Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Chế tài chưa theo kịp thực tiễn

Minh Ngọc| 16/11/2014 06:15

(HNM) - Trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa việc phát hiện, xử lý vi phạm đã khó, việc quản lý sao cho hoạt động này đi vào nền nếp, trở thành kênh vui chơi, giải trí thực sự lành mạnh, bổ ích, hấp dẫn người dân còn khó hơn.


Rất khó "nắm kẻ trọc đầu"

Nhiều điểm "nóng" về tệ nạn xã hội như những cơ sở kinh doanh karaoke hoặc núp bóng các DVVH khác tại địa bàn Long Biên, Gia Lâm, Cầu Giấy, Hoàng Mai… đã được dẹp bỏ, thay vào đó là các cơ sở hoạt động tương đối lành mạnh. Hầu hết cơ sở được cấp phép đều lắp đặt hệ thống camera theo dõi các phòng hát hay ở vị trí tiếp đón khách; có biển nhắc nhở khách hàng bảo quan tư trang, tài sản, không sử dụng ma túy, gây mất an ninh… Thế nhưng, loại hình dịch vụ này vẫn luôn nằm trong "tầm ngắm" của các cơ quan chức năng vì luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn hoặc gây mất an ninh trật tự, mất an toàn xã hội.

"Năm 2012, quận Long Biên vẫn còn một số cơ sở karaoke có sử dụng ma túy, chứa gái mại dâm hoặc xảy ra tình trạng đánh nhau. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, hiện tại Long Biên đã kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, nếu tệ nạn phát sinh thì việc xử lý cũng không dễ dàng. Nhiều lần chúng tôi kiểm tra các cơ sở kinh doanh lớn, chủ kinh doanh không có mặt, chỉ có người quản lý, hẹn lịch nhiều lần cũng không gặp được. Tìm hiểu thì được biết, có trường hợp đã đổi chủ, thay tên. Cần phải có biện pháp để "gò" chủ kinh doanh lại nếu họ vi phạm", ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng VH-TT quận Long Biên cho biết.

Tình trạng đổi chủ không báo cáo, xin phép cũng xảy ra trên địa bàn quận Hoàng Mai. Thời điểm kiểm tra (ngày 30-10), tại địa chỉ kinh doanh karaoke 29 Kim Đồng (phường Giáp Bát), quận Hoàng Mai báo cáo cơ sở kinh doanh này do bà Trần Thị Hải đứng tên, nhưng công an địa phương khẳng định, bà Trần Thị Hải đã chuyển nhượng thương hiệu và nhà cho người khác.

Chung nỗi băn khoăn trên, ông Trịnh Văn Chiến, Đội trưởng Đội quản lý hành chính (Công an quận Cầu Giấy) cho biết: "Theo quy định hiện hành, muốn xử lý gái mại dâm trong các cơ sở kinh doanh DVVH phải bắt được quả tang, mà có bắt được rồi cũng chỉ có thể xử lý hành chính. Trong khi đó, đội kiểm tra liên ngành hay lực lượng an ninh không phải lúc nào cũng có thể đi kiểm tra, nhất là hoạt động nhạy cảm này thường diễn ra vào ban đêm". Đây cũng là lý do quận Thanh Xuân phát hiện ra một cơ sở karaoke trên đường Nguyễn Thị Thập có dàn tiếp viên nữ "hoành tráng", nhưng chỉ có thể xử lý cơ sở này lỗi sử dụng quá số người quy định trong phòng hát. Với số tiếp viên, Công an quận Thanh Xuân cũng chỉ có thể "gom" về, kiểm tra nơi cư trú và giao cho các địa phương xử lý.

Lo ngại hơn, đa phần cơ sở kinh doanh karaoke không phép hiện nay đều núp dưới hình thức kinh doanh cà phê, giải khát. Khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, họ giải thích đó là các phòng hát gia đình hoặc dùng để phục vụ miễn phí khách hàng, nhưng trên thực tế họ vẫn thu tiền của khách. Một số cơ sở đầu tư bài bản, gỡ vốn bằng cách không treo biển karaoke, nhưng vẫn lén lút hoạt động.

Theo bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Nội), những cơ sở dịch vụ loại này thường ở vùng nông thôn, xa trung tâm hoặc ở các địa bàn giáp ranh. Quản lý không chặt dễ nảy sinh tệ nạn xã hội và mất nguồn thu cho ngân sách, nhưng nếu quản lý chặt thì các cơ quan văn hóa lại không có thẩm quyền vì họ không đăng ký kinh doanh DVVH. Thực trạng này là một trong những vấn đề khó giải quyết trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh DVVH hiện nay.

Ứng xử thế nào với dịch vụ mới?

Không chỉ "đau đầu" trước nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, xử lý các cơ sở kinh doanh karaoke không phép, sai phép… các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh DVVH từ thành phố tới cơ sở đều tỏ ra lúng túng trong việc "ứng xử" những DVVH mới hoặc những dịch vụ na ná DVVH.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ngoài các cơ sở kinh doanh karaoke, các CLB khiêu vũ, quận Hoàn Kiếm còn hàng chục cửa hàng ăn uống sử dụng nhạc mạnh, 5 cơ sở đăng ký biểu diễn nghệ thuật và nhiều quán bar phục vụ người nước ngoài. Quận Ba Đình mới xuất hiện quán bar ở đường Trúc Bạch; quận Cầu Giấy thống kê được 61 nhà hàng, quán cà phê sử dụng âm nhạc trong kinh doanh. Quận Đống Đa có 3 nhà hàng biểu diễn nghệ thuật, nhưng qua theo dõi thì các nhà hàng này chủ yếu sử dụng nhạc mạnh… "Những hình thức kinh doanh này có phải là DVVH không cho đến nay vẫn còn chưa rõ. Tất cả quy định hiện hành về DVVH chưa có khái niệm hay định nghĩa thế nào là bar. Nếu các cơ sở sử dụng dịnh vụ này vi phạm những quy định về kinh doanh DVVH, chúng tôi không biết ghi vào biên bản lỗi gì, căn cứ vào đâu để xử lý", ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.

Trên địa bàn quận Hà Đông, Thanh Xuân lại xuất hiện trò chơi điện tử với những ca bin hát karaoke. "Những máy này có tem nhãn nhập khẩu, những cơ sở trò chơi này được phép kinh doanh, nhưng lại gây tiếng ồn khá lớn, vậy nên quản lý thế nào, có thể nhân rộng hay không?", ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng VH-TT quận Hà Đông đặt câu hỏi. Về vấn đề này, một cán bộ Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Nội) cho biết, Sở đã có văn bản gửi lên Bộ VH-TT&DL, hiện Bộ đã yêu cầu các địa phương tạm dừng nhập khẩu các loại máy và tổ chức kinh doanh trò chơi này để nghiên cứu thêm.

Những dẫn chứng kể trên cho thấy, công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh DVVH còn rất nhiều bất cập, trong khi chế tài quản lý và xử phạt vẫn chưa thể theo kịp thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Chế tài chưa theo kịp thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.