Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nghèo đói xô đẩy phận người

Đức Trường - Ngọc Hải| 08/05/2013 07:10

(HNM) - Mặt trời đang dần xuống núi. Chúng tôi theo chân chiến sỹ của Đồn Biên phòng Bạch Đích (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) tìm đến nhà của một nạn nhân bị bán sang Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, vừa được giải cứu về với gia đình.


Gọi mãi không thấy ai thưa, chúng tôi đi vào sân nhà. Một bà già loay hoay ở góc vườn đang thều thào gọi ai đó. Lúc sau, một cháu gái chạy về dắt bà vào nhà. Hóa ra, bà già bị lòa nên không tìm được đường quay về nhà. Cháu gái tên là Mùa Thị Chi, 14 tuổi, chính là nạn nhân mới được cán bộ, chiến sỹ biên phòng Bạch Đích giải cứu thành công. Không ai ngờ, Chi bị chị của bố dượng lừa bán sang Trung Quốc. Chưa kịp lớn, Chi đã phải chịu đựng cảnh bị buôn bán như con cá, mớ rau.

Nạn nhân Mùa Thị Chi được giải cứu về với gia đình.


Trong căn nhà tối om. Tào Thị Chua, mẹ của Chi, sinh năm 1984, nhăn nhó ôm bụng kêu mệt, gắng gượng ngồi dậy cùng chồng nói chuyện với khách. Chua đã có một đời chồng ở Mường Nhé, Điện Biên. Mới gần 30 tuổi mà Chua đã sinh nở tới 9 lần. Chi chính là con gái đầu lòng. Chồng trước của Chua chẳng chịu làm gì suốt ngày uống rượu say, chửi mắng, đánh đập mấy mẹ con. Khổ quá, Chua dẫn Chi chạy sang bên Lào Cai rồi lên Hà Giang. Đầu năm 2012, chị Chua cùng con gái chuyển về nhà của Hào Mí Hà ở thôn Há Già. Hà ít hơn Chua tới 5 tuổi. Nhà Hà cũng nghèo lại có một mẹ già bị lòa nhưng Chua không còn bị đánh đập như ngày ở với chồng cũ. Đến cuối năm 2012, chị gái của Hà là Hào Thị Me, đã lấy chồng ở bên Ma Ly Pho (Vân Nam, Trung Quốc) từ 14 năm trước, về nhà thăm mẹ và em trai. Trong thời gian này, một đối tượng người Trung Quốc đã đặt vấn đề với Me là nếu rủ được Chi sang Trung Quốc sẽ trả cho Me 1.000 NDT. Me đồng ý và quay về nhà em trai để tìm cách lừa Chi sang Trung Quốc. Me thuyết phục Chi là sang Trung Quốc lấy chồng thì sẽ sung sướng hơn ở Việt Nam. Vì vẫn là trẻ con nên Chi nghe ngay, nhưng chị Chua không đồng ý. Me rắp tâm lừa bằng được nên đã hẹn đón Chi ở chợ Mốc 358 (mốc 9 Bạch Đích) vào mùng 4 Tết.

Đồng bọn đã bàn bạc với Me rất kỹ. Nếu mùng 4 Tết gặp Chi cùng bố mẹ ở chợ Mốc 358 thì đưa đi Trung Quốc luôn và sẽ đưa Me 6.000 NDT để đưa cho bố mẹ Chi. Còn nếu bố mẹ Chi không biết thì cứ dẫn Chi đi Trung Quốc và sẽ chia nhau số tiền 6.000 NDT đó. Khi đến điểm hẹn không thấy Chi ở đó, nhóm đối tượng này đã bắt xe ôm về thẳng nhà Hà ở thôn Há Già để tìm cách lừa Chi đi. Mặc dù mẹ Chi không đồng ý nhưng nhóm đối tượng này đã thuyết phục được cả nhà cùng đưa Chi đi sang Trung Quốc và "phải đi sớm vào sáng mai, không cho mọi người xung quanh nhìn thấy".

Sáng sớm hôm sau, cả nhóm cùng bố mẹ của Chi đi đến Mốc 358 rồi vượt biên, sau đó đi ô tô về nhà người muốn mua Chi về làm vợ. Chi được định giá 1,2 vạn NDT sau vài lần mặc cả. Người chủ đưa trước cho Me 6.000 NDT, phần còn lại sẽ trả sau. Me nhận tiền rồi chia lại cho Chua 3.000 NDT và Hà cầm 3.000 NDT. Me nhận 1.100 NDT từ tay đối tượng thuyết phục Me lừa người sang Trung Quốc.

