(HNM) - Như số báo ngày 20-8 đã nêu, Đại lộ Thăng Long đến nay còn nhiều hạng mục công trình vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều đoạn vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Có khuất tất trong đền bù giải phóng mặt bằng?
Trong quá trình tìm hiểu về nguyên nhân chậm tiến độ thi công Đại lộ Thăng Long tại khu vực huyện Thạch Thất, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với những thông tin có được. Hầu hết những người dân chúng tôi tiếp cận, trò chuyện đều cho rằng, có nhiều khuất tất trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại khu vực này, dẫn đến tình trạng chậm bàn giao mặt bằng sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thi công dự án tại khu vực huyện Thạch Thất. Thậm chí, khi được đề cập, những người dân trong khu vực xã Thạch Hòa còn đọc vanh vách những trường hợp khúc mắc do bị "dìm giá" cũng như những trường hợp được coi là "đẩy giá" nhằm trục lợi từ chính sách đền bù GPMB. Để "nói có sách, mách có chứng", một số người dân đã cử hẳn một anh xe ôm đưa chúng tôi vượt đường sang gặp ông Trần Văn Cử, ở thôn 2, xã Thạch Hòa (Thạch Thất) người được cho là đang "đối đầu" với chính quyền xã Thạch Hòa và huyện Thạch Thất trong các chính sách đền bù GPMB.
Nút giao Láng - Hòa Lạc vẫn còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. |
Chìa ra một xấp đơn dày cộp, ông Trần Văn Cử bức xúc: "Tôi đã làm nhiều đơn lắm, vừa khiếu nại, vừa tố cáo. Đã có kết luận thanh tra của UBND huyện Thạch Thất hẳn hoi. Nhưng tôi không tin vì còn nhiều khuất tất lắm!". Theo trình bày của ông Trần Văn Cử, nguyên nhân xảy ra tình trạng người dân khiếu nại các phương án đền bù là do các hộ không nắm được các chính sách của thành phố về hỗ trợ đền bù GPMB. Điển hình là chính sách đền bù theo Quyết định 108/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội ngày 29-9-2009. Theo đơn ông Cử viết, những nông dân sau khi biết tin từ các phương tiện thông tin đại chúng đã vô cùng phấn khởi về chính sách của thành phố. Thế nhưng, những thông tin mà họ tiếp nhận được chỉ là thông qua các phương tiện truyền thông chứ chưa hề được chính quyền địa phương công bố hay được họp dân để nghe phổ biến chính sách. Chính vì vậy, khi phương án đền bù GPMB được niêm yết công khai, nhiều hộ dân mới thắc mắc, khiếu nại do có hộ được hỗ trợ nhiều hơn mức thông thường. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Đức Doanh được chi hỗ trợ học nghề chuyển đổi đến 2 lần với số tiền hơn 1 tỷ đồng (lần 1 là hơn 380 triệu đồng và lần 2 là 688 triệu đồng).
Viện dẫn khoản 2 Điều 40 của Quyết định 108/QĐ-UBND, ông Cử cho rằng: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Tây (trước đây) và huyện Mê Linh đã được giao đất (đất dịch vụ, đất ở) nhưng chưa đủ hạn mức quy định thì được hỗ trợ bổ sung bằng tiền để chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 3,5 lần giá đất nông nghiệp quy định đối với diện tích đất nông nghiệp thực tế bị thu hồi nhưng tối đa không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương. "Với quy định như thế, liệu việc chi hỗ trợ cho hộ gia đình ông Doanh có đúng hay không?" - ông Cử đặt câu hỏi. Trong khi đó, ở những phương án đền bù, hỗ trợ GPMB khác cùng thời điểm được áp dụng Quyết định 108/QĐ-UBND, hầu hết các hộ dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp chỉ được áp mức giá 105 nghìn đồng/m2. Có những hộ bị thu hồi hơn 2.000m2 đất cùng hoa màu trên đất cũng chỉ được hỗ trợ tổng số tiền 241 triệu đồng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để trả lời những thắc mắc của ông Cử cũng như nhiều hộ dân của xã Thạch Hòa, mới đây nhất, UBND huyện Thạch Thất đã có Kết luận số 07 ngày 22-7-2013. Trong bản kết luận xác định: Nội dung thắc mắc, tố cáo của ông Cử liên quan đến hai vấn đề. Một là, cán bộ trong Ban Bồi thường GPMB lập hồ sơ chi trả bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất không đúng quy định dẫn đến UBND huyện phê duyệt phương án không đúng. Hai là, hộ ông Nguyễn Đức Doanh và hộ ông Đỗ Văn Quy, cùng ở thôn 2, xã Thạch Hòa được phê duyệt phương án cùng thời điểm nhưng mỗi hộ được áp dụng chính sách khác nhau.
