Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Cần to chưa câu được cá lớn

Bảo Chân| 12/08/2011 07:22

(HNM) - Thực tế, đến thời điểm hiện nay, đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ triển khai được gần hai năm. Với hai năm, quãng thời gian tuy chưa dài nhưng cũng không ngắn để cùng nhìn lại, rút kinh nghiệm và tính toán một cách chuẩn xác các mô hình, các cách làm hay.



Triển khai chậm, một số nơi không... động tĩnh

Trong buổi họp sơ kết một năm thực hiện đề án mới đây, các cơ quan liên quan như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, TƯ Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông, Ngân hàng Chính sách và đại diện UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đều được phân công trách nhiệm và cũng đã có những thông tư, văn bản hướng dẫn, yêu cầu các cấp cùng thực hiện. Điều đó cho thấy, đề án đã được giao nhiệm vụ cụ thể cho nhiều ngành, nhiều cấp. Nhìn lại hơn một năm thực hiện, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo TƯ, các tỉnh cũng như các bộ, ngành đã tổ chức dạy nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn. Trong số đó có 6.000 người được đào tạo học nghề thuộc các lĩnh vực phi nông nghiệp. Ngoài ra, cũng đã có gần 350.000 người được hỗ trợ học nghề. Cũng theo báo cáo, với số người được học nghề
và hỗ trợ học nghề này, có khoảng 70% đã có việc làm. Số lao động này được các tỉnh đào tạo nghề theo 5 mô hình. Đó là dạy nghề theo vùng chuyên canh, chuyên con; dạy nghề theo làng nghề; đặt hàng dạy nghề thuộc các lĩnh vực phi nông nghiệp; cấp thẻ học nghề nông nghiệp và dạy nghề theo các chương trình khuyến nông.

Đào tạo nghề cho nông dân tại Trường Dạy nghề công, nông nghiệp Quảng Bình. Ảnh: TTXVN


Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, công tác chuẩn bị và thực hiện còn quá chậm, thậm chí nhiều nơi dường như chưa có "động tĩnh" gì để thực hiện đề án. Số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo TƯ cho thấy, mặc dù theo quyết định của Thủ tướng thì mỗi tỉnh phải thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án do một phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban. Song đến thời điểm hiện tại, vẫn còn những tỉnh chưa có quy chế hoạt động. Chính vì vậy, hiện nay mới chỉ xác định được nhu cầu đào tạo của 12% trong tổng số gần 30 triệu lao động nông thôn.

Đi tìm mô hình hợp lý

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, để đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, trước hết phải có sự "vào cuộc" mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Các địa phương phải nhận thức đúng về đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn chính là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Một khi xác định được như vậy thì mới có thể tìm được một mô hình hợp lý và có cách làm đúng.

Cũng theo ông Dũng, đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động thực sự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn, từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; đồng thời dựa trên nhu cầu thực tế về nghề nghiệp của người dân, chứ không phải là các hoạt động có tính phong trào, nhất thời. Vì vậy, công tác điều tra, khảo sát nhu cầu phải thực hiện thường xuyên, nắm chắc các nhu cầu thực tế của người dân ở từng địa phương và của doanh nghiệp. Thực tế, Tổng cục Dạy nghề đã xác định được 600 nghề cần dạy cho nông dân. Tuy nhiên, với 600 nghề này, vẫn có nhiều nghề không được nông dân mặn mà, thậm chí là không đón đợi, nhất là những nghề khó tìm việc do ít doanh nghiệp đóng trên địa bàn hoặc khó tự tạo việc làm.

