(HNM) - Sử dụng nước sạch là một trong những yếu tố đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Song, nhìn vào tỷ lệ người dân ngoại thành được sử dụng nước sạch thì có thể thấy nhiệm vụ của Hà Nội trong giai đoạn tới khá nặng nề.
Hàng loạt dự án chờ vốn
Thành phố đặt mục tiêu đến 2015 sẽ triển khai xây dựng 6 dự án cấp nước sạch liên xã; hỗ trợ 40 nghìn bể lọc xử lý nước hộ gia đình; 6 trạm cấp nước sạch quy mô xã, liên xã; đầu tư mới và hoàn thiện 12 trạm cấp nước ở các địa phương; mở rộng mạng cấp nước sạch đô thị; hoàn thiện 13 trạm cấp nước đầu tư xây dựng dở dang. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 3.940 tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố 677,6 tỷ đồng; ngân sách trung ương hơn 438 tỷ đồng từ nguồn vốn vay WB; huy động xã hội hóa gần 1.658 tỷ đồng; vốn tự có và đối ứng của nhân dân hơn 623 tỷ đồng; còn lại là các nguồn vốn khác.
Trạm cấp nước Thanh Oai bị bỏ hoang từ nhiều năm nay… |
Tuy nhiên, nhiều công trình, dự án hiện đang trong tình trạng đói vốn hoặc không được bố trí vốn từ ngân sách thành phố. Đơn cử như dự án cấp nước sạch cho 4 xã: Thái Hòa, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Vật Lại có tổng mức đầu tư 358 tỷ đồng. Sau gần 9 tháng kể từ ngày khởi công (tháng 12-2012), nhà thầu đã thi công với khối lượng công việc ước khoảng 90 tỷ đồng, chủ yếu là vốn của nhà thầu thi công, ngân sách thành phố mới bố trí khoảng 28 tỷ đồng.
Dự án cấp nước của Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây cung cấp nước cho thị xã Sơn Tây và các huyện lân cận cũng trong cảnh tương tự. Năm 2006, công ty triển khai dự án cung cấp nước cho thị trấn Tây Đằng (Ba Vì) và thị trấn Liên Quan (Thạch Thất). Hiện tại, các tuyến đường ống cơ bản được lắp đặt xong, nhưng do thiếu vốn đầu tư các hạng mục còn lại nên chưa thể cấp nước cho huyện Thạch Thất…
Thiếu trách nhiệm, dân mất niềm tin
Để khắc phục tình trạng 16 trạm cấp nước "nằm ngủ" quá lâu, gây bức xúc dư luận thời gian qua tại các huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…, ngày 26-6-2012, UBND TP Hà Nội đã có quyết định dừng thực hiện các dự án này và chuyển đổi hình thức đầu tư. Đi đôi với việc này, các địa phương thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá trị tài sản còn lại làm cơ sở xác định phần vốn nhà nước đã đầu tư.
Chỉ đạo là vậy, nhưng dường như một số địa phương, ban, ngành bỏ "ngoài tai", khiến doanh nghiệp được giao nhiệm vụ "giải cứu" trạm cấp nước trở nên khốn đốn. Dự án khôi phục trạm cấp nước ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ là một ví dụ. Để sớm đưa dự án trạm cấp nước xã Tam Hiệp vào khai thác, ngày 28-9-2011, UBND TP Hà Nội có Công văn số 8283/UBND-NN đồng ý giao cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Toàn Linh (Công ty Toàn Linh) tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm kể từ khi văn bản của thành phố ban hành, việc triển khai các bước quyết toán công trình, định giá tài sản, hoàn tất thủ tục bàn giao đất của huyện cho doanh nghiệp chưa được thực hiện; mặc dù doanh nghiệp đã "gõ" nhiều cửa nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm khiến khoảng 13 nghìn nhân khẩu ở đây vẫn phải chịu cảnh "khát" nước. Tình trạng này cũng xảy ra ở các địa phương có trạm cấp nước "đắp chiếu", làm cho người dân mất niềm tin…
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT giai đoạn 2009-2013 và triển khai kế hoạch thực hiện đến năm 2015 diễn ra cuối tháng 12-2013, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt bức xúc: "Tại sao có công trình nằm đến hàng chục năm nay không ai ngó ngàng gì đến, địa phương đã không nghĩ cách gì để có nước sạch cho nhân dân, đến khi chuyển chủ đầu tư lại "hành" doanh nghiệp giấy tờ này, thủ tục kia, người này thẩm định, cơ quan kia thẩm định, cân lên đặt xuống quá phức tạp". Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt yêu cầu các địa phương phát huy nội lực của nhân dân trong việc đầu tư cho lĩnh vực cấp NS&VSMTNT. Bên cạnh đó, thành phố cần hỗ trợ người dân một phần kinh phí đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cấp bách và tạo mô hình điểm để thu hút sự đầu tư của người dân, doanh nghiệp. Với những vùng khó khăn, chưa có điều kiện xây dựng hệ thống cấp nước tập trung cần phải hỗ trợ các công nghệ xử lý ngay tại hộ gia đình; đồng thời, sớm cụ thể cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.