(HNM) - Trong quá trình thực hiện, sửa đổi bổ sung nội dung phân cấp quản lý giữa thành phố và các quận, huyện, thị xã, một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn, bộc lộ hạn chế, bất hợp lý. Đáng chú ý là, vẫn còn tình trạng chồng chéo, chưa phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các cấp quản lý…
Nhiều lĩnh vực, không đủ sức quản lý
Trao đổi về công tác phân cấp quản lý KT-XH gắn với phân cấp nhiệm vụ chi, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng có sự bấp hợp lý khi thành phố áp dụng chính sách giao tiền trước khi giao việc. Cụ thể, Quyết định 11/ 2011/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực KT-XH trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 (QĐ 11), sau đó sửa đổi, bổ sung một số điều thể hiện ở Quyết định 12/2014/QĐ-UBND ngày 26-2-2014 (QĐ 12) nhưng thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi lại theo Quyết định số 55/2010/QĐ-UBND của UBND thành phố ngày 15-12-2010 về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011-2015 (QĐ 55).
Vệ sinh môi trường tuyến Yên Phụ. |
Lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật đã bộc lộ rất rõ sự bất cập trong quá trình thực hiện. Theo quy định, thành phố quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, đường cao tốc (do Bộ GT-VT bàn giao), tỉnh lộ, đường đô thị từ cấp đường khu vực trở lên; đường và hè đường một số tuyến giao thông quan trọng, các tuyến vành đai, các trục đường hướng tâm để phục vụ công tác tổ chức giao thông và chống ùn tắc giao thông; cấp phép sử dụng tạm lòng đường, cấp phép để thi công lòng đường các công trình trên tuyến đường quản lý. Thành phố cũng quản lý vườn hoa, cây xanh, dải phân cách trên hệ thống đường và các công viên lớn (Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo, Yên Sở, Hòa Bình, Tuổi Trẻ) và một số công viên cấp thành phố theo quy hoạch mới. Ngoài ra, thành phố quản lý, đầu tư và duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng dọc các tuyến đường, trong các vườn hoa công viên; duy trì phun rửa, quét hút, thu gom rác trên các tuyến đường do thành phố quản lý.
Thế nhưng do lĩnh vực quản lý rộng nên cơ quan chuyên ngành của thành phố không kiểm tra thường xuyên, có lĩnh vực gần như để hổng, công trình xuống cấp. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho rằng, thành phố quản lý nhưng mỗi khi hỏng hóc thì dân chỉ biết kêu đến thôn, xã và huyện..., họ không biết thuộc cấp nào quản lý. Đơn cử việc nhỏ nhất, mất hố ga, cháy bóng đèn, dân kêu, huyện đề xuất với thành phố, nhưng phải qua rất nhiều thủ tục, vì thế huyện phải chỉ đạo ngành chức năng cấp mình giải quyết trước để phục vụ nhân dân rồi tính sau. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho rằng, nếu thực hiện như QĐ 11 và QĐ 12 thì đã rõ, nhưng rắc rối ở chỗ là ngày 9-5-2013, ngành GT-VT lại tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định 15/2013/QĐ-UBND quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó có nội dung: "Sở GT-VT quản lý các tuyến đường đã đặt tên và các tuyến phố khác theo phân cấp của UBND thành phố", "UBND cấp huyện quản lý các tuyến đường chưa đặt tên, hè đường trên địa bàn theo phân cấp của thành phố". Quy định như vậy, nhưng những tuyến đường đã đặt tên trên địa bàn huyện Gia Lâm gần như không được ngành GT-VT quan tâm. Khi các tuyến đường xảy ra hỏng hóc, cần duy tu, bảo dưỡng, địa phương đề xuất nhiều lần nhưng không có kết quả nên buộc phải sử dụng ngân sách của huyện thực hiện để người dân đi lại được thuận tiện. Cũng vì thế đã xuất hiện tình trạng, một số địa phương đầu tư xây dựng xong đường nhưng không vội đặt tên, vì nếu đặt tên lại quy về thành phố quản lý, trong khi đó việc bảo trì thì chểnh mảng.
Quận, huyện "quản" sẽ sát sao hơn
Câu chuyện thành phố "quét lòng đường, quận, huyện quét hè đường" cũng được nhiều địa phương phản ánh, đồng thời kiến nghị thành phố nghiên cứu để có sự phân cấp đồng bộ. Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo cho biết: Thành phố đang giao cho Sở Xây dựng duy trì công tác vệ sinh môi trường ở các trục đường chính, quốc lộ, tỉnh lộ, đường vào cửa ô thành phố; quận quản lý thu gom, vận chuyển rác thải, duy trì vệ sinh môi trường trên một số tuyến đường theo danh mục thành phố phê duyệt nên mới có chuyện, thành phố quét lòng đường, quận quét vỉa hè. Quan điểm của địa phương là thành phố nên quản lý, thực hiện những vấn đề lớn, liên quan đến kỹ thuật cao mà cấp quận, huyện không đảm nhiệm được; còn việc duy trì vệ sinh trên tuyến phố, nên giao cho địa phương thực hiện cho đồng bộ. Quận Long Biên bảo đảm nếu phân cấp cho quận thực hiện, ngân sách sẽ giảm còn 70% so với việc giao cho sở chuyên ngành quản lý, duy trì.
Tương tự, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, theo phân cấp, thành phố quản lý các vườn hoa lớn, nhưng thực tế, quận chỉ quản lý 2/12 vườn hoa trên địa bàn, còn lại thành phố quản lý. Một thực tế khác, Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm do quận Tây Hồ và quận Hoàn Kiếm quản lý toàn diện, nhưng các hồ: Trúc Bạch, Giảng Võ, Ngọc Khánh có quy mô nhỏ hơn thì quận Ba Đình chỉ quản lý mặt nước, còn lại do thành phố quản. "Phân cấp cho các quận thì thêm việc, vất vả, nhưng nếu quận quản chắc chắn sẽ sát sao hơn, duy trì, quản lý đồng bộ hơn" - Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi nêu quan điểm và đề nghị UBND thành phố xem xét.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.