(HNM) - Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế cũng còn những hạn chế cần khắc phục, nhất là kết quả chưa đồng đều giữa các địa phương.
Chăm sóc rau hữu cơ tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất). Ảnh: Bá Hoạt |
Khó với tiêu chí “mềm”
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" (Chương trình 02), thành phố hiện có 294 xã cán đích nông thôn mới, chiếm 76,16% tổng số xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 22,22% tổng số huyện. Tuy vậy, kết quả đạt được chưa đồng đều giữa các địa phương. Trong khi một số huyện đã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới thì tại các huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây, số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới rất thấp. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cũng có sự chênh lệch. Trong khi một số huyện như: Hoài Đức, Đông Anh, Thạch Thất... thu nhập bình quân đầu người đạt từ 40 đến hơn 50 triệu đồng/người/năm thì tại huyện Ứng Hòa chỉ tiêu này mới đạt 32,3 triệu đồng/ người/năm, Mỹ Đức 34,1 triệu đồng/người/năm, Phú Xuyên 35,8 triệu đồng/ người/năm…
Những năm gần đây, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đã có nhiều đổi thay, kinh tế hộ gia đình khấm khá hơn, nhưng chưa bền chắc. “Đầu năm 2017, An Phú đã ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn nhưng đến giữa năm, lũ rừng ngang đổ về làm hàng trăm héc ta nuôi trồng thủy sản, cấy lúa... đang vào kỳ thu hoạch bị mất trắng. Nhiều hộ dân lại rơi vào cảnh khó khăn” - Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự chia sẻ. Theo ông Ngự, để thoát nghèo bền vững, người dân địa phương rất cần được hỗ trợ vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, “bày cách” làm kinh tế...
Xây dựng để đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, giữ vững thành quả còn khó hơn. Các tiêu chí nông thôn mới liên tục thay đổi theo hướng ngày càng cao hơn, nếu không quan tâm thường xuyên, rất có thể các địa phương sẽ bị “tuột dốc”, đặc biệt là với nhóm tiêu chí “mềm” như: Thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, an ninh quốc phòng hay môi trường và an toàn thực phẩm.
Thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) có nghề thu mua phế liệu gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân bởi môi trường ô nhiễm. Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Khuất Văn Thảo cho biết, việc xử lý, sơ chế phế liệu diễn ra ngay tại khu dân cư nhưng chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Còn theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phúc Thọ, phế liệu thu mua, tập kết ở thôn Bảo Lộc được xếp vào diện nguy hại. Riêng bãi tập kết rác ở thôn Bảo Lộc tồn đọng 200 tấn rác thải nguy hại nhưng địa phương đang bế tắc trong khâu xử lý. Những tồn tại về ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng tới thành tích xây dựng nông thôn mới của địa phương này.
Chỉ tiêu người dân nông thôn được sử dụng nước sạch của Hà Nội mới ở mức 49%, chưa đạt kế hoạch đề ra năm 2017 là 61,5% và năm 2018 là 74,5%. Con số này cũng còn thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. |
Chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 cũng đã chỉ rõ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực với những kết quả khả quan nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý đổi mới còn dè dặt. Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp còn thấp (2,1%). Trong khi đó, kết quả thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Xây dựng nông thôn mới là phải thu hút được sự tham gia, vào cuộc, hưởng ứng tích cực của người dân, bởi xét đến cùng thì người dân chính là chủ thể hưởng lợi từ chương trình. Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 tính cho đến hết tháng 3-2018 là hơn 25.000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu vẫn là từ ngân sách. Việc huy động nguồn vốn xã hội chỉ đạt hơn 2.248 tỷ đồng (chưa tới 9%)...
Ban Chỉ đạo Chương trình 02 chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế trên. Chẳng hạn như, thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tăng thêm 10 chỉ tiêu mới, yêu cầu của từng chỉ tiêu cũng cao hơn so với Bộ tiêu chí cũ. Trong khi đó, địa bàn Thủ đô Hà Nội rộng, số đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực nông thôn lớn, với cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, đòi hỏi nguồn lực đầu tư không nhỏ. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý cấp xã một số nơi còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ trách nhiệm không cao; uy tín thấp, ảnh hưởng đến công tác vận động nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn ở một số địa phương còn dàn trải. Sự phối hợp giữa các sở, ngành và giữa sở, ngành với các huyện, thị xã trong một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Các dự án nhà máy cấp nước sạch tập trung của thành phố từ nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đuống, sông Đà (giai đoạn 2) đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa hoàn thành nên chưa đáp ứng được đủ nhu cầu cấp nước sạch sinh hoạt cho một số huyện thuộc phạm vi của các dự án này. Thấy rõ nguyên nhân của những hạn chế, TP Hà Nội đã có giải pháp phù hợp để tháo gỡ từng khó khăn.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.