Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Hát nhép, hát nhảm, “bệnh” của showbiz Việt?

Hoàng Vũ| 29/05/2011 03:47

(HNM) - Nhiều ca sĩ tên tuổi liên tiếp vấp phải sự cố quên lời các ca khúc quen thuộc; ca sĩ hạng trung thì lộ hát nhép, còn những người cố đạt giấc mơ ca sĩ lại tìm đến sự nổi tiếng bằng cách… hát thật dở. Dường như, làng giải trí Việt gần đây đang xuống dốc bởi sự thiếu nghiêm túc của một số nghệ sĩ.

Hát nhép, quên lời: bệnh nan y khó chữa?

Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có Công văn số 842/NTBD hướng dẫn các Sở VH-TT&DL quản lý, phát hiện và xử lý "phong trào hát nhép" trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật được cấp phép trên địa bàn. Theo quy chế mới, bắt đầu từ ngày 1-1-2010 hành vi hát nhép (lip-sync) dùng giọng hát thu sẵn trong băng, đĩa phát ra thay cho giọng hát thật sẽ bị cấm theo "Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng" đã được ban hành kèm Nghị định 103/2009/NĐ-CP. Thế nhưng, tình trạng hát nhép không hề thuyên giảm.

Quỳnh Nga, một trong những ca sĩ trẻ vừa dính scandal hát nhép. 

Hát nhép trên truyền hình, thậm chí là trong những show diễn có bán vé vẫn diễn ra thường xuyên, đến mức mà nhiều người coi đó là điều đương nhiên. Thế nhưng, sự nhân nhượng của công chúng cũng có giới hạn. Họ phẫn nộ vì thấy mình bị xúc phạm, bị lừa dối và bị coi thường khi cái sự "nhép" trở nên quá lộ liễu, rất gần với thái độ phỉ báng khán giả.

Năm 2007, khi ca sĩ Khánh Linh làm rơi micro nhưng tiếng hát vẫn vang lên để lộ hát nhép một cách lố bịch trong chương trình "Khát vọng mùa xuân" tại Rạp xiếc trung ương, công chúng lúc đó đã không ngừng chỉ trích nữ ca sĩ này. Gần đây, trường hợp đánh rơi micro của "cá sấu" Quỳnh Nga trong chương trình "Trái tim mùa đông" đầu tháng 5-2011 tại Hà Nội khiến những khán giả teen, những fan cuồng và dễ bị kích động vô cùng thất vọng về cô. Trên khắp các diễn đàn, các trang báo là sự phê phán, phẫn nộ của khán giả. Chưa hết, cùng với "vận đen" của Quỳnh Nga, ca sĩ trẻ Thu Thủy cũng bị phát hiện hát nhép khi nhảy rất sung khi trình bày ca khúc Microphone và đánh rơi micro. Cả hai ca sĩ đã phải chịu "búa rìu" dư luận suốt thời gian qua. Họ bị lên án là "trơ tráo, lố bịch", là dối trá, phản bội sự hâm mộ và tình yêu mà khán giả đã dành cho. Suy cho cùng, sự phẫn nộ của công chúng cũng là hệ quả tất yếu sau chuỗi thời gian dài họ phải chấp nhận tật hát nhép của ca sĩ như một sự hiển nhiên.

