Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Lộ trình của những nỗi đau

Hà Kiên| 08/12/2011 06:58

(HNM) - Kiên nhẫn là yêu cầu số một đối với tất cả các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn, bởi bệnh nào chứ bệnh này càng "dục tốc" thì càng "bất đạt". Đã xác định rõ tư tưởng là thế, nhưng không phải ai cũng dễ dàng vượt qua được vòng thử thách đầu tiên này…


Mướt mồ hôi qua các thủ tục

Từ 7 giờ sáng, bãi đỗ xe trước cổng Bệnh viện K, Bệnh viện Việt-Đức và Bệnh viện Phụ sản trung ương đã kín đặc. Vòng đi vòng lại đến hơn chục lần mà vẫn không tìm thấy một chỗ trống, vợ chồng chị Tú đành gửi ở một khách sạn gần đấy rồi "trốn" lên xe ôm để vào viện. 3 giờ đồng hồ sau tình trạng này vẫn không có gì thay đổi. Cảnh người đến khám bệnh cứ vòng xe đi, vòng xe lại bất lực nhìn biển báo "Hết chỗ" khiến cho ngã tư mấy con phố quanh đó luôn trong tình trạng ùn tắc.

Rút kinh nghiệm, hôm sau vợ chồng chị Tú đi sớm hơn 45 phút và đã kịp giành một chỗ cho "con ngựa chiến" của mình. Thoát khỏi cửa ải gửi xe là đến cửa ải xếp hàng để mua phiếu khám và làm xét nghiệm. Không biết mỗi ngày Bệnh viện Phụ sản trung ương có bao nhiều lượt bệnh nhân tới thăm khám, làm các xét nghiệm cũng như sử dụng dịch vụ khác, chỉ thấy lúc nào cũng ngột ngạt người từ sáng sớm tới chiều muộn.

"Đấy là mình sắp xếp khoa học, chờ đến đúng ngày được chỉ định làm xét nghiệm cả hai vợ chồng đi làm một thể. Chứ người nào không tìm hiểu kỹ, không nghe bác sĩ hướng dẫn thì còn vất vả và mất thời gian hơn nhiều", chị Tú cho biết.

Nhưng lòng kiên nhẫn khi tìm chỗ gửi xe hay xếp hàng làm xét nghiệm không thấm vào đâu so với những gì mà những người hiếm muộn tiếp tục trải qua suốt cả một quãng đường thật là dài đi tìm hạnh phúc.

Đó là quãng thời gian điều trị các bệnh phụ khoa (nếu có) như viêm lộ tuyến cổ tử cung, nhiễm nấm, nhiễm chlamydia; điều trị để làm tăng số lượng tinh trùng của người chồng. Đó là những lúc ngồi chờ đến lượt lên bàn thăm khám, chờ đến lượt siêu âm. Nhiều lúc đã nằm trên bàn trong tình trạng vô cùng tế nhị vẫn tiếp tục chờ thêm 15 phút nữa vì bác sĩ bận giải quyết những ca cần kíp hơn. Đó là quãng thời gian chờ để được duyệt làm thụ tinh nhân tạo IUI (bơm tinh trùng vào tử cung người vợ) hoặc được duyệt hồ sơ là IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Bây giờ đã là đầu tháng 12, vậy mà hồ sơ làm IVF mới đang duyệt đến tháng 6. Chị em làm IVF cứ đùa, chúng mình đúng là nghệ sĩ, vì chờ đợi cũng là một nghệ thuật. Đó là thời gian dùng đôi bàn tay ủ ấm ống tinh chất đã qua lọc rửa để chờ đến giờ được bơm vào buồng tử cung khi làm IUI. Trời nóng thì sợ ủ ấm quá khiến các tinh binh "bốc hỏa", còn trời lạnh thì sợ nhiệt độ không đủ sẽ làm chúng yếu đi…

