(HNM) - Không chỉ lãng phí bạc tỷ, gây ô nhiễm môi trường, những con tàu
Tàu Vinashin Atlantic. |
"Lô cốt" trên biển
Tháng 10, 11 hằng năm là cao điểm mùa mưa bão ở các tỉnh phía Nam và hiện là thời điểm các cơ quan chức năng đang "toát mồ hôi" lo ngại cho sự mất an toàn hàng hải. Ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh lo ngại, hai tàu Sông Gianh và Vinashin Bay đã neo đậu thời gian quá lâu, trong khi các trang thiết bị hàng hải không còn an toàn. Đơn cử như chất lượng dây neo rất kém, nếu bão gió mạnh có thể đứt bất cứ lúc nào. Nghiêm trọng hơn, các bộ phận trên các tàu này như máy chính, máy đèn, tời dây, tời neo và trang thiết bị hàng hải đều không hoạt động được. Chưa kể, tàu Sông Gianh còn chứa trong "bụng" hàng chục sà lan nặng khoảng 200 tấn/sà lan, làm cho trọng lượng tàu càng nặng hơn. Nếu xảy ra tình huống không may đứt dây neo, các khối sắt khổng lồ đó trôi dạt trên sông có thể gây hậu quả nặng nề cho tàu thuyền qua lại. Một loạt tàu khác tại TP Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng mất an toàn tương tự như tàu Shipmarin 09 và 10; Blue Viship; Trãi Thiên 68 và 86.
Cùng cảnh ngộ, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, tàu Vinashin Atlantic chỉ đậu cách luồng khoảng 3 hải lý và chỉ còn một dây neo trong tình trạng mất an toàn không biết sẽ bị đứt khi nào, còn neo dự phòng thì hoàn toàn không có. Nếu xảy ra bão gió, đứt dây neo, con tàu hơn 80.000 tấn này sẽ là hiểm họa khó lường cho an toàn hàng hải. Nguy hiểm hơn, hiện tàu không có đèn pha, đèn báo hiệu, tiềm ẩn nguy cơ tàu khác đâm va phải. Ông Chiến cho biết, ông đã gọi điện nhiều lần đến chủ tàu hối thúc mua tạm ắc quy để thắp sáng nhưng họ vẫn phớt lờ. Nhớ lại, trước đó, ngày 2-1-2012, tàu Vinashin Atlantic đã bị trôi neo và va chạm với 2 hàng đáy tại vùng biển thuộc Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và mắc cạn cách mũi Vũng Tàu 7 hải lý về phía tây nam. Tai nạn làm hàng đáy bị sập hoàn toàn và một ngư dân đang canh giữ đáy bị rơi xuống biển mất tích đến nay chưa tìm thấy xác. Theo kết luận của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn này là do Vinashin Atlantic neo đậu đã lâu, nhưng chủ tàu không sửa chữa, duy tu máy móc, trang thiết bị trên tàu. Khi xảy ra sự cố, thuyền viên và sĩ quan không thể vận hành được các máy móc, thiết bị phù hợp để ứng phó và khống chế nên tàu bị trôi dạt.
Cũng như TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng rất bức xúc và lo lắng cho an toàn hàng hải trong khu vực. Với ụ nổi Dock M83, ông Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai cho biết, do khó khăn về tài chính nên Vinalines đã cắt hợp đồng lai dắt hỗ trợ với Công ty dịch vụ Cảng Đồng Nai. Công ty này chỉ bố trí hai nhân viên trực tại ụ nổi, không kiểm tra thay thế dây buộc, do đó đã làm ảnh hưởng đến phương án bảo đảm an toàn trong thời gian neo đậu. Cảng vụ đã nhiều lần mời Vinalines đến bàn và lên phương án chuyển Dock M83 đến vị trí phù hợp nhưng sự việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Cảng vụ đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra định kỳ nhắc nhở chủ phương tiện phải bố trí người trực, bổ sung các dây buộc trong thời gian chờ di dời và phải có phương án an toàn nhất là trong mùa mưa bão. Tuy nhiên đến nay, Vinalines vẫn chưa đáp ứng.
