(HNM) - Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nội dung quan trọng, trong đó, việc khơi dậy và nhân rộng nét đẹp văn hóa ứng xử của người Hà Nội được đặc biệt đề cao. Hiện tại, dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận,
Cha mẹ phải làm gương cho con cái trước hết là trong việc tuân thủ pháp luật. |
Tăng cường tuyên truyền - giải pháp quan trọng
Chương trình 04-CTr/TU xác định nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải gắn với những mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù của Hà Nội, gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Người tốt việc tốt", "Năm trật tự và văn minh đô thị"... nhằm tạo động lực thi đua ở từng người dân, gia đình, tổ dân phố. Trong đó, văn hóa ứng xử, nếp sống thanh lịch, văn minh - nét đẹp truyền thống được kết tinh từ hàng nghìn năm xây dựng và phát triển Thăng Long - Hà Nội được đặc biệt đề cao. Nếp sống đó đang tiếp tục lan tỏa trong cuộc sống hôm nay.
Với việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, công tác chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch trên địa bàn thành phố thời gian qua đã được tăng cường nhiều mặt. Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đề cao văn hóa ứng xử của người Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ thành phố còn đưa ra nhiều biện pháp nhằm khích lệ, nhân rộng những "điểm sáng" như tổ chức xét chọn và biểu dương công nhận danh hiệu "Công dân ưu tú Thủ đô", duy trì phong trào "Người tốt, Việc tốt"… Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo ngành GD - ĐT triển khai đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội", trong đó, năm học 2014-2015 là năm học thứ 4 tổ chức triển khai dạy đại trà cho học sinh từ tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, giúp các em rèn luyện, bổ sung kiến thức về kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử… Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng thông qua phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Những phong trào này góp phần định hướng và khẳng định giá trị văn hóa truyền thống và con người Thủ đô, sự cần thiết của môi trường văn hóa lành mạnh, quan hệ xã hội mang đậm tính nhân văn. Đó là cơ sở để các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội từng bước được củng cố, hoàn thiện.
Bộ quy tắc ứng xử: Đừng vì ngại khó mà không làm!
Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong văn hóa ứng xử, nhà văn Trần Chiến cho biết: Trong cuốn "A, đây rồi, Hà Nội 7 món", ông đã đề cập đến tình trạng nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đang bị tác động mạnh do nếp sống đô thị bị phá vỡ. Nhiều người từ các địa phương khác đến Hà Nội và coi đây là nơi tạm trú, chủ yếu là nơi kiếm tiền gửi về quê nhà. Không phải ai cũng coi Hà Nội là quê hương thực sự để vun đắp, tiếp nhận và phát huy tinh hoa văn hóa của nó. Đó là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử. Chưa kể, ở quê, với quan hệ họ hàng, làng xã chặt chẽ, với hệ thống hương ước, quy tắc từ bao đời, làm gì người ta cũng ngại sự soi xét của cộng đồng. Còn ở Hà Nội, mảnh đất tứ xứ đổ về, cái sự soi xét ấy thiếu hẳn, con người hành động tự do cá nhân quá, dễ dẫn đến ứng xử thiếu quy chuẩn. Trong bối cảnh ấy, nếu nói về việc xử phạt các hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, rất khó khả thi. Nhưng mặt khác, có làm vẫn hơn không. Hệ quy tắc ứng xử như một sự đánh động, định hướng xã hội hướng về những chuẩn mực tốt đẹp. Nhà văn Trần Chiến nhấn mạnh đến yếu tố gương mẫu, nói đi đôi với làm, của lãnh đạo trước nhân viên, của người lớn trước con trẻ, bởi chỉ có thể như vậy mới tạo được hiệu ứng thực sự, giúp mọi người tin tưởng và tự giác làm, học theo.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa ứng xử theo hướng tích cực, Hà Nội đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử thanh lịch, văn minh. Nội dung này thuộc Đề án xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, do Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL Hà Nội) là đơn vị thực hiện, phối hợp cùng khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số cơ quan trong quá trình triển khai. Đề án gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 tổ chức điều tra xã hội học về xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử đối với từng đối tượng (lãnh đạo cơ quan, tổ chức; thầy, cô giáo; người dân; cán bộ, nhân viên y tế…). Giai đoạn 2, nghiên cứu xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử đối với từng đối tượng. Giai đoạn 3, nghiên cứu xây dựng nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Hiện tại, đề án đã bước vào giai đoạn lấy ý kiến, tuyên truyền nội dung xây dựng quy tắc ứng xử nơi công cộng và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ai cũng hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc chấn chỉnh, nâng cao các giá trị văn hóa thông qua việc đề cao giá trị chuẩn mực về văn hóa ứng xử, nhưng rất nhiều người lo ngại về tính khả thi. Bởi hệ thống quy tắc ứng xử này mang ý nghĩa định hướng, tuyên truyền chứ không phải chế tài, khó có thể áp dụng để xử phạt hành vi phản cảm. Về điều này, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cho rằng: Nhiều người lo về tính khả thi của bộ quy tắc ứng xử, nhất là việc xử phạt hành vi nói tục nơi công cộng…. Nhưng, cần thống nhất với nhau một điều là khó mấy cũng phải bắt tay thực hiện, nếu không làm sẽ không biết khi nào mới có sự thay đổi về hành vi, văn hóa ứng xử. Bộ khung chung cho các khu vực đã được thống nhất, và chúng tôi đang cụ thể hóa trong khu vực công cộng. Hãy để nó ra đời, và dần điều chỉnh, phát triển theo sự vận động của xã hội.
Thực ra, việc thay đổi hành vi đòi hỏi phải có quá trình giáo dục lâu dài trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Đó không phải là việc riêng của ngành văn hóa, mà cần lộ trình cụ thể, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành và toàn xã hội. Với bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực, Hà Nội sẽ có những quy định cụ thể, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, vừa bảo đảm quyền công dân vừa làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng, qua đó, góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ về văn hóa ứng xử.
Trần Hướng Dương -Vụ phó Vụ Gia đình - Bộ VH,TT&DL Tôi nghĩ, muốn có sự thay đổi về văn hóa ứng xử theo hướng tích cực, hãy bắt đầu từ những việc thiết thực, cụ thể thay vì hô hào chung chung. Ví như ngày Gia đình Việt Nam, chúng tôi chọn chủ đề là "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương", bởi ngay từ một bữa cơm gia đình đúng nghĩa đã có biết bao bài học rất cụ thể về văn hóa ứng xử, từ "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", từ lời mời cơm, cách ứng xử có tôn ti trật tự trong gia đình, từ những câu chuyện gợi mở về sự dân chủ giữa các thế hệ… Càng cụ thể, gần gũi càng dễ nhân rộng nét đẹp trong cuộc sống, càng dễ tạo hiệu ứng tốt về văn hóa ứng xử. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.