(HNM) - Đất không làm dự án cũng thu hồi, văn bản trả lời của cơ quan chức năng chồng chéo và mâu thuẫn, người dân không biết phải hiểu như thế nào cho đúng. Đó là trường hợp của 49 hộ dân tổ 62, phường 3, quận Gò Vấp.
Theo Quyết định số 19/QĐ-UBND, do ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký ngày 4-1-2008, nhà đất của 49 hộ dân tổ 62, đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3, quận Gò Vấp thuộc diện phải thu hồi để lấy mặt bằng cho dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Tuy nhiên, sau quyết định này, nhiều văn bản của các cơ quan chức năng lại xác định dự án này, đoạn chạy qua khu vực nhà đất của 49 hộ dân chỉ là đường nối nhằm phục vụ nhu cầu lưu thông hành khách từ sân bay ra đường vành đai.
Sau nhiều lần khiếu nại, những thắc mắc của 49 hộ dân đã phần nào được làm rõ vào ngày 13-8-2008. Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, trong văn bản 6493/TNMT/QHSDĐ, đã xác định phần diện tích đất rộng 3.313,4m2 thuộc khu vực nhà đất của 49 hộ dân không thuộc phạm vi dự án. Ngày 30-8-2008, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản số 5495/UBND-MTĐT, khẳng định: Từ năm 1996, đường Nguyễn Thái Sơn, đoạn từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn, đã được điều chỉnh chiều rộng chỉ còn 20m. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đất của 49 hộ dân không thuộc diện phải giải tỏa cho dự án.
Nhưng điều kỳ lạ, trước đó 5 ngày, cụ thể ngày 25-8-2008, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh lại ký Quyết định 3659/QĐ-UBND nhằm bổ sung cho Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 4-1-2008, như sau: Thu hồi đất để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và trồng cây xanh theo quy định được duyệt. Như vậy, theo quyết định này thì toàn bộ diện tích hơn 3.313m2 nhà đất của các hộ dân tổ 62, phường 3 được thu hồi để trồng cây xanh. Tuy nhiên, quy hoạch cây xanh để làm gì và thực hiện như thế nào thì người dân không hề được biết dù quy định của pháp luật đã nêu rõ người dân phải được các cơ quan chức năng công khai cung cấp thông tin về quy hoạch.
Sai, nên phải né
Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có 3.812 hộ dân phải giải tỏa, trong đó có 2.841 hộ giải tỏa trắng, 971 hộ giải tỏa một phần. Cụ thể: quận Gò Vấp có 1.272 hộ; quận Bình Thạnh có 998 hộ; quận Tân Bình có 292 hộ; quận Thủ Đức có 1.250 hộ. |
Điều bất hợp lý là trong các quyết định thu hồi đất cũng như thông báo cưỡng chế do UBND quận Gò Vấp tống đạt đến người dân (theo đường bưu điện) vẫn xác định rõ thu hồi đất là để phục vụ dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Nhận thấy các quyết định thu hồi nhà đất của UBND TP Hồ Chí Minh và UBND quận Gò Vấp ban hành không phù hợp văn bản pháp lý về dự án đến thời điểm này, các hộ dân đã đề nghị được đối thoại trực tiếp với đại diện cơ quan chức năng về pháp lý của việc thu hồi nhà đất. Nếu các cơ quan chức năng giải thích đúng để người dân thông suốt thì họ sẵn sàng giao nhà đất để thi công dự án. Nhưng đề nghị này đã không được chấp nhận nên gần 5 năm qua, chính quyền các cấp của TP Hồ Chí Minh và người dân vẫn tiếp tục tranh cãi về thủ tục pháp lý của các quyết định thu hồi nhà đất tại tổ 62.
Các hộ dân đã tiếp tục khiếu nại quyết định hành chính và đề nghị Chủ tịch UBND TP phải trả lời khiếu nại theo đúng quy định của Luật Khiếu nại - Tố cáo. Thế nhưng UBND TP Hồ Chí Minh vẫn né tránh, không ban hành quyết định hành chính theo quy định của pháp luật. Điều này đã làm người dân mất quyền khiếu nại theo luật định. Trong khi lãnh đạo TP Hồ Chí Minh “lặng thinh”, thì ngày 19-4-2010, lực lượng chức năng quận Gò Vấp đã cưỡng chế kiểm kê nhà đất ở tổ 62. Ngay sau đó là thông báo: Nhà đất của họ không đủ điều kiện bồi thường mà chỉ được hỗ trợ di dời vì đây là khu vực dân cư tự phát (!?) Không đồng tình với cách làm của UBND quận Gò Vấp, các hộ dân đã gửi cho các cơ quan chức năng những văn bản chứng minh khu dân cư tổ 62 được hình thành và xây dựng đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể, sau giải phóng miền Nam, khu đất thuộc tổ 62 bây giờ tồn tại nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, tội phạm của chế độ cũ. Thực hiện chủ trương xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa, Đảng ủy và UBND phường 3, quận Gò Vấp đã quyết định đưa một số hộ là cán bộ, gia đình có công với cách mạng về ở ổn định tại khu vực này nhằm làm trong sạch địa bàn, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị. Nhờ vậy, điểm nóng tệ nạn đã được xóa bỏ. Về hành chính, khu vực dân cư này đã được quận Gò Vấp công nhận là tổ dân phố 62, gồm 49 hộ dân có nhà đất ổn định trên đường Nguyễn Thái Sơn.
Thế nhưng, thay vì chủ động kiến nghị các sở, ngành chuyên môn vào cuộc để giải quyết những khiếu nại của người dân một cách thấu tình đạt lý, UBND quận Gò Vấp lại thoái thác trách nhiệm, gây bất bình dư luận…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.