Đó là ít nhất 9 ngày đi tiêm vào buổi sáng để kích trứng khi làm IVF. Rồi tất tả chạy đi làm xét nghiệm, tất tả đi nộp tiền, lấy thuốc, sau đó vội vã về để siêu âm theo đúng quy trình điều trị. Ngược xuôi như con thoi trong bệnh viện mà không thấy mệt, thấy đau, dù nhiều loại thuốc khiến bệnh nhân chóng mặt hay có cảm giác như say. Đó là thời gian chờ đến giờ nhận kết quả chọc hút trứng. Tim như thắt lại, miệng khô đắng khi y tá cầm một tập kết quả từ phòng vô trùng ra. Người ít trứng hoang mang lo lắng. Người nhiều trứng cũng chẳng dám vui, vì không biết trong 2-3 ngày nữa mọi chuyện thế nào. Đó là vài giờ sau khi chuyển phôi. Không dám thở mạnh, không dám nói to, không dám cựa mình, chỉ vì mầm sống mới được đưa vào cơ thể mẹ còn mong manh lắm, sơ sảy một chút nhỡ bé "trốn" mất thì sao!

10 đến 14 ngày sau chuyển phôi dài hơn 10, 14 năm. Nhiều chị em chọn phương án an toàn là bất động trên giường tối đa để giữ gìn cho mầm sống. Càng gần đến ngày thứ 14 sau chuyển phôi nỗi mong ngóng càng đậm đặc. Sau 14 ngày có người khóc òa khi nhìn thấy 2 vạch màu hồng trên que thử, người khác thì khóc khi niềm hy vọng tiếp tục tan biến.

Nhưng dù có khóc vì vui hay buồn thì mọi thử thách lòng kiên nhẫn của những bà mẹ, ông bố vẫn tiếp tục. Những người may mắn lại đếm các mốc thời gian đặt thuốc, làm xét nghiệm, siêu âm phôi thai, lặng người khi nghe tiếng đập nhẹ nhẹ của tim thai, đếm thời gian con yêu phát triển. Người kém may mắn lại tiếp tục quay về vạch xuất phát, tiếp tục kiên nhẫn trên con đường đi tìm tiếng khóc trẻ thơ.

Và những nỗi đau ám ảnh

Cầm tờ xét nghiệm trên tay, anh Mỹ (Thái Bình) thấy miệng khô khốc. Dùng không biết bao nhiêu là thuốc nhưng xét nghiệm tinh dịch đồ vẫn là con số không. Vậy là muốn có con, anh chị phải xin tinh trùng của người khác. Nghĩ đến đây tim anh như thắt lại: Anh là đích tôn của cả dòng họ lớn, nay xin "con" của người khác, không nói với cha mẹ thì suốt đời mang tội bất hiếu, lừa dối, mà nói thì mọi chuyện sẽ thế nào?

Khác với anh Mỹ, các chỉ số xét nghiệm của vợ chồng anh Lâm, chị Phương hoàn toàn bình thường, vậy mà kết hôn hơn chục năm rồi nhà vẫn chỉ có hai người. Sau 4 chu kỳ làm IUI không thành công, anh chị được chỉ định làm IVF. 10 nang noãn đẹp khi siêu âm, tối thiểu mình cũng được 8 trứng, Phương chắc mẩm. Nhưng rồi 10 được 4, 6 "trứng" kia hóa ra chỉ là nang nước. Hai ngày sau đến hẹn nằm trên bàn chờ chuyển phôi, chị ngập tràn hy vọng, cho đến khi y tá thông báo: "Bệnh nhân Phương chuyển 1 phôi", Phương luống cuống hỏi "1 phôi thì hy vọng nhiều hay ít ạ". "Nhiều hay ít phôi không quan trọng. Nhiều người đặt 5 phôi nhưng không đậu, có người chỉ 1 phôi mà vừa sinh con gái đẹp như tiên đấy, em đừng nghĩ ngợi nhiều", chị y tá vừa đẩy Phương ra ngoài phòng nghỉ vừa an ủi. 13 ngày trôi qua không có dấu hiệu bất thường, sáng mai có thể thử máu để biết kết quả. Vậy mà sáng sớm, trước khi đến bệnh viện thử máu, sau khi đi vệ sinh Phương thấy có dấu hiệu màu hồng nhạt trên giấy thấm. Đầu óc quay cuồng, vợ chồng chị vẫn đến viện. Dù đã có linh tính xấu, nhưng khi biết thất bại, Phương sụp xuống ngay tại cửa phòng xét nghiệm, người nhũn mềm và không nói một câu nào…

