(HNM) - Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội liên tục vượt chỉ tiêu kế hoạch, thành lập mới gần 2.000 Công đoàn cơ sở, kết nạp hơn 213.000 đoàn viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Rõ vai trò chăm lo cho người lao động
Đánh giá về hoạt động của tổ chức Công đoàn sau khi được thành lập trong doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước, Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Thanh khẳng định đã đạt được lợi ích kép: Chủ động bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ); tháo gỡ khó khăn hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả. Có được kết quả này là nhờ LĐLĐ quận nắm chắc tình hình hoạt động của DN, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ theo dõi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS.
Tổ chức Công đoàn giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.Ảnh: Nhật Nam |
Qua theo dõi cho thấy, nơi nào có tổ chức Công đoàn, nơi đó việc thực hiện các chế độ, chính sách với NLĐ được quan tâm đầy đủ hơn. Quyền lợi của NLĐ được bảo đảm, nhất là về bảo hiểm, chế độ lương, thưởng, cách tính giờ tăng ca… Điều này cũng diễn ra ở 98 CĐCS mới được thành lập của Công đoàn Các khu công nghiệp - chế xuất (KCN-CX) Hà Nội. Chủ tịch Công đoàn Các KCN-CX Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, cùng với sự ra đời của các CĐCS mới là hơn 73.000 đoàn viên phát triển thêm. Trong 5 năm qua, các CĐCS đã hỗ trợ hàng nghìn CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ.
Phải khẳng định, chính sự quan tâm sâu sát của công đoàn cấp trên cơ sở là “bà đỡ mát tay” cho CĐCS phát triển vững mạnh, chăm lo trực tiếp đời sống CNLĐ, thu hút NLĐ tham gia tổ chức Công đoàn. Bám sát chỉ đạo của Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, từ khi thành lập (tháng 9-2015), Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty CP Viha Thống Nhất luôn phối hợp thực hiện đầy đủ chế độ chính sách, quan tâm chăm lo đời sống, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Công đoàn đã phối hợp tổ chức nhiều phong trào thi đua gắn với khen thưởng thỏa đáng, động viên CNLĐ làm việc hăng say, trách nhiệm… Đây là chìa khóa giúp DN vượt qua khó khăn, xây dựng nhà xưởng, nhanh chóng ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Từng làm ở các công ty không có tổ chức Công đoàn, chị Giang Thị Thu (31 tuổi, công nhân Công ty TNHH Goko Spring Việt Nam, KCN Nội Bài) khẳng định rằng, Công đoàn đã chăm lo tốt đời sống, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Cần thêm nhiều giải pháp mới
Với kết quả thành lập mới gần 2.000 CĐCS, kết nạp hơn 213.000 đoàn viên trong DN ngoài khu vực nhà nước, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong nhiệm vụ này. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, có được kết quả này là do sự chỉ đạo khoa học, kiên quyết của Thành ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Các cấp Công đoàn thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành; từng bước tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực theo đuổi mục tiêu. LĐLĐ thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, thường xuyên cập nhật dữ liệu, tổ chức giao ban để đôn đốc thực hiện. Đặc biệt, các cấp công đoàn đã nỗ lực xây dựng được nhiều mô hình, cách làm mới, đa dạng hóa hình thức thu hút, tập hợp người lao động tham gia. Cùng với đó là đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nhất là đối với các chủ DN là người nước ngoài, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn... Đây là bí quyết giúp Công đoàn thành phố hoàn thành chỉ tiêu 100% DN có từ 30 lao động trở lên thành lập CĐCS; mỗi đơn vị công đoàn cấp trên cơ sở thành lập ít nhất một CĐCS theo phương thức mới quy định tại Điều 17 (Điều lệ Công đoàn Việt Nam)...
Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Là đơn vị được khen thưởng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Các KCN-CX Hà Nội thừa nhận, nhiều chủ DN chưa nhận thức đầy đủ, khiến công tác thành lập CĐCS, thu hút NLĐ vào tổ chức Công đoàn khó đạt chỉ tiêu (nhất là trong DN vừa và nhỏ, gặp khó khăn, sử dụng ít lao động). Chưa kể, không ít chủ sử dụng lao động không muốn thành lập CĐCS vì sợ Công đoàn đứng về phía NLĐ đòi hỏi nhiều quyền lợi. Một số NLĐ không muốn vào tổ chức Công đoàn vì xác định không làm việc lâu dài tại DN, không muốn đóng đoàn phí. Tình trạng DN phá sản, ngừng và tạm ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh dẫn tới cắt giảm lao động kéo theo nhiều CNLĐ bị mất, thiếu việc làm khiến công tác phát triển đoàn viên không thuận lợi…
Để vượt qua những trở ngại trên, theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, các cấp Công đoàn Thủ đô phải có quyết tâm cao, giải pháp đa dạng, linh hoạt để đủ sức thu hút, nâng cao chất lượng lao động, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.