Trả lời thắc mắc, Kết luận 07/KL-UBND huyện Thạch Thất cũng chỉ rõ: Hộ ông Nguyễn Đức Doanh có diện tích bị thu hồi là 2.682m2, trong đó có 200m2 đất ở. Trong khi đó, đối với hộ ông Đỗ Văn Quy, biên bản kiểm đếm ngày 16-9-2011 xác định tổng diện tích là 303m2 đất nông nghiệp. Tuy nhiên, kết luận vẫn cho rằng, sau khi hoàn thiện hồ sơ đền bù đối với hộ ông Nguyễn Đức Doanh, Ban Bồi thường GPMB huyện Thạch Thất tiến hành áp mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định là 5 lần giá đất nông nghiệp được giao. Trong khi đó, hộ ông Đỗ Văn Quy không được tính khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm được áp dụng theo khoản 1, Điều 40, Quyết định 108/QĐ-UBND. Theo đó, ông Quy "đã được xét giao đất đủ định mức diện tích tối đa theo Quyết định số 1098/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây trước đây nên không được hỗ trợ bằng tiền để chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm". Rõ ràng kết luận này còn nhiều điểm quá chung chung và người dân hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Liệu có hay không sự khuất tất, trục lợi trong công tác đền bù, GPMB trong dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long)?
Trao đổi với chúng tôi, ông Cấn Văn Lai, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Thạch Thất thừa nhận: Hiện nay, tại nút giao đường Láng - Hòa Lạc còn 9 hộ chưa thống nhất phương án bồi thường GPMB với tổng diện tích lên đến 1,3ha. Hầu hết các hộ cho rằng, họ không được đền bù thỏa đáng theo chính sách hiện hành. Ông Lai cũng cho rằng, có chuyện thắc mắc, khiếu kiện là do tiến độ của con đường kéo dài với các quyết định, chế độ được chuyển giao giữa tỉnh Hà Tây cũ với TP Hà Nội hiện nay khiến chế độ đền bù cho các hộ dân chênh lệch quá nhiều. Hơn nữa, chỉ tính nút giao Láng - Hòa Lạc đến năm 2007 mới có quyết định thu hồi với diện tích lên đến 52ha.
Nói như ông Lai cũng là một lý. Tuy nhiên, xét trên mức độ ưu tiên của từng dự án, UBND TP Hà Nội đã có nhiều công văn hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết triệt để tình trạng chậm GPMB dẫn tới chậm tiến độ thi công Đại lộ Thăng Long. Điều đó được thể hiện bằng các công văn của UBND TP Hà Nội số 11056/UBND-TNMT ngày 16-11-2009; công văn số 3823/UBND-TNMT ngày 31-5-2010, công văn số 5235/UBND-TNMT ngày
9-7-2010. Ngoài ra, ngày 29-11-2010, Ban Chỉ đạo GPMB thành phố cũng đã có công văn hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với đất có nguồn gốc do nông trường 1A giao. Tuy nhiên, dù đã rất nhiều công văn, hướng dẫn, chỉ đạo nhưng tính từ khi có quyết định thu hồi đất đến nay đã 5 năm, 52ha phục vụ cho nút giao Láng - Hòa Lạc trên địa phận xã Thạch Hòa và Hạ Bằng vẫn chưa thể bàn giao hết cho đơn vị thi công.
Chúng tôi được biết, trong số 9 hộ vướng mắc hiện nay, mới có 3 hộ đang được niêm yết công khai phương án đền bù, còn lại vẫn trong giai đoạn trình Hội đồng Bồi thường và hỗ trợ tái định cư huyện Thạch Thất phê duyệt. Với tiến trình này và những trình tự theo quy định về thu hồi đất như thẩm định, phê duyệt phương án, công khai phương án và tiến hành đền bù GPMB thì chắc chắn UBND huyện Thạch Thất sẽ không thể bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 8 tới đây, như lời ông Cấn Văn Lai hứa.
Được biết mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng mô hình quản lý Đại lộ Thăng Long với sự hình thành của Trung tâm Quản lý đường cao tốc Hà Nội. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án (không bao gồm kinh phí đầu tư hệ thống trạm thu phí) khoảng trên 127 tỷ đồng, bằng nguồn xã hội hóa đầu tư. Chúng tôi không thể hình dung nổi công tác quản lý giao thông trên Đại lộ Thăng Long sẽ vận hành ra sao khi mà nút giao quan trọng nhất ở cuối con đường đến nay vẫn chưa hoàn thiện?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.