(HNM) - Trừ khi bạn là đại gia hoặc là người dễ tính, cho gì xem nấy, thường có những điều cần giải mã để chọn được dịch vụ THTT phù hợp gia cảnh, nhu cầu thông tin - giải trí của bản thân và gia đình. Bởi vậy, hãy nắm chắc quyền được chọn dịch vụ và sử dụng quyền đó thật thông minh.
Nhà báo Vũ Công Lập (trái) trong một chương trình thể thao của VTVcab. |
Dựa trên sự hiểu biết về thị trường THTT hiện nay, thông tin khách quan về nhà cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng có thể chủ động chọn loại dịch vụ phù hợp với nhu cầu thực tế. Các nhà cung cấp dịch vụ đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu dù ai cũng nói "vì người tiêu dùng", không ai trách họ điều đó nhưng không có nghĩa là chủ thuê bao phải tin tuyệt đối vào thông tin mà nhà cung cấp dịch vụ vẽ ra.
Thay vì phụ thuộc vào thông tin "một chiều" từ phía nhà cung cấp dịch vụ để rồi đăng ký loại dịch vụ không phù hợp, người dùng có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi và giải đáp chúng. Đầu tiên, cần xác định mình muốn xem gì, thời gian rảnh rỗi thường vào lúc nào, có thể chi bao nhiêu tiền mỗi tháng cho dịch vụ THTT, gia đình cần sử dụng 1, 2 hay 3 ti vi cùng lúc… Những điều này liên quan trực tiếp tới việc chọn dịch vụ, như dịch vụ cáp hiện nay có thể cho phép người dùng cùng lúc chia tách tín hiệu tới nhiều ti vi, chi phí cho tín hiệu vào ti vi thứ 2 trở lên không đáng kể so với truyền hình số. Nếu gia đình phải cân nhắc chi tiêu chặt chẽ, THTT số mặt đất hoặc số vệ tinh là loại dịch vụ cần sự cân nhắc kỹ lưỡng bởi người dùng thường phải mua đầu thu, phí dịch vụ hằng tháng khá cao (cao nhất hiện nay là gói Premium+ chuẩn SD và gói HD của K+).
Ngoài những điều trên, có rất nhiều thông tin quan trọng khác liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ mà người dùng cần tìm hiểu kỹ.
Tháng 8 này, một số nhà cung cấp dịch vụ THTT số mặt đất và vệ tinh tung ra gói khuyến mãi đầu thu, có nơi tặng không cho người dùng. Bạn có nên vì món quà tưởng chừng không thể hấp dẫn hơn nói trên mà lập tức ký hợp đồng thuê bao? Thực ra, tặng đầu thu cho khách hàng là chuyện thường thấy ở nhiều quốc gia, cũng như việc doanh nghiệp viễn thông tặng điện thoại cho người dùng vậy. Đó là khoản đầu tư ban đầu nhằm mục tiêu thu phí dịch vụ lâu dài, cách kinh doanh khôn ngoan ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng. Bởi vậy, người dùng không cần vội vàng, quan trọng là gói kênh và mức phí có phù hợp hay không.