Để giải quyết tình trạng này cũng như tránh việc "cái cần thì không dạy, cái dạy thì không cần", theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay chỉ có tỉnh Lào Cai đang thực hiện đề án một cách bài bản và hiệu quả. Tỉnh Lào Cai đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của các hộ nông dân có nhu cầu học nghề. Song song với việc khảo sát nhu cầu của các hộ nông dân, Sở LĐ-TB&XH Lào Cai cũng tiến hành khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với kết quả khảo sát này, một số hộ được học nghề nông nghiệp gắn với nhu cầu thiết thân  của họ. Số khác với nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, Lào Cai đã tổ chức dạy nghề theo nhu cầu của những doanh nghiệp trên địa bàn. Với cách làm như vậy, tỉnh Lào Cai đã giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất, không gây lãng phí về thời gian của người dân cũng như tiền bạc của Nhà nước. Thứ hai, đó chính là hiệu quả dạy nghề, giải quyết được việc làm cho người dân sau học nghề. Chính mô hình này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao.

Để không lãng phí và nông dân có được "chiếc cần câu"
Một vấn đề khác cũng được khá nhiều ý kiến quan tâm, đó là việc xây dựng và đầu tư cho các cơ sở dạy nghề cho nông dân. Hầu hết các tỉnh đều đề nghị được đầu tư, trang bị cho các cơ sở dạy nghề tại các huyện. Song trên thực tế, đến nay nhiều huyện đầu tư nhưng không thu hút được học viên dẫn tới tình trạng đầu tư lãng phí. Nhiều thiết bị dạy nghề được trang bị nhưng không được đưa vào sử dụng. Chỉ tính riêng việc chuẩn bị đội ngũ quản lý dạy nghề và giáo viên dạy nghề, theo ban chỉ đạo đề án, hiện tại đội ngũ này có hơn 8.400 người. Nhưng để bổ sung đủ đội ngũ này, các tỉnh cần thêm 2.900 người. Với con số này, chỉ tính chi phí về lương cũng đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng mỗi năm, chưa kể kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng giáo trình, giáo án, chuẩn bị học liệu... Điều chéo ngoe là, cũng theo đánh giá của ban chỉ đạo, hiện nay nhiều người được huy động tham gia dạy nghề có tay nghề chưa cao, ít kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề cho nông dân. Trong khi đó, nhiều nghệ nhân do không có bằng cấp, chưa có chứng nhận nghệ nhân, người lao động giỏi... lại không được đưa vào diện dạy nghề, truyền nghề cho những lao động khác. Một sự lãng phí khác đó là hiện nay, hệ thống cơ sở dạy nghề của Tổng cục Dạy nghề cũng như của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã gần như phủ kín các tỉnh, các huyện nhưng hầu hết các trường nghề này đang rất khó khăn trong tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất.

Về vấn đề này, ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, không nhất thiết phải xây dựng các trung tâm dạy nghề với tất cả các huyện tránh gây lãng phí. Đối với những huyện có địa bàn rộng, có tiềm năng phát triển kinh tế thuận lợi thì có thể đầu tư thành lập trung tâm dạy nghề. Ngược lại, có thể phối hợp lồng ghép với các chương trình đào tạo khác của địa phương.

Việc huy động các tổng công ty, tập đoàn lớn đặt hàng hoặc trực tiếp đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyển đổi công việc là điều cần thiết. Song để làm được điều này, trước hết các tỉnh phải có sự điều tra, khảo sát nhu cầu của cả hai phía: người lao động và doanh nghiệp trên cơ sở đó mới tiến hành đào tạo. Riêng đối với lao động thuộc các làng nghề, thuộc các vùng cây chuyên canh cần nghiên cứu, lựa chọn các nghề có thị trường tiêu thụ lớn thì mới nhân rộng. Bài học nhãn tiền trước đây vẫn chưa nguôi khi một số tỉnh khuyến khích nhân rộng các vùng cây chuyên canh lớn như bưởi, vải, hồng không hạt... khiến nông dân từng khốn đốn vì không tiêu thụ được sản phẩm. Và đương nhiên, khi nông dân không được hướng dẫn, trang bị những thứ họ cần, không được bổ sung những thứ họ thiếu, cơ hội vàng sẽ tuột khỏi tay họ ngay sau khi kết thúc khóa học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Cần to chưa câu được cá lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.