Vấn nạn hát nhép của các ca sĩ không phải bây giờ mới bị lên án, chỉ trích, mà từ rất nhiều năm nay, công chúng đã lên tiếng về cách làm nghệ thuật dối trá của một số người. Tuy nhiên, dù có ra sức lên án thì hát nhép vẫn tồn tại, như thể đó là bệnh nan y mãn tính không thể chữa của công nghệ biểu diễn ở Việt Nam. Ngay trong giới nghệ sĩ, khi được hỏi nhiều người cũng tỏ ra không hài lòng về cách làm việc thiếu nghiêm túc của một số "con sâu", vì theo họ, những cá nhân này làm họ bị ảnh hưởng, xấu mặt lây. Nhưng có vẻ đó chỉ là những ý kiến "vô thưởng vô phạt" bởi ai cũng hiểu làm nghề ca sĩ thì khó tránh hát nhép, dù đó là do chủ quan hay khách quan. Nguyên nhân khách quan cũng có, như ca sĩ đổ lỗi cho nhà đài, đơn vị tổ chức không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, nhưng cái sự "nhép" chủ yếu là do bệnh "lười" của ca sĩ, xuất phát từ sự thiếu ý thức, thiếu tự tin về thực lực bản thân. Ai cũng biết, hát ở phòng thu với sự hỗ trợ của công nghệ, thiết bị điện tử khác một trời một vực với biểu diễn trên sân khấu. Khi ca sĩ không tự tin ở giọng hát thật của mình, đương nhiên họ phải cậy nhờ kỹ thuật và phương án phổ biến là… "nhép".

Cùng với hát nhép, chuyện quên lời, chế thêm lời, hát sai nội dung tác phẩm cũng khiến những người yêu nhạc suy nghĩ. Thất vọng hơn, khi ngay cả những ca sĩ tên tuổi, danh tiếng như cồn cũng liên tiếp mắc lỗi này. Ca sĩ Mỹ Linh được khán giả yêu mến dành tặng mỹ từ "diva" (ca sĩ có đẳng cấp cao), thế nhưng sau hai sự cố hát sai lời diễn ra liên tiếp, Mỹ Linh cũng khiến những người hâm mộ buồn lòng và thất vọng. Trong đêm nhạc Thanh Tùng diễn ra ở Hà Nội, chị hát sai lời hai tác phẩm rất nổi tiếng và đã được chị thể hiện nhiều lần là "Giọt nắng bên thềm" và "Vĩnh biệt mùa hè". Lần thứ 2 chị lại tiếp tục mắc lỗi khi hát "nhảy cóc", thậm chí "chế" thêm lời "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Điều đáng nói là ca khúc này thuộc dạng "bài tủ" của chị, từng được Mỹ Linh hát nhiều lần trong nhiều chương trình và còn được một đơn vị thu làm nhạc quảng cáo. Dù Mỹ Linh có biện minh đó là sự cố hy hữu, là do tâm lý không ổn định thì lời xin lỗi của diva này cũng khó mà lấy lại được lòng tin mà khán giả đã dành cho. Nếu Mỹ Linh tập rượt cẩn thận ca khúc trước khi trình diễn, nếu chị để tâm một chút vào ca khúc thì có lẽ chẳng có yếu tố ngoại cảnh nào có thể khiến một ca sĩ có nghề, có nhiều kinh nghiệm như chị lại bị mắc lỗi quên lời trầm trọng như vậy. Với người nghe nhạc, khi họ phải bỏ ra tiền triệu để thưởng thức nghệ thuật thì sự cố này chỉ có thể giải thích là cách làm việc thiếu nghiêm túc, cẩu thả của ca sĩ. Ca sĩ hát sai tác phẩm không chỉ thể hiện sự coi thường tác giả, mà nghiêm trọng hơn là coi thường người nghe, đánh giá thấp thị hiếu và khả năng thẩm định của công chúng.

Sự cố Mỹ Linh chỉ là một ví dụ nhỏ gần đây, nhưng là bài học lớn đối với ai theo đuổi mộng ca sĩ, đặc biệt là những người tài danh. Sẽ còn nhiều ca sĩ quên lời, hát nhép nếu như họ không thật sự suy nghĩ nghiêm túc về lao động nghệ thuật.

