hôm qua 15-8, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã trực tiếp kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Chủ tịch UBND TP tại khu TĐC Nam Trung Yên. Nhiều nội dung kết luận đã được các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan bước đầu thực hiện có kết quả. Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) đã thực hiện xong việc tháo dỡ hệ thống rào chắn barie tại các cửa ngõ vào khu TĐC bảo đảm điều kiện để bàn giao cho các đơn vị quản lý chuyên ngành của TP. Các thang máy nhà B6B và B6C cũng đã được Handico sửa chữa, đưa vào sử dụng và bàn giao cho Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý. Handico cũng đã kiểm tra, xác định nguyên nhân sự cố cấp thoát nước nhà B6B, B6C và tiến hành di chuyển hệ thống hố ga, ống xả nước sinh hoạt, nước bể phốt cách xa khu vực bể nước sinh hoạt. Về cửa ra vào các căn hộ nhà B6C, Handico đã chỉ đạo các đơn vị thi công tổ chức thay cửa cho 9 căn hộ bị hư hỏng và tiến hành thay toàn bộ cửa ra vào các căn hộ theo đúng thiết kế như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Tuy hành động muộn màng nhưng cho thấy thái độ cầu thị trước hết là của Handico.
Nhà TĐC lâu nay thường bị gắn với cái mác "kém chất lượng" lại thêm một lần được chứng minh tại Nam Trung Yên. Không biết bao giờ những khu nhà TĐC mới trở thành nơi mà người dân vui vẻ đón nhận thay vì thái độ e ngại như hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, nhất định không thể để những vụ việc như ở Nam Trung Yên tái diễn. Đồng thời, phải xử lý thật tốt những bức xúc ở đây, không chỉ giải quyết nghiêm túc những chỉ đạo của TP, mà còn phải làm được hơn thế, phải tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng ở đây để như một lời xin lỗi với người dân. Làm như vậy mới xóa đi phần nào những ác cảm về nhà TĐC mà vụ việc gây ra, lấy lại uy tín cho TP, cũng là uy tín của chính những doanh nghiệp, đơn vị tham gia dự án này.
Vụ việc tại Nam Trung Yên là bài học đắt giá đối với các chủ đầu tư và các đơn vị có trách nhiệm liên quan. Bởi vì thiệt hại kinh tế, họ vẫn phải gánh chịu, trong khi uy tín thì đã mất, chưa kể những việc làm sai trái như làm cửa sai thiết kế hoàn toàn có thể đưa ra pháp luật để trừng phạt. Đây cũng là bài học cho các sở, ngành liên quan, vì lẽ ra chính họ phải tổ chức kiểm tra, khắc phục những vấn đề bức xúc tại Nam Trung Yên chứ không phải để đích thân người lãnh đạo cao nhất của UBND TP "ra tay" như vừa qua. Nhưng bài học lớn nhất có lẽ chính là về kỷ cương, kỷ luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.