Còn chị Bích (Hải Phòng), dù biết rõ bệnh của mình, nhưng khi bác sĩ nói chị bị suy giảm chức năng buồng trứng, khả năng có con là vô cùng thấp, muốn làm IVF chị phải xin trứng của người khác, chị đã khóc tu tu như một đứa trẻ bị đòn oan. Bàn bạc mãi, cả hai quyết định sẽ xin làm IVF bằng "vốn" của mình cho đến khi nào không thể, lúc ấy mới nói với gia đình và xin con nuôi.

Đây là lần thứ 7 Ngọc làm IVF. Cô tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho những chị em lần đầu làm việc này. Ai cũng khen cô tháo vát, hiểu biết nhiều, khéo léo, lại xinh đẹp thế kia chắc chồng chiều phải biết. Sau khi chuyển phôi, trong khi những người khác được chồng, được mẹ đón, thì Ngọc lại gọi taxi và một mình lò dò lên xe. Mắt ngân ngấn nước, Ngọc bảo hôm nay chồng đi công tác nên phải đi một mình. Nhưng sự thật là, chỉ có lần đầu tiên Ngọc được chồng đưa đi đón về, những lần còn lại thì: "Việc cô thì cô tự làm, đưa đón làm gì cho mất thời gian, tôi còn phải kiếm tiền phục vụ cô đây. Mà lần này không được nữa thì chia tay. Chi phí làm ống nghiệm chia đôi".

Bốn câu chuyện trên chỉ là những hạt cát nhỏ trong sa mạc nỗi buồn của những người hiếm muộn. Trong quá trình điều trị thì người vợ chịu nhiều vất vả, đớn đau nhất. Thăm khám, làm xét nghiệm, siêu âm, chụp tử cung - vòi trứng, mổ nội soi khi có chỉ định, dùng không biết bao nhiêu loại thuốc, đau đớn toàn thân sau chọc hút trứng… sau mỗi lần điều trị sức khỏe và đặc biệt là tinh thần của chị em giảm sút rõ rệt. Các ông chồng tuy chỉ phải làm một vài xét nghiệm, nhưng áp lực lại không phải nhỏ, nhất là khi lấy tinh chất, vì nó đánh đúng vào tâm lý đàn ông của họ. Ở trong khung cảnh lãng mạn làm việc này đã khó, vậy mà chỉ một mình với chiếc giường bé xíu và chiếc quạt treo tường, thử hỏi…?

Nỗi đau thể xác sẽ nhạt nhòa dần theo thời gian, nhưng còn nỗi đau tinh thần, nỗi đau không thể gọi tên cứ ám ảnh mãi.

Hạnh phúc lớn nhất với những người hiếm muộn khi đang mang trong mình mầm sống chỉ đơn giản là mỗi ngày trôi qua trong bình yên. Vậy mà sao khó thế! Đau đớn nhất vẫn là những trường hợp sau bao tháng năm chờ đợi được đón con về rồi lại để mất con yêu mà không biết vì sao. Có rất nhiều người thai đang phát triển tốt, sắp tới ngày mẹ tròn con vuông, thì con lại từ biệt mẹ đi tìm nơi vui chơi khác. Vẫn biết rủi ro luôn thường trực, rình rập mỗi ngày, nhưng sao không thể đối diện được, chấp nhận được. Sau khi bên nhau dù chỉ vài ngày, vài tuần, hay nhiều tháng, khi đứa con rời xa, thì nỗi ám ảnh, sự dằn vặt vẫn theo người mẹ, người cha suốt cuộc đời, ngay cả sau này họ may mắn đón được một bào thai khác. Sau mỗi lần thất bại, chỉ có người nào bản lĩnh lắm thì mới có thể tự nhủ chưa có cơ duyên. Nghĩ thế mà vẫn thấy lòng quặn thắt...!

(Còn nữa)

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Lộ trình của những nỗi đau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.