Người thích thể thao nên tự hỏi mình có nhất thiết phải chọn dùng K+ hay không. Như bài trước đã đề cập, ở Việt Nam hiện không có nhà cung cấp dịch vụ có khả năng đem lại sự hoàn hảo. Những thứ bạn cần ở rải rác mọi nơi nên quan trọng nhất vẫn là giá dịch vụ thế nào, thương hiệu nào đem lại giá trị gia tăng đáng kể. Lượng chất xám mà nhà sản xuất bỏ ra, đó là giá trị gia tăng đáng kể nhất. Như với bóng đá, VTVcab, VTC, HTV Hà Nội là nơi có phần bình luận trận đấu khá tốt, đơn giản là ở đó mời được nhiều bình luận viên "có nghề" - rất giỏi như Ngô Quang Tùng, đa dạng như Trương Anh Ngọc, nhiều thông tin mang tính chuyên môn như Vũ Quang Huy và Ngô Thanh. Với các chương trình thể thao đồng hành, hẳn nhiên là Thể thao TV, Bóng đá TV, VTC và VTV3 là địa chỉ tin cậy nhờ có sự cộng tác của những chuyên gia thật sự như nhà báo Vũ Công Lập, cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam và có dàn biên tập viên trẻ chịu khó đổi mới. Họ cung cấp thông tin người xem cần chứ không nói điều bạn đã biết, ngôn từ chừng mực, như thế là tôn trọng người xem nói chung vốn "đã có trình độ" bóng đá ở mức nhất định. K+ có "Trận đấu 10 phút" (diễn biến chính của một trận đấu nào đó) và chương trình về chuyện "hậu trường" của các sao thể thao rất đáng chú ý, nhưng với chương trình truyền hình trực tiếp thì hẳn những ai chịu khó ra điểm tập trung xem Giải Bóng đá ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải vừa qua sẽ thấy nhiều người thi thoảng phì cười vì những lời ngô nghê mà họ được nghe. Xem bóng đá Anh trên K+, có lúc muốn điều khiển từ xa có thêm tính năng lọc âm thanh, làm sao đó để không phải nghe lời bình luận viên nhưng vẫn giữ được âm thanh gốc thu được từ sân vận động.
Nhiều khi người dùng áy náy về số lượng kênh tích hợp trong một dịch vụ nhất định. Điều đó có quá quan trọng hay không? Bạn sẽ không áy náy nữa nếu biết cách xây dựng bộ khung chương trình thường thấy hiện nay là tích hợp những gì sẵn có của nước ngoài, của VTV, một phần chương trình của VTC, HTV Hà Nội, HTV TP Hồ Chí Minh, TTXVN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, VOV, thế là xong. Bởi thế, dù là dịch vụ gồm 70 hay 130 kênh thì chương trình cơ bản vẫn đầy đủ thông tin - giải trí thiết yếu. Về mặt này, sự khác biệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ nằm ở chất lượng và số kênh mà họ tự đầu tư sản xuất. VTVcab, VTC, SCTV mạnh ở điểm này.
Thị trường THTT miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng gần đây ghi nhận sự xuất hiện của SCTV - thương hiệu THTT có gói HD với tổng số kênh SD và HD cộng lại lên đến con số 130. Sự xâm nhập thị trường phía Bắc của thương hiệu này đang bị đặt dấu hỏi, chủ yếu là do 2 yếu tố: Chương trình giải trí mang phong cách gần gũi với người miền Nam hơn là miền Bắc và ngôn ngữ chủ yếu là phương ngữ. Với nhiều người yêu bóng đá, bình luận viên SCTV 15 chưa khiến họ hài lòng…
Sau khi đã tự giải mã những vấn đề liên quan mà một số đã được đề cập trong bài viết này, người tiêu dùng có thể chọn dịch vụ phù hợp với mình và gia đình. Tuy thế, có những lúc đã chọn rồi mà ước muốn không thành hiện thực, đơn giản vì khu vực bạn đang sống không "tích hợp" loại dịch vụ đó. Các hộ gia đình sống ở chung cư cao tầng thường tiếp nhận loại dịch vụ mà ban quản lý chung cư ký với nhà cung cấp, như ở khu vực Hà Nội thì hoặc VTVcab hoặc HCaTV (Hà Nội), không có quyền chọn riêng với dịch vụ TH cáp. Với nhóm cư dân chung cư, điều quan trọng là phải chủ động thảo luận với phía đại diện cho quyền lợi của mình, kiên quyết chọn dịch vụ được đa số cho là tốt, là phù hợp.
Điều cuối cùng là trong mối quan hệ mua - bán, người tiêu dùng cần biết là mình ở "cửa trên", có quyền mua hay không, mua gì và không mua gì. Sử dụng đúng quyền của mình, người tiêu dùng không chỉ tự bảo vệ quyền lợi của mình, mà còn góp sức động viên, tạo đà cho những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có lối làm ăn đứng đắn, loại bỏ lề lối chụp giật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.