(HNM) - Tình hình và kết quả thực hiện thí điểm sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố tại 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ thời gian qua đã bước đầu thu được những kết quả tích cực và nhiều bài học kinh nghiệm. Qua đó chứng minh Đề án số 21-ĐA/TU ngày 16-9-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội” là hoàn toàn khả thi.
Địa phương ủng hộ...
Thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU, ông Nguyễn Xuân Tựu, sinh năm 1964, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) là một trong số những người thuộc diện nghỉ công tác, mặc dù “chưa hết tuổi”. Tuy nhiên, ông rất đồng tình ủng hộ và khẳng định: “Đề án số 21-ĐA/TU cũng như kế hoạch do Huyện ủy Chương Mỹ ban hành là chủ trương rất đúng đắn, tôi hoàn toàn ủng hộ và vui vẻ thực hiện”.
Trong khi đó, ông Đặng Đình Thành, sinh năm 1961, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ứng Hòa (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thực hiện kiêm nhiệm nhiều chức danh. Từ thực tế bản thân, ông Thành cho biết: “Kiêm nhiệm 2 hay 3 vị trí, công việc sẽ nhiều hơn, nhưng hoàn toàn có thể đảm đương được”.
Tương tự, tại quận Hà Đông, ông Đặng Quang Ngân, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 1, phường Yên Nghĩa cho biết, có thể làm tốt cùng lúc nhiều “vai” và việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 21-ĐA/TU rất kịp thời, cần thiết.
Suy nghĩ và hành động của các ông: Nguyễn Xuân Tựu, Đặng Đình Thành và Đặng Quang Ngân là tinh thần chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Cũng chính nhờ sự đồng thuận cao như vậy, tình hình thực hiện sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố tại 5 địa phương thí điểm thu được kết quả tích cực.
Tại huyện Chương Mỹ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Trịnh Tiến Tường cho biết, đến nay, 26/32 xã, thị trấn thuộc huyện đã hoàn thành sắp xếp, bố trí cán bộ kiêm nhiệm theo Đề án số 21-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy cũng như đề án của huyện, giảm gần 1.000 người hoạt động không chuyên trách, tiết kiệm hàng tỷ đồng/năm, mà không ảnh hưởng đến công việc chung. 6 xã còn lại sẽ được huyện chỉ đạo tập trung hoàn thành trong tháng 11-2019...
Trong khi đó, quận Nam Từ Liêm cũng cơ bản sắp xếp xong ở 10/10 phường và đang tiến hành ở các tổ dân phố. Tại huyện Gia Lâm, kết quả sắp xếp đến nay đã giảm được 1.285 người hoạt động không chuyên trách ở xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố, tương đương 48,8%, tiết kiệm được 4,4 tỷ đồng/năm, trong khi phụ cấp của cán bộ tăng lên 30-50%...
Kết quả thực hiện cũng giúp quận Long Biên giảm từ 288 người hoạt động không chuyên trách ở 14 phường xuống còn 98 người, giảm từ khoảng 1.700 người hoạt động không chuyên trách ở 124 tổ dân phố xuống còn hơn 400 người; tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Là nơi thực hiện sau nhưng quận Hà Đông đã sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách xong tại 17/17 phường, 250/250 tổ dân phố. Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hà Đông Nguyễn Tiến Quyết khẳng định, sau sắp xếp, tình hình rất ổn định, không phát sinh đơn thư, không có ý kiến trái chiều; công việc ở phường, tổ dân phố diễn ra bình thường, suôn sẻ.
Những kinh nghiệm cần thiết
Kết quả thực hiện sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố của 5 quận, huyện tham gia thí điểm là cơ sở khoa học, minh chứng sống động về tính khả thi của Đề án số 21-ĐA/TU. Kinh nghiệm thực hiện tại các địa phương này giúp ích rất lớn cho 25 quận, huyện, thị xã đang khẩn trương bắt tay vào thực hiện đề án.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân khẳng định, vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện là phải giữ được sự ổn định, nên đối với một số địa bàn phức tạp, nhất là liên quan đến sáp nhập thôn, tổ dân phố, tinh thần chỉ đạo của huyện là không nóng vội, cần thiết có thể để sau khi tiến hành đại hội chi bộ sẽ tiếp tục thực hiện.
Cũng quan điểm này, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết, xác định vấn đề quan tâm nhất là phải giữ được sự ổn định ở cơ sở, quận chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền để tạo đồng thuận, nếu cần thì xin ý kiến nhân dân.
“Quá trình triển khai phải hết sức cầu thị, nếu người dân đến họp chưa đông thì có thể xin ý kiến bằng phiếu. Ngoài ra, để tuyên truyền được cho dân, cán bộ phải nắm rất vững các nội dung liên quan. Mỗi đồng chí lãnh đạo từ quận đến phường đều phải tập hợp đầy đủ văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, để giải quyết các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, quận phải đề ra các nguyên tắc làm chuẩn, chẳng hạn sáp nhập 2 tổ dân phố thì lấy tên của tổ dân phố có số hộ gia đình lớn hơn”, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch chia sẻ.
Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hà Đông Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, muốn tạo đồng thuận thì phải công khai, minh bạch các nội dung liên quan; lấy ý kiến cán bộ và nhân dân về phương án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm; khi có ý kiến khác thì phải tiếp thu và sẵn sàng bổ sung, chỉnh sửa phương án.
“Mấu chốt thành công là phải thực hiện từng bước chặt chẽ. Trong đó phải chú ý quan tâm gặp mặt, động viên, tri ân người hoạt động không chuyên trách nghỉ công tác”, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường bổ sung. Cùng với những kết quả tích cực, quá trình sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách vẫn còn một số khó khăn.
Tuy nhiên, tinh thần chung của lãnh đạo các địa phương là quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ thành phố giao là trong tháng 12-2019. “Chương Mỹ là huyện có địa bàn rộng, đặc thù, rất khó khăn trong thực hiện sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách. Nhưng chúng tôi được thành phố chọn làm điểm và đã làm được. Chương Mỹ làm được thì chắc chắn các quận, huyện, thị xã khác cũng sẽ làm được”, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng nhận định.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.