(HNM) - Giao việc nhưng chưa bảo đảm điều kiện về nguồn lực để các đơn vị thực hiện nhiệm vụ là vấn đề được nhiều quận, huyện, sở, ngành đề cập và đề nghị UBND thành phố có sự điều chỉnh phù hợp trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2016-2020…
Giao việc nhưng chưa bảo đảm điều kiện về nguồn lực để các đơn vị thực hiện nhiệm vụ là vấn đề được nhiều quận, huyện, sở, ngành đề cập và đề nghị UBND thành phố có sự điều chỉnh phù hợp trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2016-2020…
Phản ánh từ cơ sở cho thấy, việc phân cấp quản lý KT-XH với nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) hiện nay trên địa bàn thành phố còn không ít vướng mắc. Khối huyện được giao quản lý KT-XH và nhiệm vụ chi XDCB nhiều hơn so với khối quận và thị xã, nhưng nguồn vốn phân cấp cho khối huyện lại thấp hơn, nên không đáp ứng yêu cầu. Theo Sở KH&ĐT, khối huyện được giao quản lý toàn bộ hệ thống đường, thoát nước, các công trình trên tuyến giao thông huyện; hệ thống thủy lợi, kênh mương, hồ đập phục vụ sản xuất nông nghiệp... nên nguồn chi XDCB lớn hơn so với khối quận. Trong khi đó, khối quận hằng năm luôn có kết dư ngân sách (trung bình khối quận kết dư ngân sách từ 6.000 đến 8.500 tỷ đồng). Cùng với đó, theo Quyết định 11 và Quyết định 12, UBND thành phố giao cấp xã quản lý, bảo trì hệ thống đường, chiếu sáng, thoát nước thuộc xã, di tích chưa xếp hạng, nhà văn hóa thôn, nghĩa trang cấp xã. Điều này trong nhiệm vụ chi XDCB tại Quyết định 55 có giao định mức cho cấp xã, tuy nhiên, định mức phân bổ vốn XDCB thành phố vẫn gộp chung cho cả cấp huyện và cấp xã.
Việc phân cấp quản lý và chi đầu tư xây dựng cơ bản tại các quận, huyện còn nhiều vướng mắc. Ảnh: Bảo Lâm |
Đơn cử như ở quận Long Biên, năm 2014 thành phố bàn giao về cho quận quản lý một số hạ tầng về thoát nước, chiếu sáng với tổng số kinh phí tăng thêm so với khối lượng đang thực hiện khoảng 12 tỷ đồng, nhưng không cấp bổ sung kinh phí kèm theo. Ngoài ra, chênh lệch kinh phí để thực hiện 6 nhiệm vụ phân cấp theo Quyết định 12 so với Quyết định 11 hằng năm tại quận Long Biên tăng 30 tỷ đồng và khoản kinh phí phát sinh này không nằm trong dự toán cân đối ngân sách của quận. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Chí Quân, thành phố giao chỉ tiêu "tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới", nhưng tỷ lệ vốn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này chưa tương ứng với đề án của đơn vị được duyệt, nhất là một số dự án lồng ghép để thực hiện xây dựng nông thôn mới (chuẩn quốc gia về y tế, chuẩn quốc gia về trường học).
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lưu Tất Thắng cho biết: Nhiều nhiệm vụ thành phố phân cấp nhưng không giao thêm biên chế, do vậy, phải ký thêm hợp đồng lao động (mỗi phòng, ban cần 2 - 4 lao động). Việc này, Sở Nội vụ có biết, có phê bình, nhưng đành phải giải trình: "Nếu không ký hợp đồng lao động thì không có người làm việc". Cũng chính vì cân đối ngân sách chi cho lao động hợp đồng năm 2014 nên quận đã bị Kiểm toán nhà nước "tuýt còi", yêu cầu chấm dứt việc cân đối ngân sách cho các chức danh hợp đồng. Thực hiện kết luận của kiểm toán, tới đây sẽ giảm bớt chức danh này, nhưng chấm dứt hết thì không thể. Vì chấm dứt hợp đồng, sẽ không có người đảm nhiệm công việc.
Tương tự, lãnh đạo Sở NN& PTNT Hà Nội cũng cho biết, theo Quyết định 11, quận, huyện, thị xã quản lý tuyến đê cấp IV trở xuống, nhưng Quyết định 12 lại sửa đổi bổ sung, tuyến đê cấp IV do thành phố quản lý, vì chuyên môn cán bộ phụ trách lĩnh vực này ở địa phương có hạn. Nhận nhiệm vụ này, thành phố phải giao thêm cho sở khoảng 50 biên chế thì mới đảm đương được công việc quản lý, duy trì. Tuy nhiên, đến nay việc bàn giao giữa cấp huyện và thành phố chưa hoàn thành, chưa bổ sung chỉ tiêu biên chế nên tuyến đê cấp IV trên địa bàn thành phố gần như "bỏ ngỏ".
Bất cập từ việc không sát cơ sở
Hiện nay, UBND thành phố đang phân cấp cho ngành chủ quản là Sở Y tế quản lý toàn diện y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (bao gồm các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, phường, thị trấn). Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Đăng Thiều, từ khi phân cấp thành phố quản lý, các trạm y tế của huyện chưa được quan tâm đúng mức từ trang thiết bị đến cơ sở vật chất nên chưa phát huy hết hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tăng áp lực cho bệnh viện tuyến trên, ảnh hưởng đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Tương tự ở Thanh Xuân, cũng vì không nhận được sự quan tâm đúng mức nên đến nay quận này mới có 4/11 phường đạt chuẩn về y tế.
Trong khi đó, lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) phân cấp về thành phố quản lý cũng chưa phù hợp, bởi các đội TTXD chủ yếu thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn các xã, thị trấn... Một số quận, huyện như: Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Xuân… cho rằng, trước đây, đội TTXD trực thuộc UBND các quận, huyện quản lý, công tác phối hợp chỉ đạo sát thực tiễn, kịp thời hơn. Nay, lực lượng này trực thuộc Sở Xây dựng, địa bàn rộng, việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa ngành và cấp huyện nhiều lúc chưa chặt chẽ, dẫn đến không ngăn chặn kịp thời vi phạm.
Còn lĩnh vực quản lý di tích, có nhiều ý kiến khác nhau. Nơi thì muốn nhận quản lý cho bảo đảm sự đồng bộ, nơi thì muốn trả lại cho thành phố vì địa phương không đủ ngân sách cân đối quản lý, duy tu, sửa chữa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.