(HNM) - Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt các chương trình kích cầu thị trường nội địa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, khôi phục sản xuất. Nhờ đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 3.045 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2019; trong đó thương mại đạt 2.394 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3%.
Kích thích tiêu dùng nội địa
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ tháng 6-2020 đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại có quy mô lớn. Điển hình như hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa Hà Nội với 52 tỉnh, thành phố; tuần hàng Việt Nam; tuần hàng đặc sản vùng miền; sự kiện khuyến mại “Hà Nội đêm không ngủ”...
Đặc biệt, khác với mọi năm khi chương trình khuyến mại tập trung chỉ tổ chức vào tháng 11, năm nay thành phố Hà Nội quyết định tổ chức trong ba tháng 6, 7 và 11 trên toàn địa bàn thành phố, với mức khuyến mại lên tới 100%. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trong hai tháng khuyến mại tập trung 6 và 7-2020, tổng giá trị giao dịch lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, thu hút sự tham gia của 4.963 doanh nghiệp.
Hưởng ứng chương trình kích cầu tiêu dùng của thành phố, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đồng loạt triển khai hoạt động kết nối, bán hàng, khuyến mại… Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, các chương trình khuyến mại, kết nối cung cầu được siêu thị tổ chức liên tục trong năm, thay vì chỉ thực hiện dịp cận Tết như thông lệ. Tương tự, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã tổ chức gần 20 chương trình liên kết vùng miền, xúc tiến thương mại, kích cầu mua sắm. Theo thống kê, qua các chương trình kết nối, hệ thống Vinmart tiêu thụ lượng hàng hóa khoảng 44.000 tấn, giá trị đạt 560 tỷ đồng; BigC Thăng Long cũng tiêu thụ 10.520 tấn, giá trị đạt 206 tỷ đồng; Co.opmart Hà Đông ước tiêu thụ 3.800 tấn, giá trị đạt 80 tỷ đồng...
Về phía doanh nghiệp, theo Giám đốc Công ty Sako Foods (chuyên kinh doanh thực phẩm, địa chỉ: Số 27 ngách 39, ngõ 108 Trần Phú, quận Hà Đông) Nguyễn Thị Thu Nguyệt, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của thành phố Hà Nội, doanh nghiệp đã hoàn thiện quy trình sản xuất để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chung cư N05 Nguyễn Thị Thập, quận Thanh Xuân) chia sẻ, các hội chợ, tuần hàng Việt Nam hay chương trình khuyến mại tập trung... là dịp để người tiêu dùng Thủ đô mua sắm hàng hóa, đặc sản vùng miền với mức giá hợp lý. Quan trọng hơn, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, các chương trình kích cầu tiêu dùng của thành phố góp phần phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, việc kết nối, hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ đã kích thích sản xuất.
Theo thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 3.045 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2019, trong đó thương mại đạt 2.394 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3%; từ đó bù đắp mức sụt giảm của dịch vụ khách sạn - nhà hàng (giảm 16,3%), du lịch lữ hành (giảm 49,5%), đưa ngành dịch vụ nói chung tăng 3,1%, đóng góp vào tăng trưởng chung của thành phố.
Mới nhất, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ” diễn ra cuối tháng 11-2020 đã tạo nên “cơn sốt” mua sắm, kích cầu tiêu dùng cuối năm. Ðại diện Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam cho biết, doanh thu của Trung tâm thương mại Aeon Hà Ðông tăng 314,7%, lượng khách tăng 213%; Trung tâm thương mại Aeon Long Biên tăng 206,6%, lượng khách tăng gần 200% so với các dịp cuối tuần khác... Tương tự, các doanh nghiệp tham gia chương trình, kể cả các sàn thương mại điện tử, đều ghi nhận mức tăng trưởng về doanh thu từ 30% đến 240%, và lượng khách tham quan mua sắm tăng đến hơn 200%. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Phương Lan, ý nghĩa của chương trình không chỉ ở những con số mà đây còn là cơ hội khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tạo ra không gian mua sắm, vui chơi, giải trí cho người dân.
“Sở sẽ đánh giá cụ thể để tham mưu thành phố xây dựng các chương trình tương tự trong kế hoạch kích cầu năm 2021. Chúng tôi cũng cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội; trước mắt là đưa sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ” thành chương trình thường niên của Tháng khuyến mại Hà Nội hằng năm”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.
Chỉ còn một thời gian ngắn sẽ đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Những nỗ lực kích cầu mua sắm cuối năm vẫn đang được thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp thực hiện. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.