Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Hoàng Sơn - Nguyễn Mai| 04/06/2022 06:31

(HNM) - Bước đầu mang lại “hiệu quả kép”, song việc phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như chưa hình thành được thói quen trong mỗi gia đình, diện tích sinh hoạt của nhiều hộ dân chật chội nên khó thực hiện việc phân loại rác… Thậm chí, với nhiều mô hình đã triển khai thành công, khâu thu gom, xử lý rác vẫn chưa tạo thành chuỗi khép kín.

Công nhân Hợp tác xã Thành Công thu gom rác thải tại xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ).

Lộ dần bất cập

Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) thực hiện thí điểm mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn từ tháng 6-2021. Những ngày đầu triển khai, với sự vào cuộc tích cực của Hội Liên hiệp phụ nữ xã thông qua vận động, tuyên truyền, 106 hộ dân ở xóm Đê, xóm Chùa, xóm Đình và xóm Giữa đã phân loại rác thành 2 loại hữu cơ và vô cơ. Rác vô cơ được các đơn vị vệ sinh môi trường thu gom như bình thường, còn rác hữu cơ, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phối hợp với Hội Nông dân xã thu gom, chở ra ruộng để ủ phân. Tuy nhiên, mô hình chỉ thực hiện được 2 tháng thì phát sinh nhiều vấn đề và tạm dừng đến nay.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do địa phương không tìm được địa chỉ tiếp nhận rác hữu cơ để ủ phân. Hơn nữa, việc phân loại rác thải mới thí điểm tại các hộ dân, chưa có sự thống nhất về phương thức thực hiện nên lượng rác thải được phân loại tại nguồn như “muối bỏ bể” so với lượng rác thải phát sinh. 

Theo bà Nguyễn Thị Liên (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), cách phân loại rác thải tại nguồn để ủ phân chỉ phù hợp với các huyện, thị xã… còn khu vực nội thành gặp không ít khó khăn do không đủ quỹ đất để đặt thùng ủ phân hữu cơ. Do vậy, các gia đình vẫn để rác thải sinh hoạt chung vào một túi rồi bỏ ra xe rác, chưa thực hiện phân loại.

Tại một số địa phương đang thực hiện thí điểm mô hình trên, việc phân loại rác cũng mới được thực hiện tại hộ gia đình, còn quy trình thu gom, xử lý chưa được triển khai…

Cùng với đó, các đơn vị làm dịch vụ thu gom rác cũng chưa thể phân loại hoặc chỉ phân loại được một lượng rác nhỏ. Hơn nữa, các doanh nghiệp vệ sinh môi trường chưa đầu tư trang thiết bị, xe vận chuyển rác chuyên dùng để chứa rác hữu cơ và rác vô cơ mà tất cả rác thải sinh hoạt vẫn để chung rồi chở đi chôn lấp...

“Đứt gãy” từ quy trình thu gom, xử lý

Có nhiều nguyên nhân khiến việc phân loại rác thải tại nguồn chưa như kỳ vọng. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung cho biết, xã còn rất ít hộ làm nông nghiệp nên không bố trí được nơi chứa rác với số lượng lớn. Việc trả phụ cấp cho lực lượng thu gom rác hữu cơ đưa đến điểm tập trung ủ thành phân bón cũng là một vấn đề khó giải quyết.

Trước đó, trong giai đoạn 2006-2009, quận Hoàn Kiếm là địa phương thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Minh Phương thông tin, khi mới triển khai, người dân được hướng dẫn chia rác thải thành 3 loại: Rác hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế. Khi đó, dự án được đánh giá là tác động tích cực tới môi trường, giảm 30% lượng rác đưa đi chôn lấp, tiết kiệm chi phí xử lý rác... Tuy nhiên, do không còn nguồn kinh phí tài trợ nên dự án này đã kết thúc vào năm 2009. Ở thời điểm đó, việc phân loại mới được thực hiện tại nguồn thải, chưa có được quy trình thu gom, xử lý hoàn chỉnh.

Quan sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình hiện nay chủ yếu được đưa lên xe ép, chở về các bãi rác tập trung - kết thúc một quy trình thu gom, không có công đoạn phân loại. Lý giải về những vướng mắc trong thực hiện, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) Vũ Công Minh cho rằng, do số lượng phương tiện vận chuyển hạn chế, việc phân loại rác thải chưa được tổ chức đồng loạt ở các địa phương nên khi thu gom, xe chở cả rác thải đã phân loại và chưa phân loại để lấy đủ khối lượng vận chuyển.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn còn nhiều khó khăn, bất cập bởi người dân chưa xây dựng được thói quen phân loại rác. Mặt khác, với khu vực nội thành, hầu hết diện tích nhà ở của các gia đình nhỏ hẹp, việc để 3 thùng phân loại rác trong nhà là rất khó nên người dân không mấy mặn mà. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực thu gom, xử lý chất thải sau phân loại trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu. Thành phố chưa có cơ chế phù hợp để hỗ trợ thực hiện phân loại rác tại nguồn; chưa có định mức, đơn giá hay chính sách khuyến khích các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý cùng tham gia… Để tháo gỡ bất cập này, cần có sự đồng bộ cả về hạ tầng thu gom và xử lý rác thải sau khi phân loại tại nguồn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.