Đại úy Hoàng Tống Dìn kể, trong đợt về nghỉ tết ở Quản Bạ, anh nhận được nguồn tin báo mùng 5 Tết có một nhóm đưa người sang Trung Quốc. Sau khi xác minh, phát hiện thấy có dấu hiệu buôn bán trẻ em, anh đã báo cáo chỉ huy để lên kế hoạch giải cứu nạn nhân. Cái khó là nếu không có nạn nhân thì không khởi tố được, trong khi nạn nhân lại đang ở Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa được nạn nhân hồi hương. Về lý thuyết, việc bán người và gả người là hai việc khác nhau nhưng thực tế ở vùng biên cho thấy hai việc này gần giống nhau. Khi nhóm người này đưa Chi sang bên kia biên giới để bán thì không báo cho anh em trong họ, hàng xóm cũng không biết. Sau khi bị bắt, Me đã khai nhận là giả vờ tổ chức đi chơi ở nhà người thân rồi đưa Chi đi bán.

Khi cái nghèo bám riết

Những diễn biến của vụ án cho thấy, ngay chính mẹ ruột và bố dượng của Chi cũng có thể quy tội đồng lõa. Nhưng nếu làm "chặt tay" thì kết thúc vụ án chỉ còn lại mỗi một đứa trẻ 14 tuổi ở nhà với bà cụ mù lòa, khó mà vượt qua được những khó khăn của cuộc sống thường nhật. Bản thân Chua, mẹ của Chi cũng nước mắt ngắn dài kể lại: "Vì Me là chị chồng nên tin tưởng, đến khi cầm tiền trên tay thì mới biết là bị lừa. Lúc đó, vì ở nơi đất khách quê người nên đành phải chịu". Về đến nhà, Chua nhớ con gái và ân hận lắm nhưng không biết cách nào có thể mang tiền sang trả để đưa con về. Giờ thì tiền đã nộp cho bộ đội biên phòng để làm vật chứng. Nhà vẫn nghèo nhưng may là con gái của Chua đã được cứu về.

Chi chỉ là một trong số hơn 200 nạn nhân may mắn được BĐBP Hà Giang phối hợp với công an Trung Quốc giải cứu thành công sau khi đã bị lừa bán qua bên kia biên giới kể từ năm 2009 đến nay.

Tình cảnh ở tỉnh Lai Châu cũng tương tự Hà Giang. Bốn lối mở truyền thống và nhiều đường mòn qua lại biên giới. Khu vực biên giới tỉnh Lai Châu có 224 bản thuộc 22 xã của 3 huyện biên giới (Phong Thổ, Mường Tè, Sìn Hồ). Thực tế đáng lưu ý là 100% xã vùng biên đều nằm trong diện đặc biệt khó khăn, hơn 70.000 nhân khẩu thuộc 10 dân tộc (Dao, Mông, Hà Nhì, La Hủ, Thái, Giáy, Mảng, Kinh, Hoa, Si La) phần lớn có trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu. Từ năm 2009 đến nay, BĐBP Lai Châu đã phát hiện, bắt giữ 26 đối tượng của 18 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em và giải cứu được 25 nạn nhân. Đặc biệt, số lượng vụ án gia tăng trong thời gian gần đây.

Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh BĐBP) nhận định, nguyên nhân sâu xa là do đời sống kinh tế - xã hội nảy sinh nhiều mâu thuẫn, phân hóa giàu nghèo gay gắt, đời sống nhân dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Nhiều người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, trình độ dân trí thấp và bị rơi vào vòng xoáy mưu sinh, có nhu cầu tìm kiếm công ăn việc làm ở đô thị hoặc nước ngoài. Trong khi đó, ở bên kia biên giới, sự mất cân bằng giới tính sau sinh cùng với sự nở rộ các tệ nạn đã nảy sinh quan hệ "cung - cầu" khiến phụ nữ, trẻ em trở thành một món hời dễ kiếm tiền đối với bọn tội phạm…

Nhiều xã vùng biên của các tỉnh biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh cũng cùng chung cảnh nghèo khổ, khó khăn như ở Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng. Tuy nhiên, vì Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh có cửa khẩu lớn, lượng người qua lại đông, kinh tế phát triển kèm theo nhiều loại hình dịch vụ khác đã khiến tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em qua những địa bàn này có tính chất phức tạp hơn. Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, BĐBP Lào Cai đã xác lập và đấu tranh thành công 18 chuyên án, triệt phá 21 đường dây mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, phát hiện và xử lý 175 đối tượng của 131 vụ án, giải cứu thành công hơn 200 nạn nhân.

Khi đói nghèo còn bám rễ sâu vào những mảnh đất vùng biên là khi những phận đàn bà, những đứa trẻ tiếp tục bị đặt trong nguy cơ bị buôn bán, chà đạp lên nhân phẩm.

Tên nhân vật đã thay đổi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nghèo đói xô đẩy phận người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.