Hát nhảm bị "chửi", dễ nổi

Một trào lưu đáng sợ khác của làng giải trí Việt hiện nay là xu hướng thể hiện "phản nghệ thuật". Ôm mộng ca sĩ mà không đủ tài, đủ lực hát hay thì phải làm cho thật dở để bị công luận lên án, càng có nhiều người lên án thì chủ nhân của những tác phẩm dở đó sẽ càng được nhiều người biết đến. Nguy hiểm hơn là trào lưu này ngày một thịnh và số người lựa chọn con đường "lao dốc" này ngày một nhiều. Gần đây, một loạt ca khúc mà nhiều người gọi là "thảm họa âm nhạc" liên tiếp được tung ra thị trường. Đáng nói là những bài hát này được chế tác dở… một cách bài bản, có chủ đích rõ ràng chứ không đơn thuần vì tác giả - ca sĩ kém mà ca từ mang màu sắc quằn quại, đau khổ, thất tình như công chúng từng biết. Tâm điểm của xu hướng này là Phương My, "ca sĩ từ trên trời rơi xuống" bỗng được nhắc đến nhiều khi xuất hiện trong một clips trên Youtube với bộ dạng không thể kinh dị hơn cùng ca khúc khiến ai nghe cũng phải kinh hãi, có tựa đề "Nói dối". Chỉ vẻn vẹn vài câu nhưng "Nói dối" thật sự khiến ai nghe cũng bị sốc:"Nói dối, nói dối, nói dối. Nói dối làm tim tan nát. Nói dối làm trái tim đau. Khi đã yêu nhau trong đời, khi đã tin yêu thật rồi, tại sao tại sao tại sao? Tại sao anh lại nói dối? Vì sao vì sao vì sao? Vì sao anh lại dối em?... Hãy nên thật thà đừng nên nói dối, có biết nói dối là sao không hả? Một khi nói dối sẽ mất tất cả. Sẽ mất tất cả có biết không hả?!".

Bắt chước phong cách kỳ dị của Lady Gaga và học tập cách gây chú ý bằng việc hát dở của Rebecca Black - chủ nhân của ca khúc "Friday" tệ nhất lịch sử Youtube, clips của Phương My có một lượng người xem khổng lồ, nhưng cũng bị lên án và bị "ném đá" rất nhiều.

Giống Phương My, album gần đây của ca sĩ Phi Thanh Vân cũng khiến người nghe phát hoảng. Ca khúc "Tâm hồn là vĩnh cửu" táng thẳng vào tai người nghe thứ ca từ "không giống ai": "Phụ nữ chẳng có ai xấu, mà chỉ có không biết chăm sóc làm đẹp mà thôi. Ngày xưa em cũng như mọi người. Nhưng từ khi biết điểm tô sắc đẹp... đời em nay đã đổi thay! Từ khi có chút nhan sắc... thì em mới hiểu đẹp xấu chỉ là phù du!". Người nghe muốn nổi da gà khi "người đẹp dao kéo" này cất giọng. Nhiều người chê tức là nhiều người biết cô, điều đó có làm Phi Thanh Vân hả hê? Trước đó, trong album đầu tay, Phi Thanh Vẫn cũng "đấm vào tai" người nghe bằng bài hát "Làn da nâu" với những ca từ vô thưởng vô phạt được tua đi tua lại: "Em sống trong khát khao. Em sống trong ước ao. Mang đến những ước ao. Mang đến những khát khao. Làn da nâu, làn da nâu, làn da nâu...".

Nghệ thuật là gì nếu có nhiều "tác phẩm" như Phi Thanh Vân và Phương My đã thể hiện và thể hiện không chút ngượng ngùng? Điều đáng lên án là để được nổi tiếng, không ít người đã lựa chọn giải pháp "ném đá vào nghệ thuật", coi khinh khán giả. Những điều này đang ngang nhiên tồn tại trong đời sống âm nhạc và chỉ có thể giải thích rằng, nó xuất phá từ thói quen hưởng thụ, "ăn sổi", không chịu vận động, lười sáng tạo nghệ thuật của một số nghệ sĩ. Họ sẵn sàng đánh đổi giá trị bản thân, sẵn sàng làm hỏng thẩm mỹ của công chúng chỉ để lấy cái danh hão, cho dù có phải hứng chịu búa rìu dư luận đi chăng nữa…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Hát nhép, hát nhảm, “bệnh” của showbiz Việt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.