Chỉ là giải pháp tạm thời
Xung quanh sự nguy hiểm mất an toàn hàng hải, trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật cho biết, đến nay, Cục đã tiến hành kiểm tra 81 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phát hiện 78 lượt tàu với gần 700 khiếm khuyết; kiểm tra 63 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, phát hiện 56 lượt tàu với gần 500 khiếm khuyết. "Trong điều kiện tàu neo đậu dài ngày, các chủ tàu không đủ khả năng tài chính để cung cấp nhiên liệu, không bố trí đủ thuyền viên trực ca, bảo đảm các điều kiện an toàn, kỹ thuật cho tàu. Vì thế, khi mùa mưa bão đến, những con tàu này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn thông suốt của tuyến luồng hàng hải ra, vào cảng biển. Do đó, Cục đã trực tiếp chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải các tỉnh, thành phố trên cả nước có tàu neo đậu dài ngày trên luồng sông, cảng biển phải quản lý chặt chẽ các tàu này; thường xuyên có các biện pháp an toàn đối với các tàu và yêu cầu các chủ tàu phải thực hiện đúng quy định của ngành hàng hải; kiên quyết xử lý dứt điểm đối với những chủ tàu sai phạm", ông Nhật nhấn mạnh.
Đối với các chủ tàu, theo ông Nguyễn Nhật, lúc này hoạt động của các công ty tàu biển rất khó khăn, trong khi chi phí hoạt động cho các con tàu thường rất cao. Do đó, đối với các chủ tàu nước ngoài, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu họ có cam kết về niên hạn neo đậu, không thể để kéo dài như hiện nay. Với tàu trong nước, Cục yêu cầu các chủ tàu trước mắt vẫn phải bảo đảm duy trì hoạt động, bố trí đủ thuyền viên trực, khi có bão thì không để mất kiểm soát. Đối với tàu đang hoạt động được, Cục yêu cầu các chủ tàu đưa tàu hoạt động trở lại, còn một số phương tiện quá hạn, không chạy được nữa sẽ có phương án xử lý thích hợp. Trong số các chủ tàu, theo ông Nhật, vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là việc tìm ra lối thoát đối với các tàu do Vinashin là chủ sở hữu (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy). Bộ GTVT và Cục Hàng hải cũng đã yêu cầu chủ tàu phải có trách nhiệm với các thuyền viên, đặc biệt, các chế độ lương thưởng, điều kiện làm việc, lương thực... phải được chi trả đúng quy định. Về mặt quản lý nhà nước, hiện cơ quan chức năng đang tạo mọi điều kiện khung pháp lý để hỗ trợ tối đa. Cụ thể, Cục Hàng hải cũng đang nghiên cứu phương án giảm phí luồng lạch, phí neo đậu trình Chính phủ và Bộ Tài chính. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét vấn đề giảm thuế VAT trong vận tải biển và đề xuất giảm phí thuế thu nhập cho những người đi tàu.
Có thể thấy, giải pháp trên vẫn chỉ là tạm thời. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay việc xử lý các con tàu "ma" cũng đang được cân nhắc kỹ. Về phương án phá dỡ tàu, hiện cơ quan chức năng vẫn phải xem xét, đánh giá tác động môi trường và vấn đề quy hoạch vị trí các nhà máy phá dỡ tại địa phương đó, nếu mọi vấn đề đều đáp ứng tốt thì có thể thực hiện được. Bộ GTVT cũng đã họp rất nhiều lần với các chủ tàu, đồng thời làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt làm việc với bên buôn bán nợ hay bảo lãnh về vốn. Tuy nhiên, hiện vấn đề phát triển ngành công nghiệp phá dỡ tàu thủy vẫn đang dừng lại ở chủ trương.
Được biết, gần đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý, phá dỡ tàu biển neo đậu dài ngày gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải. Bộ GTVT nêu quan điểm là không tạo cơ chế riêng để hợp pháp hóa việc phá dỡ các tàu thuộc loại này, trừ khi Chính phủ trong thời gian tới có chủ trương phát triển công nghiệp phá dỡ tàu. Theo đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thống kê, đánh giá đối với từng loại tàu để đề xuất hướng giải quyết cụ thể. Trong trường hợp chủ tàu không hợp tác, cố tình neo đậu dài ngày, không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định, Bộ sẽ đề nghị cơ quan luật pháp kiên quyết xử lý theo đúng quy định hiện hành cũng như thông lệ quốc tế như: Khởi kiện ra tòa, phát mại tài sản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.