(HNM) - Trước những khó khăn của nghề khai thác thủy sản trên biển, để từng bước nâng cao đời sống ngư dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ ngư dân trong việc mua tàu mới để đánh bắt thủy hải sản…
Ngư dân đang được hưởng nhiều ưu đãi để đóng tàu vươn khơi, bám biển. |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để tránh tình trạng ngư dân ồ ạt tham gia đóng tàu hoặc mua tàu với công suất lớn, cần có quy định: Các chủ tàu muốn hưởng chính sách tín dụng đóng tàu xa bờ phải đăng ký với xã. Trên cơ sở đó, xã xác minh, tập hợp đề xuất lên huyện, tỉnh (thành phố) phê duyệt các danh mục. Việc đăng ký này giúp nắm bắt nhu cầu vay vốn. Mặc dù là chính sách khuyến khích nhưng cần phát triển có định hướng, có lợi cho ngư dân, không để xảy ra việc nhiều ngư dân đăng ký phát triển một nghề làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và gây ra mâu thuẫn quyền lợi giữa các bên. |
Lãi suất ưu đãi
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Nghị định 67 quy định ngư dân được vay vốn đến 90% để đóng tàu vỏ thép với lãi suất 1%, năm đầu tiên không tính lãi; đóng tàu vỏ gỗ được vay vốn 70% với lãi suất 3%, năm đầu tiên không tính lãi, thời hạn vay đến 11 năm. Ngư dân có thể sử dụng chính con tàu là tài sản để thế chấp vay vốn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế biển phát triển. Chủ tàu được hỗ trợ vốn trực tiếp nên có quyền lựa chọn mẫu thiết kế với chất liệu vỏ thép, gỗ hay composite phù hợp với nhóm ngành nghề để vừa an toàn, tiết kiệm vừa phát triển kinh tế biển đạt hiệu quả cao nhất. Riêng các tàu dịch vụ cung ứng lương thực, nhiên liệu cho các tàu cá xa bờ, Chính phủ sẽ hỗ trợ mỗi năm khoảng 10 chuyến (mỗi chuyến ra khơi trở về được hỗ trợ 40-60 triệu đồng). Việc tập huấn, đào tạo kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa tàu cá cũng được hỗ trợ kinh phí 100%. Các thuyền viên sẽ được hỗ trợ mua bảo hiểm, ngư cụ, trang thiết bị liên lạc… Tùy theo công suất của tàu cá, ngư dân được hỗ trợ đến 90% tiền mua bảo hiểm thân tàu. Về mẫu tàu, hiện các đơn vị đã đặt 24 mẫu cho phù hợp với 6 nhóm ngành nghề. Ngư dân được lựa chọn mẫu, sau đó chọn quy mô đầu tư, thuê doanh nghiệp đóng tàu... Bên cạnh đó, Nhà nước bảo đảm ngân sách thực hiện hằng năm việc điều tra nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường với kinh phí tối thiểu 30 tỷ đồng/năm; hỗ trợ 100% kinh phí hoạt động tự nghiên cứu hoặc mua bản quyền đổi mới công nghệ khai thác hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, hiện đại hóa tàu khai thác hải sản…
Giảm số lượng tàu công suất nhỏ
Quy hoạch phát triển khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, điều tra, đánh giá nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác hải sản truyền thống như vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, Thanh Hóa - Hà Tĩnh, xung quanh Côn Đảo, giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…). Định hướng phát triển khai thác được thực hiện theo xu hướng giảm dần số lượng tàu thuyền nhỏ nhằm giảm hoạt động khai thác ven bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tăng số lượng tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ và viễn dương trên 90CV. Để bảo đảm khai thác 2,4 triệu tấn thủy sản vào năm 2020, ngành thủy sản sẽ điều chỉnh số tàu thuyền đánh cá từ 128.000 chiếc giảm xuống còn 110.000 chiếc, trong đó đội tàu đánh bắt xa bờ trên 90CV giữ ổn định ở mức 25.000 chiếc; thực hiện cắt giảm khoảng 12.500 tàu thuyền đánh cá nhỏ hơn 20CV hoạt động ven bờ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản, nhằm khôi phục và nâng cao năng suất đánh bắt, giảm dần nghề khai thác gây xâm hại nguồn lợi thủy sản, đến năm 2020 dự kiến sẽ chuyển đổi khoảng 5.600 đơn vị nghề khai thác ven bờ, kém hiệu quả như lưới kéo, te xiệp, mành đèn, nghề đáy sang một số nghề có hiệu quả, thân thiện với môi trường như lưới vây kết hợp với ánh sáng, lưới rê… Về cơ sở hạ tầng, hậu cần dịch vụ nghề cá sẽ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện và xây dựng mới 211 cảng cá và bến cá, với tổng lượng thủy sản qua cảng và bến là 2,4 triệu tấn/năm; đồng thời, đầu tư nâng cấp hoàn thiện và xây dựng mới 131 khu neo đậu tránh trú bão đáp ứng chỗ neo đậu cho 84.200 tàu cá. Trước mắt, một số cảng cá, bến cá, tuyến đảo quan trọng như Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… sẽ được ưu tiên đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.